Nhà - Nguyễn Bảo Trung

Tên sách: Nhà

Tác giả: Nguyễn Bảo Trung

Nhà xuất bản: NXB Văn hóa – Văn nghệ

Năm đầu tiên xuất bản: 2018

“Có nhiều người, chạy đuổi theo nhan sắc, danh vọng, tiền bạc,… bởi họ nghĩ chỉ khi có những thứ đó họ sẽ hạnh phúc. Có nhiều người ngồi lặng yên bên cửa sổ, nắm nhẹ bàn tay người thương, cảm nhận hơi ấm của sự chân thành,… Họ thấy hạnh phúc ở ngay trong tim họ rồi, với những điều hết sức giản dị nhỏ bé! Không cần phải tìm cầu. Không cần phải chạy đuổi”. Đó chỉ là một trích đoạn ngắn trong quyển sách “Nhà” của vị bác sĩ Phật tử Nguyễn Bảo Trung nhưng lại khơi gợi lên trong tôi thật nhiều những cảm xúc khó tả. Tôi chưa biết gọi tên điều đó cụ thể là gì, nhưng chắc chắn đó là những cảm xúc tích cực. Như lời của Đức nhiếp chính vương trong Bhumang Tulku Rinpoche và hành trình Bồ Tát Đạo có nói: “Có lúc, một người vì đọc được một vài chữ hoặc đoạn văn thôi mà suy nghĩ thay đổi, vận mệnh từ đó cũng thay đổi theo”.

Nhà” đến với tôi như một cơ duyên. Bởi lẽ thói quen đọc sách của tôi không phải là tự truyện hay tiểu thuyết, ấy vậy mà, lần đầu tiên thấy “Nhà”, tôi đã không 

hề ngần ngại mà mua nó. Giây phút cầm quyển sách trên tay, tôi đã chẳng mong cầu được giúp đỡ hay nuôi dưỡng tâm hồn thông qua những con chữ như những quyển sách self-help tôi từng đọc. Điều duy nhất tôi mong muốn mình nhận được là sự chữa lành cho tâm hồn đang dần khô héo của mình.

          Lớn lên trong một gia đình có nhiều sự đổ vỡ, ngay từ nhỏ, tôi đã luôn khát khao có được một mái ấm trọn vẹn, một bến đỗ bình yên để trở về. Mặc dù chỉ là một quyển sách vô tri vô giác nhưng “Nhà” lại giúp tôi tìm được sự bình yên trong tâm hồn, giúp tôi hiểu thế nào là nhà, thế nào là hạnh phúc từ những điều giản đơn.

          Xuyên suốt quyển sách là những câu chuyện đời thường được kể dưới góc nhìn của vị bác sĩ trẻ tên Du, cô đơn nhưng luôn thấy hạnh phúc và lạc quan. “Nhà” có tổng cộng ba chương: Thông điệp, Truyền tin và Trở về. Đó là chuyện sinh lão bệnh tử, là cách nhìn đời nhìn người và là cuộc hành trình tìm về nhà của hai nhân vật Châu và Vi. Cách kể chuyện tuy giản dị, gần gũi nhưng lại khiến cho tôi không khỏi bồi hồi và xúc động khi lật từng trang sách của “Nhà”. Đọc nó tôi đã thấm được việc nên đọc sách để ngẫm nghĩ về cuộc sống, và để nhận ra được giá trị thực sự của việc sống “đúng nghĩa”.

Có rất nhiều câu chuyện của “Nhà” khiến tôi phải khựng lại mà suy nghĩ. Nhất là khi đọc đến câu chuyện Châu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, anh thì thầm nói với chính mình “Mình đã sống bao giờ đâu mà chết? Ơ…”. Cái “Ơ..” ở cuối câu nói của Châu đã khiến tôi phải giật mình tự hỏi “Mình có đang thực sự sống hay không?”. Có rất nhiều người trong chúng ta, cả một cuộc đời chỉ mải mê chạy theo những thứ phù phiếm, xa hoa, chạy theo những điều mà người khác kì vọng lên bản thân mà quên mất lẽ sống của chính mình. Chẳng hạn như ngày nhỏ, bố mẹ mong muốn ta phải học, học bất cứ cái gì bố mẹ thấy là cần thiết, mặc kệ ta có thích hay là không. Lớn dần lên, bố mẹ lại kì vọng ta phải học cái ngành mà bố mẹ thấy là tốt, phải thi đậu vào ngôi trường mà ai ai cũng mong muốn vào được, nhưng lại quên mất phải 

hỏi xem con có sự yêu thích và có đam mê với nó hay không. Để rồi khi trưởng thành, từ đầu đến chân chúng ta đều mặc lên mình khát vọng của người khác.

          Chỉ là một câu nói của nhân vật nhưng tác giả Nguyễn Bảo Trung đã gửi gắm trong đó là cả một thông điệp đầy triết lí sâu xa. Hãy sống một cuộc đời thực sự, cảm nhận mọi thanh âm trong cuộc sống để không phải cảm thấy hối tiếc những ngày sau. Hãy sống cho ra sống, đừng chỉ là một xác sống vô hồn, mỗi ngày trôi qua đều chỉ là tạm bợ, không mảy may lấy một chút cố gắng hay một sự kì vọng nào về tương lai. Xin đừng là những kẻ chạy theo đám đông, bởi lẽ “Mỗi người hay mỗi vật xuất hiện trong cuộc đời này đều có sứ mệnh cả. Người khác không giống mình, không giống đám đông, chưa hẳn họ đã sai, đã lạc”.

