Túp lều của bác Tôm

Tác giả: Harriet Beecher Stowe

Dịch giả: Đỗ Đức Hiểu

Thể loại: tiểu thuyết, văn học Mỹ

Nhà xuất bản: NXB Văn học

Cuốn sách mở ra cả một khoảng trời lịch sử nước Mỹ khoảng giữa thế kỷ XIX khi sự xung đột hai miền Nam Bắc diễn ra giữa một bên tích cực bảo vệ cho chính sách giải phóng nô lệ khi nửa còn lại kịch liệt phản đối điều này. Bất cứ ai sau khi gấp lại cuốn sách này cũng đều muốn đấu tranh cho những kiếp người da đen đầy đau khổ.
“Túp lều bác Tom”
Được xuất bản năm 1852, còn được biết đến với cái tên “Cuộc sống giữa những lầm than”, “Túp lều bác Tom” là một tiểu thuyết chống chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ của nhà văn Harriet Beecher Stowe người Mỹ. Đây là một cuốn sách bán chạy nhất trong thế kỷ 19 với 30.000 bản được bán hết trong năm đầu tiên chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ mặc dù bị cấm tại các bang miền Nam nước này và đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm đối với người Mỹ gốc Phi và tình cảnh nô lệ tại Hoa Kỳ, làm tăng thêm sự xung đột giữa các tầng lớp dẫn đến nội chiến Hoa Kỳ. Cuốn sách quan trọng đến mức khi tổng thống Abraham Lincoln gặp Stowe vào năm 1962 đã chào mừng bà bằng câu nói nổi tiếng “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại.”
Vâng, đúng vậy, cuốn sách ấy cũng vĩ đại lắm. “Túp lều bác Tom” kể về một cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là bác Tom với chuỗi ngày đen tối, đầy tủi nhục. Là một người lương thiện, nhưng sinh ra là người da đen bác đã phải sống cả đời dưới thân phận nô lệ, đến mạng sống cũng bị đem ra định đoạt bởi những đồng tiền của những tên buôn người độc ác và tàn bạo. Vì bảo vệ vợ con, bác phải chấp nhận bị bán cho một tên buôn nô lệ và cũng để bảo vệ nhân phẩm của mình mà con người khốn khổ này bị đánh chết trong một đồn điền trồng bông ở miền Nam nước Mỹ. Trong cuốn tiểu thuyết này, bác Tom chính là người đại diện cho những người da màu, dù bị đối xử rất tệ, nhưng nhất định không bị vấy bẩn lương tâm, vẫn một lòng ngay thẳng, tâm trong sạch.
Ngoài nhân vật bác Tom, “Túp lều bác Tom” cũng tái hiện biết bao mảnh đời người nô lệ đầy tủi cực thấm đẫm máu vá nước mắt. Là anh chàng Giooc-giơ thông minh sáng chế ra chiếc máy tuốt sợi nhưng bị chủ ganh ghét bắt anh phải làm việc như trâu ngựa, hay cô gái Elisa – vợ Giooc-giơ – xinh đẹp, nhân hậu nhưng cũng bị chủ bán đi đứa con đứt ruột đẻ ra. Nhưng họ luôn âm ỉ ngọn lửa đấu tranh và khao khát tự do, cũng chính những con người đó đã mở ra một ánh sáng hi vọng, một hướng đi mới cho người nô lệ khi đã vùng lên để tự giải phóng chính mình. Và giữa những con người ấy, tại sao bác Tom được coi là trung tâm khi là tựa đề của toàn tác phẩm thì càng đến cuối ta càng thấy nhân vật này đã nổi lên như một ngọn đuốc thắp sáng toàn bộ cuốn sách bằng sự trung thực, bác ái và đức hi sinh cao cả của mình.
Bên cạnh đó, Stowe cũng đã xây dựng một số nhân vật khác để gây ấn tượng với độc giả như cậu chủ nhỏ George Shelby luôn yêu thương và coi bác như người bạn già, đã hứa sẽ chuộc được bác về, và cũng là người đứng lên giúp đỡ cho những người nô lệ, hay như cô bé Eva – thực sự là một thiên thần trần thế, yêu thương tất cả những người nô lệ đáng thương, tâm hồn bé nhỏ mong manh luôn day dứt cho một chế độ bạo tàn.
Có thể nói rằng cuốn sách như một bản cáo trạng đanh thép dành cho chế độ nô lệ với những chủ nô lệ, các tay sai và các con buôn vô cùng tàn ác trong cách đối xử với người da màu khi mà họ cũng là những con người với máu đỏ chảy trong huyết quản, cũng biết đau cả về thể các lẫn tinh thần, cũng có lòng tự tôn chứ chẳng phải món hàng hay là đồ vật vô tri để mặc sức chà đạp.
—————
Bạn đọc có thể tìm đọc sách tại Thư viện Trường Đại học Hà Nội, Kho tài liệu Tiếng Việt hoặc kho Việt Nam học với Ký hiệu xếp giá 813.3 STO 

Người review: Phương Giang
From HanuBookClub with love. ❤️

 

Bình luận