Hãy chăm sóc mẹ
Đây là một cuốn sách ấm áp và lấp lánh những giá trị nhân văn của tình mẫu tử, tình yêu thương và sự cao cả của người mẹ. Ta như tỉnh dậy sau một giấc mơ dài, rằng cuộc đời dù có đầy những vui, buồn, sướng, khổ thì hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi người đó là khi ta có mẹ và còn mẹ. Quyển sách nhắn nhủ cho ta một thông điệp muôn thuở “hãy yêu thương mẹ, khi còn có thể”. Ở đâu đó trong cuốn sách n

Khi tôi đọc cuốn sách Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung Sook tôi đã thấy một sự rung động mãnh liệt. Không chỉ bởi những lời những suy nghĩ đầy trăn trở và nhân văn của tác giả đã chạm đến tâm hồn tôi. Mà còn vì tôi thấy mẹ mình trong hình ảnh của người mẹ đi lạc và tôi thấy hình ảnh chính mình trong đó. Cuốn sách này dành cho chúng ta – những người vẫn đang dửng dưng với tình yêu thương của mẹ. Ta vẫn yêu thương mẹ đấy nhưng ta thiếu sự quan tâm. Hãy đọc cuốn sách này và một lần hãy ngồi lại và dành thời gian tâm tưởng về mẹ. Nếu bạn ở xa hãy gọi điện cho mẹ, và hãy một lần nói lời yêu với mẹ của mình!

Đây là một cuốn sách ấm áp và lấp lánh những giá trị nhân văn của tình mẫu tử, tình yêu thương và sự cao cả của người mẹ. Ta như tỉnh dậy sau một giấc mơ dài, rằng cuộc đời dù có đầy những vui, buồn, sướng, khổ thì hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi người đó là khi ta có mẹ và còn mẹ. Quyển sách nhắn nhủ cho ta một thông điệp muôn thuở “hãy yêu thương mẹ, khi còn có thể”. Ở đâu đó trong cuốn sách này, ta có thể bắt gặp hình ảnh của chính ta. Hình ảnh những người đang vùi đầu vào những bộn bề của cuộc sống, những người vẫn luôn quen với việc nhận về tình yêu thương, sự chăm sóc, sự hy sinh từ mẹ. Mà quên đi người phụ nữ vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta, đôi khi như một bức tường im lặng, người đứng đằng sau tất cả cuộc sống của người chồng và tất cả những đứa con. Cuốn sách này dành cho những ai vẫn đang dửng dưng với tình yêu thương của mẹ, mải mê tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài. Đây cũng là một cuốn sách tuyệt vời để tôn vinh những người mẹ, những người vợ và những người phụ nữ đáng trân trọng trên thế giới này.

Đây là một cuốn sách sẽ đến với trái tim của bạn, vì có lẽ đằng sau tác phẩm, là một trái tim đang thổn thức yêu thương những rung động cuộc đời và trân quý những tình cảm thiêng liêng của con người. Tác giả Shin Kyung Sook sinh ra trong một gia đình nghèo sống tại một ngôi làng nhỏ ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul lao động kiếm sống, chính vì vậy mà cây bút của cô trở nên thấm thía, từng trải, sâu sắc và tràn đầy những chiêm nghiệm cuộc đời. Đến với hãy chăm sóc mẹ ta sẽ thấy tác giả kể lại câu chuyện một cách bình dị, chân thực, không đến mức quá gay gắt nhưng để lại trong ta những dư vị và những day dứt khôn nguôi.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng một sự kiện một bà mẹ nông thôn bị lạc trên ga tàu điện ngầm Seoul. Một bà mẹ đã già, trí óc không còn minh mẫn, lúc nhớ lúc quên cùng chồng lên phố thăm con. Bà bị lạc sau đó mất tích. Đây không chỉ là cuộc hành trình đi tìm mẹ mà là cuộc hành trình quay ngược về quá khứ với những mảng màu sáng tối của cuộc sống hiện tại và quá khứ. Người mẹ mất tích như một bức tranh được hiện lên qua từng mảnh ghép. Mỗi mảnh ghép là một phần ký ức có phần ngọt ngào, có phần đau đớn. Hình ảnh người mẹ được hiện lên như một tượng đài bất tử bởi tình mẹ thiêng liêng, với đức hy sinh cao cả.

