CUỘC ĐỜI CỦA PI - phim chuyển thể từ sách

CUỘC ĐỜI CỦA PI - Phim chuyển thể từ sách

Một cuộc hành trình kì lạ, với “một chú hổ cũng có thể tạo thành đám đông trên chiếc thuyền cứu hộ”.
Bộ phim “Cuộc đời của Pi’, được sản xuất vào năm 2012 bởi đạo diễn hàng đầu Lý An là một bộ phim thành công trên nhiều phương diện. Bộ phim gây ấn tượng mạnh về mặt hình ảnh, cũng như đoạt được giải Oscar danh giá về mặt âm nhạc trong phim.
Vậy đạo diễn Lý An đã làm như thế nào để có thể đạt được những thành tựu đó? Nếu bạn từng đọc qua cuốn sách “Cuộc đời của Pi” mà bộ phim dựa trên từ trước, bạn có thể nghĩ rằng không bộ phim nào có khả năng truyền tải được chiều sâu của cuốn sách này. Bởi lẽ, bên cạnh những yếu tố tôn giáo kì ảo, tiểu thuyết của Martel âm thầm đi sâu vào khai thác nội tâm của nhân vật và những triết lí ngầm thông qua các chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Dựng lại phim một cuốn sách bán chạy hàng đầu như vậy, một câu chuyện tưởng chừng như không thể khi cuốn sách càng thành công thì kì vọng của mọi người về bộ phim càng lớn. Nhưng Lý An đã biến điều tưởng chừng như bất khả thành sự thật và khiến cho tất cả mọi người phải ngạc nhiên với công cụ trợ giúp đầu tiên là về khoa học công nghệ!
Bộ phim này thực chất là phim 3D, sử dụng kĩ xảo lồng ghép nhân vật đồ họa cùng với cảnh và người thực (live action/computer animated). Chú hổ Peter Parker - một trong những diễn viên chính trong phim, thực ra là sản phẩm của công nghệ. Bạn có thể thấy kĩ xảo trong phim đứng hàng đầu khi mà hình ảnh con hổ hiện lên hết sức thật với những chuyển động và biểu cảm tự nhiên của nó. Cả những cảnh phim mở ra khung cảnh trời biển mênh mông, nơi mà chiếc thuyền Pi đứng trở thành ranh giới duy nhất giữa đại dương và bầu trời nữa… Đó là những khung ảnh tuyệt vời mà bộ phim đã thực hiện được.
Tất nhiên, chúng ta không thể kể đến yếu tố vô cùng quan trọng khác là diễn xuất chân thật của các diễn viên. Bộ phim quy tụ những diễn viên người Ấn xuất xắc, như Suraj Sharma đóng vai Pi thời thiếu niên và Irfan Khan là Pi khi đã trưởng thành – trong vai trò là người kể lại câu chuyện. Bạn nào đã xem qua phim “Triệu phú khu ổ chuột” hẳn là cũng đã chứng kiến sự xuất hiện đầy ăn ý của bộ đôi này.
Bộ phim được chia làm hai phần chính, giống như trong sách. Phần một nói về cuộc sống của một gia đình tại Pondichery Ấn Độ, nơi mà cậu bé Piscine ra đời. Cậu trưởng thành cùng với những con vật trong vườn thú mà bố cậu quản lí, có những hiểu biết sâu sắc về chúng và cũng hết mực yêu quí chúng. Thời niên thiếu cũng là lúc Pi có sự tiếp xúc với các tôn giáo xung quanh mình. Khác với mọi người, khi niềm tin chỉ đặt trọn vào một tôn giáo, Pi có sự gặp gỡ đặc biệt với cả ba tôn giáo là đạo Hindu giáo, Thiên chúa giáo và đạo Hồi giáo. Cậu tìm thấy ý nghĩa cũng như niềm tin của mình ở cả ba đạo, sự hi sinh của Thiên chúa giáo, sự hợp nhất cá thể của đạo Hồi giáo và trở thành con chiên ngoan đạo. Hành động này của cậu tất nhiên là không nhận được sự đồng tình của các thầy cả, các thầy của ba tôn giáo thậm chí để tranh giành Pi còn đưa ra những định kiến của mình về tôn giáo khác. Về phần Pi, cậu chỉ đơn giản mong muốn “được yêu thương Thượng đế nhiều hơn thôi” và chỉ với câu nói đơn giản như thế, cậu đã kết thúc được cuộc tranh luận giữa cả ba thầy, mặc cho bố cậu vẫn cảnh báo rằng “Khi con tin quá nhiều thì nó cũng đồng nghĩa với việc con không tin vào điều gì cả”.
