ĐI TRỐN - BÌNH CA

 

ĐI TRỐN
_____
Tác giả: Bình Ca
Thể loại: Tiểu thuyết Việt Nam
NXB: NXB Hội Nhà văn

Ký hiệu xếp giá : 895.9223BIC  

Thư viện Trường Đại học Hà Nội
_____
Sau ngót nghét nửa thập kỷ từ cuốn sách đầu tay “Quân khu nam đồng”, Bình Ca đã tái xuất với sự một cuốn sách vượt xa tất thảy mọi sự kỳ vọng mang tên “Đi trốn”. Sự trở lại này quả không uổng công chờ đợi của độc giả.

𝗢̛̉ “Đ𝗶 𝘁𝗿𝗼̂́𝗻” 𝗸𝗵𝗼̂𝗻𝗴 𝗽𝗵𝗮̉𝗶 𝗹𝗮̀ 𝗺𝗼̣̂𝘁 𝘁𝗮̂́𝗺 𝘃𝗮̉𝗶 𝗹𝗶𝗲̣̂𝗺 𝘁𝗮𝗻𝗴 𝘁𝗼́𝗰, 𝗺𝗮̀ 𝗺𝗮𝗻𝗴 𝗺𝗼̣̂𝘁 𝗯𝗮̂̀𝘂 𝗸𝗵𝗼̂𝗻𝗴 𝗸𝗵𝗶́ 𝘁𝘂̛𝗼̛𝗶 𝘃𝘂𝗶, 𝗹𝗮̣𝗰 𝗾𝘂𝗮𝗻.

Lấy bối cảnh những năm 60, 70 của thế kỷ trước – khi mà đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhưng hơn ba trăm trang sách ấy lại chỉ xoay quanh đôi mắt của đám trẻ con đang lớn. Có lẽ vì vậy nên “Đi trốn” cũng không có nhiều sầu thảm gì. Chúng là những đứa trẻ con nhà lính, tính nhà lính nên cũng học cách lính, chơi cách lính. Bình Ca đã miêu tả những cuộc vui, những chuyến phiêu lưu bất tận của tuổi thơ, những trò đùa dở khóc dở cười xuyên suốt cuốn sách. Dường như cái bi kịch của chiến tranh không thể chạm tới khát khao phiêu du của chúng. Máy bay địch tới, chúng ngắm nhìn bầu trời xanh vằn vện những vệt khói trắng với niềm thích thú vô hạn. Chúng chơi với súng, nghịch với đạn, đến lúc toác cả đầu, tướt cả máu, chúng chạy vội vào trạm xá rồi thôi. Bình Ca tài tình ở chỗ viết chuyện chiến tranh nhưng lại mượn con mắt trẻ thơ. Chính điều ấy đã giảm đi sự tàn khốc của chiến tranh, tạo ra một cái nhìn mới rằng trong hoạn nạn vẫn có ánh sáng mở đường, vẫn có sự lạc quan.

Cũng chính từ những cuộc phiêu lưu đó mà chúng ta cảm thấy ấm lòng với tình người của những “đứa con nhà lính” thời loạn lạc. Tưởng đâu những trò đùa nghịch “trời đánh thánh hết hồn” đó là hư, nhưng những đứa trẻ lại sống vô cùng tình cảm, rất trọng tình nghĩa và luôn hết lòng vì bạn bè. Không những thế, những đứa trẻ còn hiện ra với sự tháo vát, tài trí, sự dũng cảm, đậm chất nhà binh.

𝗟𝗮̣𝗰 𝗾𝘂𝗮𝗻 𝗻𝗵𝘂̛𝗻𝗴 “Đ𝗶 𝘁𝗿𝗼̂́𝗻” 𝘃𝗮̂̃𝗻 𝗯𝗮́𝗺 𝘀𝗮́𝘁 𝗵𝗶𝗲̣̂𝗻 𝘁𝗵𝘂̛̣𝗰 𝗰𝗵𝗶𝗲̂́𝗻 𝘁𝗿𝗮𝗻𝗵.

Bình Ca lại một lần nữa cho thấy cái hay ở nghệ thuật dùng từ khiến người đọc dường như có thể chạm tới được cái hiện thực khốc liệt ấy. Đó là câu chuyện li tán đau thương của rất nhiều gia đình, là những khó khăn khi phải hòa nhập của những đứa trẻ miền Nam sơ tán ra đất Bắc, là những sai lầm khi đấu tố giai cấp đầy đớn đau và bất hạnh… Qua lời kể của Bình Ca, chúng ta được trải lòng mình với những con chữ nhưng vẫn thu về được cho mình những bài học về lịch sử. Ông quả thực rất tài tình.

𝗖𝗮̉𝗻𝗵 𝘀𝗮̆́𝗰 𝘃𝗲̣𝗻 𝘁𝗼𝗮̀𝗻.

Với lối miêu tả giản dị nhưng nhiều sức gợi, cùng với sự am hiểu về các vùng miền, phải nói rằng Bình Ca không chỉ thành công trong việc xây dựng con người mà ông còn vẽ ra một bức tranh thiên nhiên của những mặt hồ trong vắt, lấp lánh ánh mai, của những vạt rừng ríu rít tiếng chim kêu… Bức tranh kỳ vĩ đó như thoát li khỏi hiện thực mưa bom bão đạn, khiến độc giả đắm say, gieo mình trong những mộng tưởng về một cuộc sống yên bình.

Gấp cuốn sách lại, tôi nghĩ với những đứa trẻ hành trình “đi trốn” không chỉ là một cuộc phiêu lưu nữa, mà còn là một cuộc đi để học, đi để chiêm nghiệm, đi để trưởng thành. Và bằng cái tình, cái tài của Bình Ca, tôi phải băn khoăn rằng không biết những năm tháng tuổi thơ, Bình Ca đã ở vị trí nào mà có thể quan sát, tưởng tượng được nhiều đến thế. Tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng tôi cho rằng ông đáng được xếp vào cái chiếu nhà văn viết về “con nhà lính” (quân đội) hay nhất Việt Nam.

Người review: Kiên
From HanuBookClub with  [❤]
 

Bình luận