Quân Khu Nam Đồng
Quân Khu Nam Đồng - Câu chuyện hậu phương đầy thương nhớ của người Hà Nội thời chiến

Tôi đang viết những dòng chữ này vào một đêm mưa lớn, trên trang sách vẫn còn những giọt nước mắt vừa rơi xuống chưa kịp khô. Cuốn sách này đã đưa tôi đi qua mọi cung bậc của cảm xúc từ vui tươi, hy vọng đến thương cảm, xúc động. Tôi như được nhập hồn mình vào các nhân vật, trải nghiệm những câu chuyện của họ trong một đoạn kí ức khó quên.
“Quân khu Nam Đồng” lấy chất liệu văn học chính không phải về đề tài chiến tranh mà mượn bối cảnh chiến tranh để kể về cuộc sống hậu phương thời chiến ở Hà Nội trong những năm 1970-1980.



Khu tập thể quân đội Nam Đồng được xây dựng xong vào năm 1964, đây được coi là một trong những khu gia binh lớn nhất Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ, là nơi ở của khoảng 500 gia đình sỹ quan. Tuy là khu gia binh nhưng những kỉ niệm ở đây không phải về các ông bố mặc quân phục, mà là về những đứa con- những thế hệ trẻ của khu.

Sau hơn 50 năm, những đứa trẻ ngày nào giờ đã kẻ còn người mất, tóc đã điểm sợi bạc, đã là những ông nội, bà ngoại. Họ gặp lại nhau trong một buổi liên hoan, cùng nhau ôn lại chuyện xưa, nghĩa cũ. Họ đã quyết định ghi lại những kỉ niệm đó qua những câu chữ- tuy mộc mạc, không lên gân lên cốt nhưng cũng đủ làm trái tim ta rung lên những hồi thương nhớ lẫn tự hào.

......“Chất lính” chảy trong từng mạch nguồn tư tưởng.....

Cũng như tâm lý của mọi đứa trẻ ở độ tuổi 14-15, những cậu con trai ở khu Nam Đồng muốn được chứng tỏ bản thân, khẳng định sự nghĩa hiệp của mình bằng những việc đúng chất “lính”: đánh nhau. Những trận đánh cổng trường Trưng Vương, Xã Đàn đã làm nổi danh “quân khu Nam Đồng”. Việt, Hoàng, Hòa, Bích, Quang Anh, Giang Cận,… đã cùng nhau đi qua thời niên thiếu bằng những cách riêng của họ.

Tuy viết về những trận đánh của thanh niên khu Nam Đồng, nhưng Bình Ca không cổ vũ chuyện xung đột bằng vũ lực. Ông viết chỉ để nhớ, để hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ độc nhất vô nhị, những cậu con trai 14,15 tuổi hồi đó dù giơ nắm đấm, rút “vũ khí” nhưng những trận đánh của họ đều được coi là có lý lẽ, chính nghĩa. Họ xông pha để bảo vệ những người bạn, những người thân của mình. Từ đó mối quan hệ của họ ngày càng bền chặt, tạo thành một khối đoàn kết. Trong lòng tôi bây giờ, những chàng trai khu Nam Đồng ngày ấy mãi là một nhóm thanh niên ngang tàng nhưng hào sảng, dám thể hiện, dám đương đầu.

.....Tình yêu đẹp nhưng buồn.....

Bên cạnh chiến tranh tàn khốc, những trận đánh nhau long trời lở đất, ở đâu đó trong tác phẩm còn là cuộc sống đời thường nơi hậu phương cùng những tình cảm đầu đời non nớt nhưng sâu đậm. “Xuân vui sang đâu có đợi chờ Đông tuyên bố cắt đôi bờ giới hạn? Lòng chân thành đâu cần thêm năm tháng, đâu cần chịu xếp hàng trước biên giới thời gian?”. Tình cảm của Việt-Mai Hương, Anh Sơn-Lệ Dung, Liên-Ngọc, tất cả những mối tình ấy đều đi qua những nụ cười hồn nhiên, những giận hờn và cả nỗi đau ly biệt, để rồi bao năm sau khi nhắc lại đó vẫn là những mối tình đẹp tựa ngọc báu, chứng minh cho sự chân thành của họ.

“Thứ nhất không thể quên nước, thứ hai không thể phụ em”. Tình yêu của những người lính vì đi qua những dầu sôi biển lửa của chiến tranh nên cũng đậm sâu hơn bao giờ hết. Mối tình của Việt- Mai Hương là mối tình khiến trái tim tôi day dứt nhất, họ cùng nhau trải qua sự ác liệt của chiến trường, tình yêu của họ nảy nở như một bông hoa sen trên tuyết, tưởng chừng như sau tất cả họ sẽ được cùng nắm tay nhau vẽ tiếp bức tranh đa sắc của cuộc đời nhưng súng đạn của kẻ thù đã cướp mất Mai Hương, ngay trước ngày Giải phóng đất nước. Có nhiều mối tình thời chiến- đẹp nhưng buồn, nó để lại một vết thương lòng cho người ở lại, mãi mãi…

Tuổi trẻ của họ có những sai lầm, có những nuối tiếc, có những nỗi đau không phải cứ xoa thuốc là lành. Trên hành trình trưởng thành đó sẽ có được có mất, nhưng quan trọng sau tất cả họ đều đã mạnh mẽ vượt qua, luôn quyết tâm theo đuổi lý tưởng sống của riêng mình, tinh thần một người con của “quân khu” Nam Đồng ngày nào vẫn luôn cuộn trào trong tim. Họ đã cùng nhau gìn giữ cho chúng ta những hồi ức về một khu gia binh đầy kỉ niệm.

Bình Ca tự nhận mình là một tay mơ trong làng văn học, cũng như nhà văn Bảo Ninh đã có lời nhận xét về ông: “…Phóng khoáng, mạnh bạo, dạn dĩ viết, không tự gò mình vào những khuôn phép văn chương…”. Nhưng có lẽ chính sự “ngây ngô” trong văn chương đó mà Bình Ca đã tạo nên một tác phẩm có nét duyên rất riêng, nó làm cho những người đã trải qua đọc lại thấy bồi hồi, hoài niệm, cho những thế hệ trẻ đọc thấy mơ mộng, tự hào. “Quân khu Nam Đồng” đã dùng những chất liệu thực tế lay động hàng ngàn trái tim người đọc. Bạn cũng hãy đọc và cảm nhận tác phẩm này bằng tình cảm riêng của mình. Cuốn sách này dành cho tất cả chúng ta.

Bạn có thể tìm đọc cuốn sách trên Tủ Sách CLB Sách Hanu (Tầng 4 Cafe Sách Thư Viện HANU)

Người viết : Ann Hyy
Ảnh : Ann Hyy
———————
From HanuBookClub with ❤️
---
CLB Sách HANU
Group HANU BOOK LOVERS http://bit.ly/hanubooklover
Mail : bookclub.hanulib@gmail.com

Fanpage Thư viện: https://www.facebook.com/libhanu/

 

Bình luận