TIẾNG VỌNG SÔNG ĐÀ


TIẾNG VỌNG SÔNG ĐÀ
—--
NXB: NXB Phụ nữ Việt Nam
Ký hiệu xếp giá : 895.922803 TIE
Kho tài liệu Tiếng Việt.
Thư viện Trường Đại học Hà Nội.

Nhân dịp giới thiệu về cuốn sách Thư viện muốn gửi lời cảm ơn và tri ân Thầy Nguyễn Văn Chiến và Cô Nguyễn Thị Ngọ đã tặng sách cho thư viện, những tài liệu này sẽ vô cùng hữu ích cho bạn đọc, đặc biệt là với giảng viên, học viên, sinh viên của trường trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Thay mặt độc giả, Thư viện xin chân thành cảm ơn Thầy, Cô và trân trọng gửi đến Thầy, Cô những lời chúc tốt đẹp nhất!
___
Sau chính xác 24 năm 10 tháng, công trình thế kỷ của đất nước ta, cũng là lớn nhất Đông Nam Á thời điểm lúc bấy giờ (năm 1994) đã được hoàn thành - đó chính là nhà máy thủy điện Hòa Bình. Sự ra đời của thuỷ điện Hoà Bình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc chống lũ cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời là nguồn cung cấp điện chủ lực của toàn bộ hệ thống điện nước ta, đặc biệt là vào thời điểm khó khăn bủa vây khi nỗ lực phục hồi, dựng xây lại đất nước sau chiến tranh tàn khốc. Đối với các thế hệ học sinh, sinh viên, hình tượng dòng sông Đà hung dữ, cuồn cuộn chảy chỉ mới được biết đến qua những con chữ sách vở. Không có nhiều người biết rằng, phía sau thành tựu chinh phục tự nhiên của lớp lớp thế hệ anh hùng người Việt, cùng sự giúp đỡ tâm huyết của các chuyên gia Liên Xô, có mồ hôi và máu xương đã đổ xuống, có những bức thư chất chứa nhớ thương vạn dặm xa cách, có những khoảnh khắc hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc”, có những quyết định được đưa ra gánh trên vai niềm tin của cả một dân tộc… Và tất cả những cung bậc cảm xúc ấy đã được gói ghém lại gọn ghẽ trong cuốn sách “Tiếng vọng sông Đà”.
Có thể nói, cuốn sách là một bản hồi ký được sưu tầm, tổng hợp một cách đầy đủ của các chuyên gia, nhà lãnh đạo trong nước và Liên Xô cũ, công nhân xây dựng trực tiếp trên công trường thủy điện, vẽ nên bức tranh đầy màu sắc về những tháng ngày gian khổ, khó khăn mà hào hùng của dân tộc, đồng thời là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và chính phủ Liên Xô cũ (nước Nga bây giờ).
Trên bức tranh ấy, từ ban lãnh đạo, các chuyên gia, các phiên dịch viên dự án Hòa Bình cho tới những người công nhân kỹ thuật “dầm mưa dãi nắng” trên công trường được khắc họa một cách rõ nét, mộc mạc mà chân thực tới nghẹn lòng bộc bạch qua từng con chữ. Giữa núi rừng xa xôi, từ năm này qua năm khác, mùa hè nóng như đổ lửa, mùa đông cái lạnh thấu xương, đặt trong bối cảnh khó khăn thiếu thốn cả về nhân lực và vật lực khi đất nước vừa giành thắng lợi sau những năm tháng oằn mình chống Mỹ gian khổ, ta cảm nhận được ở đó một tinh thần kiên cường, tận tụy, bất chấp khó khăn thử thách, đồng lòng vì mục tiêu của cả một dân tộc. Nếu như không có niềm tin và sự đồng lòng ấy, có lẽ chúng ta đã chẳng có cho mình một công trình vĩ đại trường tồn cùng năm tháng. Và cuộc sống, hẳn đã chẳng dễ dàng, bình yên và tiện nghi như ta đang có ngày nay, có dòng điện về tới những buôn làng xa xôi nhất, và những cơn lũ từng là tai ương thảm khốc trực chờ, nay đã chẳng còn mấy một nỗi lo.
Trên công trường gồ ghề sỏi đá, trên dòng sông thác đổ cuồn cuộn, nơi rừng thiêng bát ngát trời mây, đó còn là nơi mà những cô cậu sinh viên hừng hực khí thế của tuổi trẻ mới ngày đầu nhận nhiệm vụ xa nhà, những chuyên gia Liên Xô xa quê hương vạn dặm nghìn trùng, những cán bộ, công nhân cách xa gia đình năm tháng đằng đẵng. Đối với họ, những bản tin radio hàng ngày, những sự kiện văn nghệ hiếm hoi có được, những lá thư chất chứa thương nhớ vượt hàng trăm cây số đường rừng đường đất… là những món quà vô giá giúp cho mỗi người giữ vững được ý chí quyết tâm hoàn thành công tác. Từng cung bậc cảm xúc đã hiện lên rõ nét hơn bao giờ hết mỗi khi ngón tay độc giả lật giở qua từng trang sách ghi lại những dòng thư được giữ lại vẹn nguyên - một trong những điểm sáng giá của tác phẩm - rồi sau đó tưởng chừng như ta vừa mới sống lại một thời khắc xưa cũ, bước qua một cuộc đời sáng chói còn mãi.
Ngoài ra, có thể khẳng định rằng chưa có tác phẩm nào cho đến thời điểm hiện tại có thể khắc họa sống động nhất những thời khắc khó khăn sinh tử quyết định trong toàn bộ quá trình hoàn thành nhà máy thủy điện Hòa Bình vượt qua được “Tiếng vọng sông Đà”. Khi khẩu hiệu “Cao độ 81 hay là chết” đồng lòng một thời được giương lên, ai cũng hiểu sự rằng từng giây từng phút trôi qua đều là một thời khắc quan trọng sống còn, cam go và không còn đường lui. Trên Đại công trường năm ấy, đã có những hy sinh mất mát không thể đảo ngược. Là một người trẻ được sinh ra khi công trình đã thành công, đi vào hoạt động ổn định, song những cảm xúc hồi hộp nghẹt thở trong tôi khi cầm trên tay một chứng tích của lịch sử vẫn không khỏi trào dâng, nghẹn ngào thán phục những “chiến sĩ” thủy điện năm nào.
Và, tiếng đàn Balalaica trên sông Đà đã cất lên vang vọng núi rừng, chan chứa niềm tin, hy vọng, gột rửa cái rệu rã trên từng đôi bờ vai, khắc ghi công ơn những người con Việt Nam - Liên Xô phi thường…
“Trên sông Đà
Một đêm trăng chơi vơi
Tôi đã nghe tiếng đàn Ba-la-lai-ca như thế
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.
Lúc ấy
Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.
Ngày mai
Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi
Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên
Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả
Từ công trình thuỷ điện lớn đầu tiên.”
< Thơ: Quang Huy >
Người Review: Kim Quân
From Hanu Book Club with [❤]
 

Bình luận