ĐỒNG BẠC TRẮNG HOA XÒE

ĐỒNG BẠC TRẮNG HOA XÒE

Tác giả : Ma văn Kháng

Thể loại: Tiểu thuyết văn học Việt Nam

NXB: Văn học

Ký hiệu xếp giá: 895.9223 MAK

Kho tài Liệu Tiếng Việt

Thư viện Trường Đại học Hà Nội

------------------------------------------

“Đồng bạc trắng hoa xòe” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Ma Văn Kháng, viết về lịch sử Lào Cai từ năm 1945 đến cuối năm 1947, sau rất nhiều thời gian làm việc, sống và gắn bó với thiên nhiên và con người Tây Bắc khi giặc Pháp trở lại xâm chiếm vùng đất này. Đây cũng là một trong cụm ba tác phẩm văn xuôi của Ma Văn Kháng được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước (đợt I năm 2001). Tác phẩm này sau khi ra mắt, đã đưa Ma Văn Kháng đứng vào hàng ngũ hiếm hoi của các nhà văn dân tộc Kinh viết về dân tộc và miền núi xưa nay ở nước ta.

Cuốn sách với gần 600 trang bắt đầu với khung cảnh thị xã biên giới Lào Cai đang sống trong bầu không khí loạn lạc, bất ổn tràn lan khắp nơi  đó là“những chùm buôn lậu, những tay anh chị đã vài chục cái tiền án, những tiếng cướp sổng tù từ tứ xứ khác tới, bọn đâm thuê chém mướn khét tiếng gian ác từ khắp vùng viên giới, quân trốn chúa lộn chồng, kẻ máu mê giang hồ, gã công tử phá gia chi tử, lão già ham của lạ, mụ Tú bà, con mẹ mìn thớ lợ, gian manh,,, toàn những hạng tứ bất tử, năm tao, bảy tiết, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh quần tụ lại, múa may, nhe nanh, giơ vuốt…” bởi mâu thuẫn ngấm ngầm giữa các phe cánh nhằm tranh giành quyền lực. Có lẽ thời kỳ bất ổn nhất và hỗn loạn nhất trong lịch sử của vùng đất này là thời kỳ này: “Nhật kéo quân vào, rồi Nhật đầu hàng. Hoa quân nhập Việt. Việt gian Quốc dân Đảng dựa thế quan thầy nhảy lên chiếm đoạt quyền hành” Nhưng chính trên mảnh đất mà bọn Quốc dân đảng ngày đêm giày xéo, bọn Thổ ty ra sức hoành hành, bọn Thực Dân Pháp ngấp nghé rình mò. Ngọn lửa cách mạng vẫn bùng lên mạnh mẽ, những chiến sỹ cách mạng, gan dạ, dũng cảm, không ngại nguy hiểm, hết mình vì đồng bào dân tộc miền núi trong công cuộc đấu tranh giải phòng dân tộc. Đại diện đó chính là: Tâm, Chính, Kiến, Đắc…bằng mọi cách đã nhen nhóm, nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng, dẫn dắt những người dân miền núi đến với ánh sáng của Đảng.  Ngoài ra cuốn truyện còn vẽ  lên bức tranh sinh động đầy màu sắc về  cuộc sống lao động của những người dân miền núi can trường nhưng rất mực chung thủy nhân hậu, thật thà đó là: Pao, Seo Ly, Seo Cả... hình ảnh họ hiện lên thật đẹp, người đọc bắt gặp ở họ tình yêu quê hương, yêu đất nước và nhiệt tình cách mạng.

“Đồng bạc trắng hoa xòe” nhà văn Ma Văn Kháng đã dựng lên bức tranh toàn cảnh xã hội, bằng những hình tượng sinh động cụ thể, các nhân vật được khắc họa có số phận, có diện mạo rõ ràng, được trình bày qua những trang văn giản dị của nhà văn Ma Văn Kháng. Ông đã chứng minh rằng đồng bào các dân tộc ít người, mặc dù bị chìm đắm trong đau khổ, tăm tối nhưng lòng luôn hướng về cách mạng.

Có thể nói “Đồng bạc trắng hoa xòe” làm sống lại bức tranh đời sống hiện thực mang tính sử thi về con đường của các dân tộc miền núi phía Bắc làm cuộc đổi đời, đi theo cách mạng mà từng người lao động lương thiện giữ gìn và phát huy được phẩm cách của mình, mỗi cộng đồng dân tộc từng bước tiến đến ấm no, hạnh phúc và văn minh. Nhưng đặc sắc hơn cả là thế giới nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của Ma Văn Kháng là những số phận và những mảnh đời, những con đường đời của những tên thực dân, của bọn quan tri châu và bè lũ tay sai của chúng – sự độc ác, tàn bạo, nham hiểm cùng là kết cục thảm hại của chúng, trước sự thức tỉnh của những thân phận nô lệ khi được giải phóng….

Rực rỡ, bùng sáng lên là số lượng đông đảo các nhân vật đáng kính, đáng yêu hoặc đáng được thông cảm về những vấp váp, không may mắn trong số phận của họ. Đó là những cán bộ chỉ huy quân đội dũng cảm, tài ba; những người lãnh đạo chính quyền các cấp gần gũi với nhân dân, hết lòng với đồi sống của nhân dân; những người phụ nữ tận tụy cho thắng lợi của kháng chiến, của việc xây dựng đời sống mới; những cán bộ gương mẫu, giáo viên quả cảm cống hiến những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa ở miền núi.

 

Bình luận