          “Có nhiều người, chạy đuổi theo nhan sắc, danh vọng, tiền bạc,… bởi họ nghĩ chỉ khi có những thứ đó họ sẽ hạnh phúc. Có nhiều người ngồi lặng yên bên cửa sổ, nắm nhẹ bàn tay người thương, cảm nhận hơi ấm của sự chân thành,… Họ thấy hạnh phúc ở ngay trong tim họ rồi, với những điều hết sức giản dị nhỏ bé! Không cần phải tìm cầu. Không cần phải chạy đuổi”. Tôi bắt gặp những dòng văn này khi bác sĩ Du kể về câu chuyện tình yêu của ông Lai và bà Hoa trong viện dưỡng lão, ông ngồi chải tóc cho bà trong một sớm mai đầy nắng bên cạnh giàn hoa giấy lung linh sắc trắng. Không một ai cười chê tình yêu của hai ông bà, cũng không ai phán xét “Già rồi còn bày đặt cưới xin”, vì ắt hẳn mọi người đều hiểu rõ một điều “tình yêu là không có giới hạn tuổi tác, giới tính, màu da,…”. Tình yêu giản đơn ấy đã giúp bà quên đi những cơn đau của bệnh tật, của những mũi tiêm chích mỗi ngày. Với tôi, đó là một tình yêu thật đáng ngưỡng mộ, họ gặp nhau nơi cuối hành trình cuộc đời nhưng lại là liều thuốc cứu rỗi họ khỏi sự đớn đau và cô độc. Chính câu chuyện này đã dấy lên trong tôi hi vọng về tương lai, một tương lai mà ở đó có một người nguyện cùng tôi trải qua tuổi già, chẳng cần những vật chất cao sang, chỉ cần mỗi ngày thấy nhau cười là đủ.

          Có bao giờ ta tự hỏi “nhà là gì?”. Phải chẳng nhà là nơi che mưa che nắng, là nơi cho ta chỗ ngủ, chỗ nghỉ? Không. Với tôi, nhà là nơi có cha có mẹ, có những 

người mà tôi yêu thương. Sự kết nối kì diệu nhất tồn tại trên đời này là tình yêu thương. Tiếng “nhà” cũng thiêng liêng như hai tiếng “cha”, tiếng “mẹ”, bởi dẫu cho bao nhiêu bộn bề thì chỉ cần trở về nhà, mọi thứ đều có thể biến tan. Nơi bình yên nhất là nhà, thứ chân thật nhất là tình thân, cũng như Nguyễn Bảo Trung đã viết “Ở đâu có người thân, ở đó có gia đình”. “Có nhiều người đã trải qua biết bao lần thăng trầm, đã hiều được thế nào là mái nhà thế nào là mái ấm, họ sẽ đi thật chậm, nương vào nhau mà bước. Họ hiểu ai cũng có lỡ lầm, không trọn vẹn vì thế họ biết giữ nhau bằng sự rộng lượng và bao dung”.

          “Thật ra cuộc sống chằng cho hay lấy bất cứ điều gì. Chỉ là do chúng ta mong cầu nhiều quá và không chịu bằng lòng về những gì mình đang có”. “Chắc phải đợi đến khi ở tận cùng sự sống, nằm liệt trên giường bệnh, trống trải, nhức buốt, lẻ loi,… chúng ta mới chịu nhận ra chỉ có một cuộc sống duy nhất ở đây, ngay bây giờ, không còn cuộc sống nào khác nữa, và cũng chẳng có ai hoàn hảo, yêu thương, lo lắng cho chúng ta theo cách mà chúng ta mong muốn. Tất cả những sai lầm ấy chỉ là do chúng ta cứ thích quan niệm về mọi thứ, rồi tưởng, rồi đắm chìm”.

          Gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách “Nhà”, tôi cảm thấy không hề hối tiếc khi đã quyết định mua nó. Đọc xong quyển sách, tôi như trút bỏ được những gánh nặng trong lòng, không còn cố gắng chạy theo những thứ phù phiếm xa tầm với, thay vào đó, tôi bình thản đón nhận mọi chuyện đến với mình một cách tích cực nhất.

          Mảnh đất “Nhà” đã gieo lên cho tôi những mầm xanh hi vọng, nhưng lại cũng cung cấp cho tôi những bóng râm mát từ những cây cổ thụ. “Nhà” như một dòng nước mát trong ngần, làm tươi mới hết thảy suy nghĩ trong tôi. Cuộc sống hối hả, lòng người vội vàng khiến trong tâm không thể dành cho sự bình yên. Cảm ơn “Nhà”, cảm ơn bác sĩ Nguyễn Bảo Trung đã mang đến cho tôi sự cứu rỗi cho tâm hồn, tuy nhẹ nhàng nhưng đã gột sạch sâu sự bộn bề trong lòng tôi.

Bài dự thi cuộc thi: "Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022"

Thí sinh dự thi: Phạm Ngọc Lan 6A-21

Bình luận