NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ


[📗] Góc Review
NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ
_____
Tác giả: Khaled Hosseini
Thể loại: Tiểu thuyết
NXB: NXB Văn học
Đơn vị phát hành: Nhã Nam
_____
Khaled Hosseini là cây bút người Mỹ gốc Afghanistan, mặc dù rời xa quê hương đã lâu nhưng mảnh đất Trung Đông vẫn trở thành nỗi nhớ thường trực trong ông và đó chính là nguồn cảm hứng cho hầu hết các sáng tác của nhà văn sau này. Bốn năm sau thành công vang dội của ấn phẩm đầu tay "Người đua diều" xoay quanh cuộc đời cậu bé Amir thì vào năm 2007, Khaled Hosseini cho xuất bản cuốn sách thứ hai mang tên “Ngàn mặt trời rực rỡ”. Cũng lấy bối cảnh ở Afghanistan nhưng lần ông hướng ngòi bút đến số phận khốn khổ của người phụ nữ trong xã hội lúc bấy giờ. Tác phẩm kể về cuộc hành trình vượt lên bi thương để kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn của hai người phụ nữ Afghanistan.
Tác giả xây dựng hình tượng Mariam và LaiLa với xuất thân khác biệt nhưng cuối cùng lại chịu chung một bi kịch, đem đến cho mình cảm nhận cuộc đời những người phụ nữ nơi đây như chiếc phễu, dù bắt đầu ở đâu thì kết cục vẫn sẽ rơi cùng vào một trũng đen không đáy. Kể từ khi sinh ra Mariam đã bị coi là đứa trẻ bị ruồng bỏ, lớn lên với niềm căm phẫn của người mẹ và tình thương giả dối của cha, cuộc đời cô cứ thế trượt dài trong đau khổ. Laila xuất hiện như tấm gương phản chiếu cho tất cả những thiếu xót trong cuộc đời Mariam. Hai người phụ khác nhau về cả thế hệ và gia cảnh thế nhưng số phận đưa đẩy để họ sống chung dưới một mái nhà rồi trở thành chỗ dựa cho nhau mà bước tiếp.
Khaled Hosseini đã gói gọn bốn thập kỷ loạn lạc, đau thương của Afghanistan trong "Ngàn mặt trời rực rỡ". Người phụ nữ Trung Đông không chỉ bị vùi dập trong chiến tranh tan tác mà còn chịu kìm kẹp bởi luật lệ tôn giáo hà khắc. Thế nhưng trong hoàn cảnh như thế sức sống của họ lại càng trở nên mạnh mẽ. Mariam và Laila dưới sự tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần, có những khi họ lạc lối cũng như quên mất đi ý nghĩa sống của bản thân nhưng chưa bao giờ họ buông bỏ. Dưới hình hài mỏng manh mà thượng đế ban tặng cho người phụ nữ là trái tim sắt đá, quả cảm đồng thời cũng luôn cháy rực ngọn lửa khao khát yêu thương.
Trong "Ngàn mặt trời rực rỡ", nhà văn đã rất khéo léo trong việc mượn các sự vật để lột tả những gò bó mà người phụ nữ Trung Đông phải chịu đựng, đặc biệt phải kể để tấm màn che mặt của Mariam trong ngày cưới. Nó như một tấm vách kiên cố ngăn cản cô chạm tới thế giới rộng lớn, chỉ có thể cam chịu một cuộc đời tù túng, phụ thuộc.
Nhan đề cũng là một phần khiến mình rất ấn tượng, Khaled Hosseini đã sử dụng một câu thơ Ba Tư ông thích cho tên tựa sách của mình
“Không ai có thể đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng
Hay ngàn mặt trời rực rỡ ẩn sau những bức tường của nàng.”
Mariam hay Laila đã tự mình phá tan mây mù và biến thành mặt trời rực rỡ cho chính cuộc đời họ, đồng thời tỏa ánh sáng hy vọng tới những người phụ nữ đang chịu dày vò nhưng chưa dám đứng lên đấu tranh.
Ngòi bút của Khaled Hosseini luôn như vậy, không khoa trương nhưng vẫn đầy sâu sắc. Xuyên suốt tác phẩm, có những lúc lồng ngực mình như nổ tung vì cảm giác bí bách chỉ qua khung cảnh ông miêu tả, cũng có lúc mình thấy uất nghẹn cho số phận chất chồng bi thương của Mariam. Nhà văn đã xây dựng câu chuyện tựa như một thấu kính hội tụ, quy hợp những mảnh đời ngỡ chẳng liên quan đến nhau về chung một điểm, thắp sáng hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Chủ nghĩa nữ quyền ở Afghanistan vì vậy hiện lên trọn vẹn qua hình ảnh ba người phụ nữ trong Ngàn mặt trời rực rỡ. Nếu mẹ của Mariam đại diện cho sự cam chịu, Mariam dừng lại ở tư tưởng phản kháng thì Laila là biểu tượng về hành động dám đứng lên đấu tranh, giành lấy hạnh phúc của chính mình. Vẻ kiên cường và sự đấu tranh của những người phụ nữ Afghanistan đến đây trở nên hoàn thiện, qua đó thể hiện sự thông cảm và trân trọng của Khaled Hosseini. Cho đến tận bây giờ, Ngàn mặt trời rực rỡ vẫn giữ nguyên giá trị của nó không chỉ bởi tài năng của tác giả mà còn vì giá trị nhân văn không bao giờ cũ.
Người Review: Ngọc Linh
From Hanu Book Club with [❤]
 

Bình luận