Hành trình về phương đông

"Hãy quay về phương Đông, với quê hương tinh thần. Quay về không phải để tìm kiếm một chân lý mới, một tôn giáo mới hay một kiến thức gì mới lạ. Mà để hiểu biết rằng chân lý luôn luôn ẩn tàng khắp nơi, tôn giáo chỉ là những con đường khác nhau đưa đến chân lý”.

 

Hành trình về phương Đông - Baird T.Spalding/phóng tác: Nguyên Phong ]
Cuốn sách kể về hành trình của đoàn khoa học gồm những chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử đến Ấn Độ để nghiên cứu về khoa học cổ xưa và bí truyền văn hoá Ấn Độ. Hành trình về phương Đông đã mở ra một chân trời mới để Đông Tây gặp nhau, để Khoa học Minh triết hội ngộ, để Hiện đại Cổ xưa giao duyên, để Đất Trời là một.

Tôi không phải một kẻ tín đạo, tôi không sùng bái một tôn giáo hay một giáo lý nào cả. Tôi cũng chưa từng nghiên cứu hay đọc nhiều các tài liệu chính thống về chủ đề này, có chăng chỉ là có chút kiến thức ít ỏi qua báo đài, tạp chí, sách vở, tất cả đều dừng lại ở việc đề cập đến, không có phân tích lý luận chính đáng. Nhưng từ trước đến giờ, tôi vẫn tin vào những điều kì diệu của văn hoá tâm linh (vấn đề này cực kỳ nhạy cảm, cần cẩn trọng tránh nhầm lẫn với mê tín dị đoan) mà khoa học chưa thể chứng minh được, có lẽ, khó mà biện chứng cho nổi.

Tuy nhiên, tôi đã đọc cuốn sách Bên rặng tuyết sơn - cũng do Giáo sư Nguyên Phong phóng tác, nên cũng gọi là nắm được tinh thần của thể sách này. Nếu Bên rặng tuyết sơn giúp tôi tin con người hoàn toàn có thể kết nối với đấng toàn cao - vũ trụ thiên nhiên xung quanh qua bộ môn yoga thì Hành trình về phương Đông, theo ý kiến cá nhân tôi, có giá trị cao cả hơn nhiều lần. Tôi như được theo chân các giáo sư của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh, vượt qua bao ngờ vực, thất vọng để đến được với khoa học minh triết cổ xưa Ấn Độ.

Những bí truyền của văn hoá Ấn được gợi mở thông qua những dẫn chứng khoa học hiện đại đầy sức thuyết phục, khó lòng mà chối cãi. Nền khoa học cổ xưa như yoga, thiền định, chiêm tinh học, phép dưỡng sinh, cùng với những kiến thức về nhân duyên, nghiệp báo, luận nhân quả, tam giới,... dần thuấn nhuần vào tư tưởng người đọc, như thể, ta đang quỳ dưới chân một vị chân sư mà tiếp nhận những bài học thay đổi cả cuộc đời ta.

Những triết lý sâu sắc và vô cùng nhân văn của tác giả Spalding được giáo sư Nguyên Phong chuyển sang tiếng Việt một cách tinh tế, nhuần nhuyễn, như thể nền văn hoá này phi ngôn ngữ, chỉ cần tấm lòng rộng mở, cởi bỏ định kiến, đều có thể thấu hiểu, giác ngộ.

Như lạc vào một thế giới bí ẩn, khám phá những điều lạ lẫm, cuốn sách có sức hút lạ kỳ, cứ thế dẫn dắt cảm xúc và tâm hồn tôi. Tri thức về khoa học, văn hoá, tôn giáo, tâm linh khiến tôi say đắm, bởi Hành trình về phương Đông đã lôi cuốn tôi.

Đọc một cuốn sách, như sống một cuộc đời khác, giàu trải nghiệm, rộng kiến thức hơn.

“Đúng thế, chúng ta có tính hay quên, nên cứ phải học đi học lại cái bài học đau khổ. Chỉ khi bị khổ sở, bị đàn áp, tự do bị chà đạp, con người mới quay về với niềm hy vọng cuối cùng là đức tin. Khi sung sướng ít ai nghĩ đến việc tu thân cầu giải thoát. Khi cơ thể bệnh hoạn, ta mới thấy khoẻ mạnh là hạnh phúc. Khi bị tù đày, ta mới thấy giá trị của tự do. Tiếc rằng khi khỏi bệnh, ta không ý thức nguyên nhân đã gây nên bệnh đó, mà lại tiếp tục một đời sống như trước, do đó, ta cứ bị bệnh hoài.”

Thầy cô và các bạn có thể tìm đọc sách tại Kho tài liệu Tiếng Việt - Thư viện Trường Đại học Hà Nội

Ký hiệu xếp giá: 133SPA

Người review: Nguyễn Thị Nguyên - 4A-18 Hanu - CLB sách Hanu

Bình luận