NỖI BUỒN CHIẾN TRANH


NỖI BUỒN CHIẾN TRANH
-----
Tác giả: Bảo Ninh
Thể loại: Tiểu thuyết
NXB: NXB Trẻ
Ký hiệu xếp giá: 895.9223 BAN
Kho tài liệu Tiếng Việt
-----
“Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người.”
Bạn có biết rằng, từng có một khúc ca về thời chiến đầy bi thương với những ám ảnh và đổ vỡ kinh hoàng tới nhường ấy mang tên “Nỗi buồn chiến tranh”.
“Nỗi buồn chiến tranh” là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh – một cựu chiến binh trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có lẽ việc trải qua những năm tháng trực tiếp sống và chiến đấu, chứng kiến sự hủy diệt khủng khiếp của bom đạn và sự bạo tàn của chính con người đã trở thành nỗi ám ảnh, cũng là nguồn cảm hứng để Bảo Ninh viết nên tác phẩm này. Xuất bản năm 1990, “Nỗi buồn chiến tranh” ngay lập tức gây chấn động trên văn đàn, và mặc cho vô vàn những tranh cãi,đánh giá trái chiều, chỉ một năm sau đó, tác phẩm đã giành được giải thưởng của Hội nhà văn - một trong những giải thưởng văn chương quan trọng bậc nhất ở Việt Nam.
Với mình, “Nỗi buồn chiến tranh” là cuốn sách để lại cho người đọc nỗi ám ảnh nhiều hơn là buồn. Cảm giác ấy được gợi lên từ những hồi ức đứt đoạn được sắp xếp một cách lộn xộn, khiến cho thời gian và không gian của tác phẩm dường như cũng đổ nát và vỡ vụn, chỉ còn là những mảnh chắp vá. Sự hỗn độn mà mình phần nào cảm nhận được có lẽ cũng chính là trạng thái tâm lý của Kiên - nhân vật chính của tác phẩm, một người lính trở về với cuộc sống hòa bình nhưng tâm hồn đã vĩnh viễn mắc kẹt nơi chiến trường.
Tác phẩm mở đầu với không gian tịch mịch và âm thanh của cơn mưa rừng nặng hạt trong một đêm Kiên quay lại chiến trường cũ để thu lượm hài cốt đồng đội. Và từ đây, tâm trí anh trở về với những năm tháng bị vùi sâu dưới lớp trầm tích của thời gian, những hồi ức về cuộc chiến, về đồng đội, về tình yêu thời trẻ. Những ký ức ấy cứ liên tục được tái hiện một cách đột ngột trong dòng hồi tưởng của nhân vật. Sau 10 năm chiến đấu trong bom đạn, chiến tranh đã găm vào tâm hồn Kiên những vết thương nặng nề, nó buộc anh phải chứng kiến vô số lớp người ngã xuống, tận mắt thấy những con người vô tội với hừng hực lý tưởng lao mình vào giữa cuộc chiến ác liệt và dần bị biến thành những kẻ sát nhân tàn bạo. Trở về thời bình, Kiên trở thành một nhà văn khó tính, anh ghi lại những ký ức ám ảnh của cuộc đấu tranh tàn khốc để giãi bày tất cả nỗi đau thương trong lòng, nhưng dường như càng viết anh lại càng lún sâu vào vũng lầy hỗn độn của ký ức. Đó có lẽ không phải là nỗi bất lực của riêng mình Kiên, mà còn là nỗi đau chung của cả một thế hệ người lính. Họ đã cống hiến toàn bộ đời mình trong những trận chiến ác liệt, chứng kiến vô vàn những cái chết và cứ thế dần mất đi hy vọng sống. Để rồi khi chiến tranh đi qua, họ ngỡ ngàng nhận ra bản thân chẳng còn lại gì, kéo lê nỗi đau quá khứ suốt quãng đời còn lại trong sự tuyệt vọng cùng cực, cùng với đó là cả những xót xa, ăn năn luôn ngày đêm dày vò họ - điều hẳn còn đau đớn gấp vạn lần những vết thương do bom đạn gây ra.
Từng có một thời “Nỗi buồn chiến tranh” phải nhận về sự im lặng và gần như bị lãng quên trong giới văn học nghệ thuật Việt Nam. Cuốn sách hầu như vắng bóng trong các công trình nghiên cứu, phê bình văn học thời bấy giờ, cũng bị cấm không được xuất bản trong nhiều năm vì lý do kiểm duyệt khi cho rằng “chiến tranh phải cao đẹp và hào hùng, không thể có cái chuyện buồn đau vớ vẩn…”. Quả thực so với các tác phẩm cùng đề tài, “Nỗi buồn chiến tranh” mang những tình cảm và góc nhìn quá đỗi khác biệt. Không hề có những cuộc chiến hào hùng, những con người vĩ đại và quả cảm, những lời ngợi ca, tự hào về lịch sử và chiến thắng vĩ đại… Ở tác phẩm chỉ có những cái chết thảm khốc, sự vụn vỡ của lý tưởng và trên hết là nỗi đau tột cùng của những con người mang danh “anh hùng dân tộc” thời bấy giờ. Bảo Ninh đã vượt thoát hoàn toàn khỏi tư tưởng tụng ca chiến tranh dưới con mắt và tư duy của cộng đồng, dân tộc để nhìn lịch sử dưới góc độ của một cá nhân độc lập, từng trực tiếp chứng kiến, trải qua và bước ra từ cuộc chiến. Bao trùm toàn bộ tác phẩm là những chia ly, đổ vỡ, những đoạn ký ức thảm khốc và nhiều hơn cả là những cái chết… Tất cả hợp thành một bức tranh kinh hoàng về chiến tranh giải phóng dân tộc, ở đó có vô số mảnh đời ảm đạm của những con người mà thân xác trở về từ đạn bom nhưng linh hồn đã chết từ bao giờ.
“Nỗi buồn chiến tranh” không phải là một cuốn sách dễ đọc. Những câu chữ mang ẩn ý sâu xa, dòng cảm xúc u buồn, nặng nề với những hồi tưởng hỗn loạn như trong một cơn mơ không rõ đâu là mở đầu và đâu sẽ là kết thúc. Chúng cứ luôn đè nặng, trói chặt tâm trí mình trong nỗi thê lương và sự ngột ngạt vô hình. Có quá nhiều những “nỗi buồn” được gửi gắm trong cuốn sách này, mà day dứt hơn cả là nỗi buồn của những người lính bước ra từ cõi chết. Họ may mắn thoát được khỏi bom đạn, nhưng không cách nào thoát khỏi nỗi ám ảnh, họ bất lực trong khao khát được giải thoát khỏi những gì đã qua và sống cho chính mình. “Chiến tranh” - có thể với thế hệ mình, đó là một bi kịch đã vĩnh viễn nằm lại nơi quá khứ, nhưng với cả một lớp người đi trước, đó là vết thương đau đớn không bao giờ lành miệng. Những người còn sống sót ấy, biết đến bao giờ mới có cuộc sống “tự do” thực sự dành cho họ?
Người Review: Minh Hạnh
From Hanu Book Club with [❤]
 

Bình luận