Nơi nương ngô đong đầy những câu từ

 

Nơi nương ngô đong đầy những câu từ (Sáng tác truyện khuyến đọc)

         Cái nắng bỏng rộp những trưa hè tháng sáu thật khủng khiếp. Lọt thỏm trong cái lán nhỏ đơn sơ cạnh điểm trường dân tộc thiểu số được dân bản dựng tạm bằng gỗ tre, lợp với lá nứa, hướng ánh mắt về phía triền đồi xa xăm, cô giáo trẻ Hà Giang miên man giữa cơn gió xoáy của những dòng hồi tưởng. Cái nét rệu rã khi cô lúng búng nhai từng hột cơm khô khốc chỉ có chút muối vừng tạo vị mặn cho dễ nuốt, kết hợp với cái nhớp nháp mồ hôi quyện lại, thẩm thấu trong bầu không khí một thứ mùi nồng ẩm không mấy dễ chịu, tất cả tưởng như sẽ mang đến cho cô một chút háo hức nhè nhẹ về một ngày trở lại thủ đô sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ba năm giảng dạy trên vùng cao Tây Bắc. Và ngày ấy, chính là ngày hôm nay. Rồi ngày mai cô sẽ về xuôi. Song, những cung bậc cảm xúc trong lòng cô lại đang diễn ra theo một chiều hướng khác hẳn, nó hỗn độn và mơ hồ, giằng xé chẳng thể gọi tên.

      Cuộc sống ở đây thật khó khăn biết bao. Đông về rét thấu da, hạ nóng như đổ lửa. Giữa mênh mông mây trời toàn một màu nâu đỏ của đất sỏi. Đất cằn cỗi và khô hạn, chẳng thể trồng lúa, chỉ có cây ngô vàng mới có thể vươn mình đâm chồi, vậy nên, xa xa bên kia con đồi là ruộng nương ngô trên đất dốc xanh rì tít tắp. Cô cũng đã quen với hương vị của mèn mén - thức bột nhào từ ngô vàng mà đứa trẻ nào cũng có một nắm trong túi mang đi học mỗi ngày, dù vậy mỗi khi thấy mèn mén, cô cứ liên tưởng về một nắm xôi xéo Hà Thành. Cô chẳng than vãn, song nỗi nhớ nhà trong cô là thật. Rõ ràng. Dù vậy, chỉ có tình yêu thương với đám học trò nghèo và niềm ham thích những trang sách trong cô vẫn cứ lớn dần theo thời gian. Và cũng chỉ trong những tiết học, trao đi con chữ, nhận lại những tiếng cười ngây ngô hồn nhiên, cô mới cảm thấy vơi đi sự cô đơn, lạc lõng nơi núi non thưa người. Sách ở đây rất hiếm, vì vậy mà cô thêm chắt chiu quý trọng những cuốn sách khiêm tốn mà mình có được. Chúng vừa là người bạn thân thiết đồng hành cùng cô trên chặng đường gập ghềnh gian khó, vừa là hành trang tri thức cô muốn truyền tải cho những đứa trẻ tội nghiệp trên vùng cao. Từ tận đáy lòng, cô muốn đem con chữ đến bản làng, mở ra một thế giới diệu kỳ trong tâm thức ngây dại của đám nhỏ, tựa như phép màu chưa từng xuất hiện trước đây bao giờ.

       Sau mỗi buổi học, cô lại dành thêm đôi chút thời gian kể những mẩu chuyện thú vị trong sách, và dần dần, chúng trở thành chất keo kết dính kéo những đứa trẻ rảo bước tới trường. Từ lác đác vài gương mặt, nay đã đủ một đội bóng. 

      Và sớm nay cũng vậy, cô kể cho đám trẻ nghe một trích đoạn trong “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”. Không có ai nhận ra một sự thay đổi to lớn đang chực chờ chúng ở phía trước, vẫn miệng cười khúc khích mỗi khi cô giáo Giang dí dỏm nhắc tới Suku - con chó nhỏ với biệt danh “cỗ máy nghiền thức ăn” trong câu chuyện. Còn cô cũng cố gắng nén đi những hỗn độn trong lòng mình mà tiếp tục. Định rằng sẽ lặng lẽ rời đi không để cho đám nhỏ biết, tuần tới sẽ có ai đó khác thay cô làm công việc này, bỗng chốc, cô cảm thấy mình thật ích kỷ biết bao. Khi đang chậm rãi đi qua từng câu từ, sự chú ý của cô vấp phải một cái bóng lấp ló ngoài cửa sổ. Bắt gặp ánh nhìn của cô giáo, cái đầu đột ngột tụt xuống, trốn dưới khung cửa. Đám trẻ thấy vậy cũng vội vàng nghiêng đầu nhìn theo. Ai cũng biết đó là Nông Thế Bình, năm nay đã chín tuổi, vẫn chưa hề biết đọc. Nó mồ côi từ nhỏ, hiện sống với chú ruột, năm ngoái còn đang học dở lớp một thì phải nghỉ học để theo mọi người đi lên nương cắt cỏ, trồng ngô, phơi ngô. Nó vẫn thường trốn việc chạy lên lớp để nghe lỏm cô giáo Giang kể chuyện dù nhát gan chẳng dám vào. Đối với nó, giọng cô Giang ngọt ngào mềm mại lắm khiến nó vẫn thường quên cả dòng chảy thời gian đang lững lờ trôi… Cô giáo đã bước ra cửa lớp tự lúc nào. Trước mặt cô là hình ảnh đứa trẻ gầy gò, mặt mũi lấm lem bùn đất, ngồi thu mình tròn vo trên nền đất. Cô dịu dàng vời đứa trẻ vào lớp ngồi. Nó lắc đầu lia lịa. “Con chỉ ngồi nghe một lúc thôi. Chú mà biết sẽ đánh con mất.” Cùng lúc ấy, có tiếng người đàn ông từ phía xa quát to vang vọng một khoảng sân trường. “Thằng kia, về cắt cỏ ngay. Mày đến đây làm gì?” “Anh phải để cho cháu nó đi học lấy con chữ chứ. Cháu nó lớn quá rồi.” Cô nhanh chóng phân bua. “Lấy con chữ có bỏ được vào mồm ăn không? Không đi làm ngô thì lấy cái gì mà ăn.” Người chú gằn giọng cãi, giương mắt chừng chừng về phía đứa nhỏ. “Về ngay!” Rực sáng trong ánh mắt một sự quyết tâm đong đầy, cô giáo Giang nắm lấy bàn tay đứa nhỏ. “Con vào lớp ngồi ngay đi. Để cô nói chuyện với chú cho con ở lại học.” 