Ta không thể quên được cảnh người mẹ lội bộ để đưa học bạ lên cho con trai ở trên thành phố. Càng không thể quên được một người mẹ đã dành cho con tất cả yêu thương và sự hy sinh, khi quyết tâm chịu khổ đấu tranh để cho con được đến trường. Một người mẹ luôn nghĩ mình chưa làm được nhiều cho con. Hay một người phụ nữ giấu giếm chồng, con để dành dụm tất cả khoản tiền dưỡng già để dành tặng cho trại trẻ mồ côi. Một người phụ nữ cưu mang cả những con vật, yêu thương cả những thứ tưởng chừng như vô tri vô giác. Người phụ nữ có vẻ giản dị của một người mẹ, một người phụ nữ bình thường như cử chỉ bên ngoài nhưng lại hiện lên với một vẻ đẹp nội tâm vô cùng sâu sắc với những phẩm chất đáng kính trọng. Qua những khoảnh khắc tuổi thơ nhọc nhằn, ta vẫn thấy ánh lên đâu đó giọt nắng và sự ấm áp của tình người, của tình yêu và những bài học giá trị về cuộc sống.

 

Thế nhưng, người chồng và những người con đã quen nhận về những yêu thương của mẹ. Quen tới mức chưa ai trong số họ nghĩ rằng mẹ của học cũng rất cần được nhận về yêu thương. Trong cuộc hành trình quay ngược thời gian đó những người con chợt nhận ra mình đã hành xử thật tồi tệ với mẹ, trong lúc còn có mẹ. Đó là lúc họ chê bai, ỉ ôi, vứt bỏ những chiếc bánh gạo mẹ làm vào ngày lễ. Đó là lúc cô con gái la lên với mẹ: “Người nhà quê thật khó hiểu” khi mẹ không chịu làm chuồng cho con chó ở. Đó là người chồng, luôn luôn đi trước vợ, bà luôn phải đuổi theo. Đó là người chồng bỏ đi cùng với người đàn bà khác rồi khi trở về lại được tha thứ và yêu thương.

Có lẽ với một giọng văn nhẹ nhàng đến như thế nên làm ta cảm thấy ân hận và hối lỗi sâu sắc. Tác giả không đến mức gay gắt chỉ ra sai trái của người chồng và những người con hay phê phán họ mà chỉ đơn giản làm việc của người kể chuyện. “Trong suốt năm mươi năm qua kể từ lần đầu gặp nhau khi ông mới hai mươi tuổi, câu nói “ông đi chậm một chút” là câu mà ông nghe nhiều nhất từ vợ mình, nhưng ông chưa bao giờ sải bước đi bên cạnh chuyện trò với bà như bà muốn, chưa bao giờ, dù chỉ một lần”.

Ta như tỉnh dậy sau một giấc mơ dài với những câu hỏi và trăn trở sâu sắc. Đó là sự thức tỉnh ấm áp, sự thức tỉnh mang cả nước mắt và nỗi đớn đau, ngấm sâu vào tận bên trong tiềm thức. Đó là một lời nhắc nhở thấm thía “hãy chăm sóc mẹ” khi còn có thể. Đó là câu hỏi tự vấn đến mỗi người, làm sao để đến một lúc nào đó khi vĩnh viễn đánh mất đi người quan trọng của cuộc đời, mình không cảm thấy hối hận. Vâng, “hãy yêu thương khi còn có thể”, vì trên thế giới này chỉ có một người “xem ta là mục đích đầu tiên cũng như là mục đích cuối cùng, đó chính là mẹ”.

Ngay lúc này, dù bạn là ai, dù bạn đang làm gì sẽ không quá muộn để nghĩ về mẹ, để một lần trong đời thấu hiểu những nỗi đau, những hy sinh của mẹ. Hãy dành cho mẹ thời gian và trái tim của bạn để yêu thương mẹ. Vì biết đâu rằng một ngày nào đó bạn sẽ cảm thấy ân hận vì chưa làm được gì cho mẹ và không còn được ở bên mẹ nữa. Chúng ta – những người may mắn đang còn có mẹ hãy “chăm sóc mẹ”, vì rằng cuộc đời tuy dài nhưng hãy thật lòng mình với câu hỏi: Mình ở bên cạnh mẹ được bao lâu? Mình đã làm được gì cho mẹ?

Review trích : Sachdenroi.com

Bạn có thể tìm đọc sách tại Thư viện Khoa Hàn Quốc - Trường Đại học Hà Nội với kí hiệu xếp giá : 895.7 SHI.

Bình luận