THƯƠNG NHỚ THỜI BAO CẤP - Thành Phong, Hữu Khoa.

“Mười năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam”, giáo sư Trần Văn Thọ đã từng buồn bã thốt lên như vậy! Với các thế hệ đã đi qua thời bao cấp, đó hẳn là một quãng thời gian không thể nào quên. Còn tôi, tất cả những điều tôi biết về thời bao cấp đều thông qua những hình ảnh mơ hồ như tem phiếu hay sổ gạo trong lời kể của ông bà, và tất nhiên, là kèm theo cái lắc đầu ngao ngán!

Một người anh khi thấy tôi cầm cuốn sách này trên tay đã phải thốt lên: “Thời bao cấp thì có gì để mà phải nhớ”. Nghe cũng có lý! Thời kỳ mà mọi sinh hoạt kinh tế đều được nhà nước bao cấp. Thời kỳ mà hết thảy cơm, gạo, thịt đều được phân phát theo tem phiếu, theo hộ khẩu. Thời kỳ mà chế độ quan liêu sách nhiễu, tham nhũng, đầy rẫy những điều bất công, vô lý. Một thời kỳ đen tối như vậy thì có gì để mà phải nhắc lại để nhớ.

Ấy vậy mà hai họa sĩ Thành Phong và Còm (Hữu Khoa) vẫn nhắc lại, nhưng nhắc bằng một cách không đụng hàng. Không phải những bài văn chính luận khô khan mang tính kể khổ, “Thương nhớ thời bao cấp” chỉ đơn giản là tập hợp các câu tục ngữ, vè vần hay câu cửa miệng, ghi lại những câu chuyện đời và cảm nhận người dân về thời kỳ bao cấp ấy. Hai tác giả đã phát huy khả năng sáng tạo của mình trong việc mang đến những nét vẽ biếm họa sống động về xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. Đây có lẽ là một điểm cộng rất lớn của cuốn sách dành cho những bạn ngại đọc kiểu sách “nhiều chữ”. Tác giả không chỉ mang đến những bức tranh về thói quen sinh hoạt của người dân, những thói hư thật xấu của một bộ phận cán bộ,... mà còn tái hiện lại những vật dụng mang trong mình hơi thở của cả một thời đại lịch sử: đó là những sticker in hình tem phiếu hay hình ảnh những cuốn sổ gạo.

Điều đặc biệt là những khó khăn, nghịch cảnh hay thậm chí là nỗi bất bình được đề cập trong các sáng tác dân gian được thu lượm trong cuốn sách này được viết bằng giọng hài hước, điềm tĩnh lạ kỳ. Chỉ là một lát cắt lịch sử kéo dài 10 năm, nhưng tầm ảnh hưởng của nó đã in sâu vào thói quen sinh hoạt và tư duy của chúng ta cho đến ngày nay. Những câu thành ngữ như “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, “Ăn cơm trước kẻng”, “Trai trường lái, gái trường Y”, “Nhà mặt phố, bố làm to”,... vốn ra đời từ thời bao cấp; nhưng rõ ràng là thời gian đã chứng minh sức ảnh hưởng sâu sắc của những sáng tác ra đời từ thời kỳ ấy.

Vậy rốt cuộc có cần phải nhắc lại để nhớ? Tất nhiên phải nhớ, thậm chí phải khắc sâu trong lòng. Cuốn sách giúp tôi, và các bạn - thế hệ sinh sau Đổi mới - hiểu thêm về một thời kỳ lịch sử đầy khó khăn, biến động và cũng đáng nhớ của đất nước. Chúng ta đọc cuốn sách không chỉ để cười, để giải trí mà còn để ôn cố tri ân (ôn cũ hiểu mới). Bởi cho dù đã lùi xa từ 30 năm trước, nhưng rõ ràng nhiều hiện tượng mà các sáng tác dân gian trong cuốn sách này vẫn tồn tại một cách nhức nhối đến ngày nay. Đó có thể là một phần quá khứ mà chúng ta muốn quên, nhưng cũng là thứ chúng ta phải ngoảnh lại để chiêm nghiệm, để rút ra lỗi lầm và để vun đắp cho tương lai.

Bạn có thể tìm sách tại: Thư viện Trường Đại học Hà Nội - Kho tài liệu Tiếng Việt với ký hiệu xếp giá : 398.809597 THP

NXB: NXB Hội Nhà Văn

Minh hoạ: Thành Phong, Hữu Khoa

Nội dung: Thanh Hà

From HanuBookClub with [❤]

----------------------------------

Thư viện Trường Đại học Hà Nội

Fanpage: https://www.facebook.com/libhanu

Insgram: https://www.instagram.com/hanu_library/

Website: http://lib.hanu.vn/

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCOE-8k39JPqwjJTTpsj8kOA

Email: lib@hanu.edu.vn

Điện thoại: (84-24)38548121

Hotline: 0936.146838

Bình luận