       Thế nhưng, đứa trẻ nay đã rưng rưng hai hàng nước mắt tự bao giờ. Nó lắc đầu thêm một lần nữa, lấy tay dụi mắt thút thít nấc lên từng tiếng khóc, tiến bước về phía người chú. Khoảnh khắc ấy, tiếng thở hắt ra đầy khó nhọc, ánh mắt cô bất động lặng lẽ dõi theo bóng dáng đứa nhỏ cho tới khi đã khuất hẳn sau triền đê. … Chiều nay, cô sẽ tới nhà của Bình để thuyết phục gia đình cho em đi học trở lại. Đó là những gì đã vẩn vơ quẩn quanh suy nghĩ của cô lúc ban trưa. Khi đi ngang qua bãi ngô, cô bắt gặp cái bóng dáng quen thuộc. Đứa trẻ miệng nhoẻn cười bối rối. Nó xấu hổ vì câu chuyện ban sáng, dù thực tế, nó không biết rằng bản thân mình đáng thương đến nhường nào. Dưới tán cây rợp bóng, cô bảo đứa nhỏ yên tâm vì cô đang sang nói chuyện với người lớn cho nó đi học. “Đầu tuần tới con đến lớp học nhé!” “Con không biết nữa…” Nó đáp lời với một lòng đầy nghi hoặc. Câu nói ấy của đứa trẻ khiến cô lặng thinh. Vì đúng là cô cũng chẳng thể chắc chắn một điều gì. Nhưng ít nhất, cô sẽ cố gắng thử một lần xem sao. “Cô giáo… cô có thể đọc truyện cho con nghe bây giờ không?” Hai con ngươi của đứa trẻ long lanh háo hức. Cô cũng không khỏi ngỡ ngàng, nhưng rồi mỉm cười hạnh phúc, đâu nỡ lòng nào lại từ chối trước lời thỉnh cầu của cậu nhóc cơ chứ. Cô lấy từ trong túi ra cuốn truyện ban sáng về chú chó nhỏ Suku, bắt đầu cất đọc lên những áng văn đẹp đẽ. Đứa trẻ tiến lại thật gần. Mắt nó chăm chú vào ngón tay cô đang lả lướt trên từng dòng chữ. Đôi tai vểnh lên như muốn nuốt trọn câu từ. Dưới triền đồi, cái Tú đang rong ruổi chơi đuổi bắt với đám bạn. Nó nhìn thấy bóng dáng ai quen quá, giống như cô giáo với cuốn sách trên tay. Đúng rồi, ở cái bản này ngoài cô giáo thì đâu có ai có những cuốn sách như thế nữa. Nó lấy tay dụi mắt nhìn cho rõ, rồi sau đó hoan hỉ chạy về phía đám đông hét to. “Cô giáo đang đọc truyện cho thằng Bình nghe trên kia kìa chúng mày ơi…” 

        Sau câu nói ấy, cả đám hơn chục đứa nháo nhác “hành quân” tiến về phía cô giáo. Chẳng mấy chốc đã lập thành một vòng vây xung quanh bốn hướng. Đứa nào đứa nấy mắt mở rộng tròn xoe, khúc khích nói cười. Giây phút ấy, thời gian như đã ngừng trôi, còn mọi mây mù trong lòng cô… biến tan… … Khi ánh dương cuối cùng đã tắt sau đỉnh núi, cũng là lúc cô đọc xong cuốn truyện cho đám nhỏ. Gập cuốn sách lại, bất giác, ngắm nhìn những gương mặt ngô nghê thân quen ấy, nghĩ về những tháng ngày phía trước không còn ở đây, cô không thể nào kìm nổi cảm xúc trong lòng mình. Ngay lập tức, nước mắt cô tuôn trào lã chã. Những đứa trẻ quay sang nhìn nhau. Chúng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cho tới khi một đứa trong đám khóc ré lên vì sợ hãi một điều gì đó vô hình, cả lũ bỗng vỡ òa nức nở không thôi… Đã nhòe đi hai hàng mi mắt, trong khoảnh khắc, cô nhận ra… cô đã tìm thấy lựa chọn của trái tim mình. Cô sẽ ở lại đây, trao đi những câu từ, gieo nét đẹp của những trang sách đến với những tâm hồn trong trẻo song còn nhiều thiếu thốn, cho tới khi ánh bình minh mỗi sớm mai chẳng còn ló rạng nữa.

Bài dự thi cuộc thi: "Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022"

Bài dự thi đạt giải truyện ngắn khuyến đọc hay nhất vòng sơ khảo HANU và  giải C vòng chung khảo tại Vụ thư viện.

Người sáng tác: Phạm Kim Quân, Lớp 2VBA-20.2

Bình luận