“Hội hè lễ Tết của người Việt” - Nguyễn Văn Huyên

Với tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa Việt Nam, tôi luôn tìm đọc những cuốn sách mà nội dung liên quan đến văn hóa Việt nhằm khám phá những kiến thức văn hóa bổ ích và bồi đắp tình yêu đất nước. Qua một lần giới thiệu của các bạn trong câu lạc bộ sách Hanu, tôi đã có dịp tìm và đọc một cuốn sách thú vị trên Thư viện trường Đại học Hà Nội, đó là cuốn “Hội hè lễ Tết của người Việt” của tác giả Nguyễn Văn Huyên - một nhà nghiên cứu mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
Cuốn sách không chỉ cung cấp cho tôi sự am hiểu về những giá trị truyền thống của dân tộc mình mà còn làm thay đổi nhận thức của bản thân tôi.Cuốn sách là tập hợp những tiểu luận nghiên cứu và những bài viết của tác giả được in trong hai tập “Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam” (tập I năm 1995, tập II năm 1996). Được viết bằng tiếng Pháp nhưng những tiểu luận này trước hết là cách trò chuyện thú vị và hấp dẫn giữa một người trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp, những người muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam một cách kỹ càng.
Qua đó, Nguyễn Văn Huyên đã đem đến cho bạn đọc một sự nhận thức có thể coi là vô cùng đúng đắn: “Chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn- kém hay ít- nhiều”. Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt bởi Đỗ Trọng Quang và Trần Đình Sử.
Đi vào đọc từng trang, từng dòng, chúng ta sẽ được đắm mình trong không khí vui vẻ và đầy náo nức của những ngày lễ hội trong năm.
Với tôi mà nói thì những trang văn viết về Tết Nguyên Đán và Tết Thanh minh là những trang viết hấp dẫn nhất. Tết Nguyên Đán đánh dấu sự khởi đầu của năm mới, bao giờ cũng rơi vào giữa hạ tuần tháng Giêng dương lịch và trung tuần tháng Hai dương lịch.
Trong cuốn sách, tác giả đã tái hiện một cách chân thực, sống động về những hoạt động của người Việt trong quá trình đón Tết cổ truyền: rửa đồ thờ bằng gỗ, đánh bóng lại đồ thờ bằng đồng hay thiếc; thay tro của bát hương; dựng cây nêu để xua đuổi ma quỷ và cũng là để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn tết trong gia đình những người đang sống.
Tất cả những hoạt động ấy diễn ra trong sự khẩn trương, bận rộn nhưng lại khiến con người ta cảm thấy vui vẻ, ấm lòng trong mùa sum họp. “Ngày Tết, do một quy luật tự nhiên bất di bất dịch, nhờ sự vận hành muôn thuở kết hợp của mặt trời và mặt trăng, bao giờ cũng xuất hiện với bộ trang sức tươi tắn muôn hồng nghìn tía, được làm dịu đi bởi sự đổi mới của vạn vật, được làm sinh động bởi các hạt mưa lâm tâm, điềm báo trước cơn mưa phùn tốt lành”.
Câu văn trên khiến tôi liên tưởng đến bức họa mùa xuân đa sắc màu, một không gian đong đầy sự hấp dẫn khi sức sống rạo rực trong lòng người và vạn vật với những hạt mưa rơi trên tóc, trên vai của những người đi chơi xuân, đi lễ chùa trước ngọn gió hây hẩy, mát lành. Bên cạnh Tết Nguyên Đán thì Tết Thanh minh (ngày 3 tháng 3 Âm lịch) cũng là một ngày lễ đặc biệt trong năm. Các hoạt động của ngày này được cử hành trong không gian thoáng đãng của ngày xuân với màu xanh “muôn nghìn sắc độ” của cỏ mềm và mạ non:
“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Vào ngày Thanh minh, khi vạn vật đang ở độ vừa mới mẻ và tinh khôi, đầy sức sống, lại vừa nhẹ nhàng và thanh khiết, người ta bộc lộ sự tôn kính với ông bà, tổ tiên- những người đã mất qua những chuyến thăm mộ. Theo tác giả thì “mồ mả được giữ gìn một cách thành kính ở Việt Nam cho đến lúc gia tộc tuyệt diệt”.
Thật vậy, trong đời sống của người Việt, phần mộ của ông bà, tổ tiên từ xưa đến nay luôn là chốn linh thiêng và được tôn kính. Trong chuyến thăm mộ ngày Thanh minh này, người ta đem theo cuốc xẻng để làm sạch cỏ độc trên mộ người thân; đem theo đồ cúng gồm hương, hoa tươi, vàng mã, trầu cau,... để cúng người đã khuất.
Tối đến, người ta lại làm lễ gia tiên để thông báo cho tổ tiên biết rằng lễ Thanh minh đã được làm hết sức cẩn thận, và để xin tổ tiên an nghỉ trong những nơi trú ngụ đã được sửa sang như vậy.
