NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, chán chường… Nếu bạn còn một cảm giác tinh khôi, trong sáng…. thì hãy một lần tìm đọc những trang viết của nhà văn 𝑬𝒎𝒐𝒏𝒅𝒐 𝑫𝒆 𝑨𝒎𝒊𝒄𝒊𝒔: “𝑵𝒉𝒖̛̃𝒏𝒈 𝒕𝒂̂́𝒎 𝒍𝒐̀𝒏𝒈 𝒄𝒂𝒐 𝒄𝒂̉”.
Có lẽ mỗi người sẽ có một dấu ấn khác nhau khi đến với tác phẩm này. Nhưng bạn sẽ thấy hình ảnh cậu bé Enrico chính là nét khắc sâu đậm nhất trong từng dòng, từng chữ khi bạn đọc tác phẩm.
Rong ruổi theo những câu chuyện đời thường của cậu bé với gia đình, bè bạn, dường như ít nhiều độc giả sẽ nhận ra những kỉ niệm rất đổi thân thương, gần gũi của mình. Đâu đâu bạn sẽ tìm thấy bản thân, niềm tin và một thứ tình cảm kì lạ: xúc động với tâm tình của người mẹ đến tình yêu thầm lặng của người cha; chợt đồng cảm những người bất hạnh, mảnh đời khó khăn rồi tự thấy yêu thương biết bao những giá trị tuyệt vời mình đang có,… Phải chăng, đó chính là điều diệu kì mà tác phẩm mang đến cho đời?
Đôi lúc giận giữ, mệt mỏi, bất bình,… lần giở từng trang viết mà sẽ giúp bạn vơi tan đi phiền muộn. Đó có lẽ là khúc vĩ thanh tuyệt vời mà tác giả viết nên.