Phần thứ hai của bộ phim là khi sở thú gặp khó khăn, bố của Pi đã quyết định đưa cả gia đình và các con thú quý giá tới Canada. Con thuyền bị đắm vào một đêm giông bão, điều này đặt Pi vào một cuộc hành trình éo le trên chiếc xuồng cứu hộ nhỏ nhoi với sự xuất hiện của một con ngựa vằn, một con khỉ tên Nước Cam, một con linh cẩu và một con hổ.
Đó là một chuyến lênh đênh sinh tồn trên biển trong 227 ngày. Mặc cho sự quy tụ đầy đặc biệt của bốn con vật, những khắc nghiệt của tự nhiên đã làm trỗi dậy bản năng của từng con trong số chúng. Những gì Pi được biết về bản tính hoang dã của động vật, giờ đây cậu cũng đã được chứng kiến tận mắt trong những cuộc tàn sát đẫm máu với kẻ sống sót cuối cùng là con hổ. Mình sẽ không đi vào chi tiết Pi và con hổ đã làm thế nào để cùng nhau sống trên một chiếc thuyền – điều đó dành cho những bạn chưa xem phim có thể khám phá. Nhưng tựu chung lại, đó là một chuyến hành trình vô cùng vất vả, khi cả người và vật đều bị sự khắc nghiệt của giông bão, của cái đói cái khát dằn vặt đến xé cổ và kiệt sức. Chính những giây phút đó mà niềm tin về tôn giáo trong Pi được thử thách, Thượng đế có mục đích gì khi đặt cậu vào hoàn cảnh như thế này? Tại sao cậu phải trải qua những khổ đau như vậy thay vì được ra đi cùng với những thành viên yêu quý trong gia đình của mình? Cuộc chiến sinh tồn này hay hành trình tìm kiếm tôn giáo của Pi trên biển chính là trái tim và cốt lõi của bộ phim, đó là giây phút nghẹt thở khi thực tại khắc nghiệt va chạm với tôn giáo hay chính là niềm tin và ý chí mạnh mẽ của mỗi người.
Với cảm nhận của cá nhân mình, bộ phim là một thành công tuyệt đối cả về mặt hình ảnh lẫn âm thanh. Một điều tuyệt vời mà bộ phim làm được đó là nó làm cho câu chuyện trở nên dễ hiểu hơn với hình ảnh của mình. Có những thước phim đẹp đẽ gây ấn tượng mạnh mà mình muốn kể đến là cuộc đụng độ đầu tiên của Pi với Richard Parker tại vườn thú, khi con hổ từ từ tiến đến cậu với đôi mắt mở to pha lẫn với vẻ hiền hòa trên khuôn mặt đẹp uy mãnh của nó. Hay cái khoảnh khắc con tàu bị đắm, phía trên mặt biển là bão tố, là mọi sự hỗn loạn nhưng dưới mặt nước là một đối lập hoàn toàn vớisự tĩnh lặng hiền hòa, một thế giới hầu như không có âm thanh, với những con cá lớn bơi lội uyển chuyển được ánh đèn sáng trưng của con tàu xấu số phản chiếu lại. Vào khoảnh khắc ấy, mây trời, biển, sương mù, ánh chớp và ánh điện le lói đều hòa chung với nhau, làm phai mờ ranh giới của mọi sự vật hiện tượng.
Hay đặc biệt hơn là cảnh phim cuối cùng, khi Pi khóc nức nở vì con hổ bỏ đi mà không ngoái lại dù chỉ một lần, nó luôn mang lại cho tôi một nỗi xúc động đến khôn nguôi. Bởi chăng mà nói, con hổ cũng chỉ là một loài thú hoang không tình người mà thôi… Nhưng Pi dù thế vẫn luôn suy nghĩ cũng như tâm niệm lại về điều đó khi đã trưởng thành và đã chia sẻ rằng: ”Tôi biết nó có nhiều hơn hình ảnh phản chiếu của tôi, tôi cảm nhận được điều đó.” Cái kết phim đọng lại hình ảnh Pi, cười rạng rỡ, xung quanh bát ngát màu biển hiện ra vào giây phút mà con hổ dừng lại chỉ đôi chút tại bìa rừng, sau đó lẩn thân hình còm cõi của mình vào đám lá của rừng cây và biến mất.
Đây là bài review của mình về bộ phim “Cuộc đời của Pi”. Mong cho những ai chưa xem nó có cơ hội được thưởng thức và mong những ai đã xem rồi gợi lại được trong bản thân ấn tượng về nó. Mình cũng khuyến khích mọi người đã xem rồi dành thời gian để đọc qua cuốn sách, bởi nó sẽ đi vào phân tích kĩ càng hơn những quan điểm tôn giáo vốn có trong bộ phim, và mình chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được nhiều ý nghĩa hơn về vai trò của tôn giáo trong suốt hành trình kì lạ của cậu bé ấy.
____
Người review: Bảo Ngân
From HanuBookClub with [❤]
____


 

Bình luận