Những trang văn viết về “Tết Nguyên Đán của người Việt Nam”, “Tết Thanh minh và sự giữ gìn mồ mả ở Việt Nam” đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở việc tái hiện không khí nhộn nhịp của hai dịp lễ trên, tác giả của cuốn sách còn đem đến cho người đọc nhiều kiến thức văn hóa bổ ích qua việc miêu tả hoạt cảnh trong Tết Đoan ngọ (ngày 5 tháng 5 âm lịch), tết Trung thu (rằm tháng tám),... . Các ngày lễ, ngày hội được đề cập trong cuốn sách tuy khác nhau về thời gian và những hoạt động mang tính đặc thù với từng dịp lễ hội nhưng chúng đều đem đến cho đời sống của dân ta thêm sắc màu, tạo ra sợi dây liên tình kết ý, khiến cho mối quan hệ giữa người với người thêm gắn bó. Đặc biệt đó còn là dịp để mỗi người, mỗi gia đình bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính với ông bà, tổ tiên và cầu mong một cuộc sống bình an.
Trong quá trình tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, có lẽ các bạn đều từng có cơ hội đọc, khám phá nhiều cuốn sách thú vị, trong đó có thể kể đến cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Quốc Vượng” và cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của Trần Ngọc Thêm. Cùng đem đến cho người đọc những kiến thức bổ ích về văn hóa Việt Nam nhưng mỗi cuốn sách lại có một đặc trưng. Tôi xin phép được chỉ ra sự khác biệt trong cuốn sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của giáo sư Trần Quốc Vượng với cuốn sách “Hội hè lễ Tết của người Việt” của Nguyễn Văn Huyên. Cuốn sách của Trần Quốc Vượng cung cấp cho bạn đọc kiến thức về lịch đại và đồng đại của văn hóa Việt Nam lẫn những kiến thức cơ bản về văn hóa Việt qua việc trình bày cấu trúc của văn hóa, diễn trình lịch sử của văn hóa Việt Nam,... . Trong khi đó, ở cuốn “Hội hè và lễ Tết của người Việt”, Nguyễn Văn Huyên đem đến kiến thức văn hóa và cái nhìn về phong tục tập quán của người Việt Nam qua việc miêu tả hoạt cảnh của những ngày lễ, ngày hội trong năm, từ đó người đọc có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu kiến thức liên quan đến một dịp lễ hay một ngày hội mà mình quan tâm, điều này được coi là sự thuận lợi trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Cuốn sách “Hội hè và lễ Tết của người Việt” không chỉ đem đến cho tôi những kiến thức văn hóa bổ ích mà còn làm thay đổi nhận thức của bản thân tôi. Là sinh viên của khoa ngoại ngữ, trước đây, tôi từng nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi nhất định sẽ ra nước ngoài, nhất định phải sinh sống và làm việc ở một đất nước phát triển và giàu đẹp hơn nước mình. Thế nhưng, sau một quá trình học tập những môn học thuộc bộ môn Ngữ văn Việt Nam, đặc biệt là sau khi đọc cuốn sách này, tôi đã nhận thấy rằng đất nước mình tuyệt vời biết bao- một đất nước giàu có về phong tục tập quán với những hoạt động lễ hội đa dạng mà đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu có cơ hội được làm bạn với một người nước ngoài, tôi sẽ giới thiệu cuốn sách này đến họ hoặc dùng những tri thức mà bản thân mình lĩnh hội được từ cuốn sách mà truyền tải đến họ, giúp người nước ngoài có được kiến thức về văn hóa Việt. Tôi sẽ truyền tình yêu văn hóa Việt Nam vào trái tim họ, khiến họ xích lại gần với đất nước Việt Nam hơn.
“Hội hè và lễ Tết của người Việt”- tác giả Nguyễn Văn Huyên, cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức của bản thân tôi. Nó đem đến cho những người yêu văn hóa Việt Nam sự am hiểu sâu sắc về truyền thống của dân tộc mình. Cuốn sách chứa đựng giá trị hiện thực và giá trị nhân văn sâu sắc; từng câu văn đi sâu vào lòng người nhờ sự mô tả, phân tích hết sức sinh động, tinh tế và khoa học của tác giả Nguyễn Văn Huyên và cũng là nhờ những ngôn từ bình dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày dưới ngòi bút của hai dịch giả Đỗ Trọng Quang và Trần Đình Sử.
Mời thầy cô và các bạn tìm đọc sách tại kho tài liệu Tiếng Việt
Thư viện Trường Đại học Hà Nội.
Ký hiệu xếp giá: 394.269597 NGH

---------------------------------------

http://lib.hanu.vn/
https://www.youtube.com/channel/UCOE-8k39JPqwjJTTpsj8kOA
https://www.instagram.com/hanu_library/
https://www.facebook.com/libhanu/
Email: lib@hanu.edu.vn
Telephone: (84-24)38548121
Hotline: 0936.146838

Bình luận