Đã bao giờ bạn mong ước trở lại tuổi thơ chưa vậy, ngày qua ngày lại cắp sách đến trường đi học, chơi đùa cùng những người bạn thân thiết và cuối ngày lại về nhà sà vào lòng cha mẹ để kể họ nghe những câu chuyện buồn có, vui có ở trường, ở đường với bạn bè hoặc thậm chí là câu chuyện của những người lạ mà ta bắt gặp ngang đường thôi. Những ngày tháng ấy, tôi tin chắc là ai cũng sẽ rất nhung nhớ và hoài niệm bởi lẽ cuộc sống khi ấy thực đơn giản với những suy nghĩ rất hồn nhiên và trong sáng, không vướng bận gì cả. Tôi thực sự ngưỡng mộ tôi những ngày ấy đấy, và tôi nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng luôn mong muốn có một tấm vé để quay lại tuổi thơ phải không nào?
Hôm nay tôi sẽ giới thiệu một cuốn sách hay nói cách khác cũng chính là một tấm vé để đưa các bạn vượt thời gian đấy. Đó là cuốn “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn người Ý Edmondo de Amicis. Chắc chắn ai cũng được học qua những đoạn trích của cuốn sách này từ thời học tiểu học và trung học rồi nhỉ? Tôi rất thích cái tên tiếng Ý của nó: “Cuore” – nghĩa là “trái tim” vì cuốn sách này thực sự là tiếng lòng của một cậu bé mười một tuổi mà. Tiểu thuyết “Những tấm lòng cao cả” được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 18 tháng 10 năm 1886, là ngày khai trường ở Ý và đã trở thành một hiện tượng xuất bản ngay lập tức và mang tên tuổi của nhà văn Amicis trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Là một cuốn tiểu thuyết cho trẻ em và được trình bày dưới dạng nhật ký của một cậu học trò lớp ba, Enrico Bottini nên “Những tấm lòng cao cả” phù hợp với nhiều đối tượng từ trẻ em đến người lớn. Trong khoảng thời gian mười tháng là học sinh lớp ba, Enrico đã quan sát và ghi lại những chuyện lớn nhỏ xảy ra xung quanh cậu, ở trường học, ngoài đường phố và ở nhà. Những cậu không chỉ đơn thuần chỉ là ghi chép, cậu còn để lại cho người đọc nhiều bài học qua những dòng cảm tưởng, suy nghĩ và cảm xúc của mình. Nhân vật xoay quanh là thầy cô giáo, bố mẹ, những người bạn học và cả bố mẹ của họ. Dưới lăng kính của một đứa trẻ, mỗi người đều mang một đặc điểm, một tính cách khắc nhau nhưng chủ yếu quy về hai đối tượng là tốt và xấu. Cả thế giới như được thu nhỏ dưới con mắt của cậu bé, rất đơn giản và hồn nhiên và đôi khi, bạn sẽ gặp lại mình trong những câu chuyện được Enrico kể lại đấy, quả đúng là tấm vé lên cỗ máy thời gian tuyệt vời phải không nào?!
Trong cuốn nhật ký ấy, còn có truyện đọc hàng tháng của thầy giáo cho phép đọc trong lớp. Cậu bé đi bộ mười dặm để đến chăm người cha ốm nặng dù cha không nhận ra mình, hay cậu bé dũng cảm lao mình xuống dòng nước xiết để cứu bạn mình … chính là những câu chuyện được kể hằng tháng ấy mang tính giáo dục rất cao cho những cô cậu học trò nhỏ. Tôi thật sự ngưỡng mộ những người thầy cô của Enrico, họ thật đáng kính không chỉ truyền cho học sinh kiến thức mà trên hết họ còn dạy cho học trò của mình về lòng can đảm, thương yêu và biết ơn. Những mẩu chuyện nhỏ về các thầy cô giáo ấy, qua cái nhìn của trẻ con đã trở thành một trường ca cảm động và thiêng liêng về nghề dạy học. Khi thấy Pecboni bị ốm, trên tường thầy treo bức ảnh của học trò cũ. “Đó là vật kỷ niệm của thầy. Khi sắp chết, cái nhìn cuối cùng của thầy sẽ quay về họ”. Rồi cô giáo lớp một của Enrico, người bị bệnh nhưng vì không muốn xa học trò nên cứ cố dạy cho hết năm, và cô mất ba ngày trước khi kết thúc chương trình, trước khi mất cô còn yêu cầu thầy hiệu trưởng không cho học sinh đến viếng vì sợ các em phải khóc. Những người thầy đó, sự cống hiến của họ thật đáng tôn vinh.
Còn những người bạn nhỏ của Enrico, cậu bé đã viết “nhà trường san bằng địa vị và làm cho mọi người thành bạn bè với nhau”. Chính ở đây, cậu bé đã gặp những người bạn thân yêu của mình, Derotxi, Garone, Coretti, Nenli, Caclo Nobis, Precotxi… Mỗi đứa trẻ, dù xuất thân thế nào thì đều có một tấm lòng cao quý, và đã truyền cho Enrico động lực và lòng nhân ái, dường như ở mỗi người bạn cậu đều học được một đức tính gì đó và chúng sẽ vẫn mãi là những người bạn thân thiết dù “có thành ra Hoàng đế của tất cả các đất nước Nga đi nữa”.
Đặc biệt, phải kể đến bố mẹ của Enrico, họ dạy con bằng cách lặng lẽ đặt trên bàn học con những lá thư dạy cậu yêu thương con người, bạn bè, đất nước, lòng biết ơn và trân trọng những gì đang có…, những dòng chữ nhẹ nhàng tâm tình ấy thực sự đã gây lắng đọng và chạm đến trái tim của mỗi độc giả. Trên hết, đó là cách dạy trẻ rất hiệu quả vì dễ đi vào lòng con trẻ hơn là những lời trách mắng nặng nề.
Rồi tháng Bảy đến, năm học kết thúc cũng là lúc cuốn nhật ký khép lại. Tác giả đã mượn ngòi bút và lăng kính của cậu học trò bé nhỏ để nói chuyện người lớn, những bài học về lòng yêu thương và những đức tính cao đẹp, về giáo dục con trẻ. Đó dường như không chỉ là cuốn sách viết riêng cho thiếu nhi mà còn là món quà ý nghĩa dành tặng cho các bậc cha mẹ, những người làm nghề giáo, và cho tất cả những người lớn trong xã hội.
_____

NGƯỜI REVIEW: Phương Giang
From HanuBookClub with ❤️
CLB Sách HANU

Bạn có thể tìm đọc cuốn sách tại kho Tài liệu Tiếng Việt - với ký hiệu xếp giá 853.914AMI - Thư viện Trường Đại học Hà Nội
💁‍♀️💁‍♂️

Bình luận