Seol, con có hạnh phúc không?

Tên sách: Seol, con có hạnh phúc không?

Tác giả: Sim Yun Kyung

Dịch giả: Thanh Phương

Nhà xuất bản: NXB Dân trí

Nhà phát hành: AZ Books

Thể loại: Tiểu thuyết Kích thước: 14.5 x 20.5 cm

Ngày phát hành: 21/01/2020 Số trang: 288

“Bài vở gì mà làm đến tận khuya thế này? Nay không xong thì để mai rồi làm, muộn quá rồi, con đi ngủ đi.”

Mơ màng tỉnh dậy, trước mắt tôi vẫn là chiếc máy tính lạnh lẽo vô tri cùng chồng sách vở, giáo trình cao ngất - lại là một đêm dài chạy deadline. Ra là mơ. Phải rồi, đang học ở tận Hà Nội cơ mà, mẹ có cạnh bên được nữa đâu mà nhắc đi ngủ, mà nhắc ăn cơm, nhắc nghỉ ngơi cơ chứ? Với tay lấy chiếc điện thoại, vội vàng bấm số “Mẹ yêu”, định than vãn kể lể, rằng hôm nay mình mệt mỏi thế nào, mình nhớ nhà ra sao, lại chợt thấy đồng hồ chỉ ba giờ sáng. Thôi vậy, để cho mẹ ngủ yên. Nước mắt chực trào, nhớ mẹ biết bao! Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đầm ấm, nhận được tình yêu thương trọn vẹn, cách giáo dục cởi mở từ bố mẹ; có thể nói rằng tôi thật may mắn khi được hưởng một tuổi thơ êm đềm, được tự do phát triển cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Bố mẹ từng nói, rằng chỉ cần tôi được là chính tôi, mạnh mẽ tiến về phía trước, làm những điều mình thích cũng như thực hiện đam mê của bản thân, trở thành một phần có ích cho xã hội; thì họ đều cảm thấy tự hào. Cửa sổ ngoài ban công mở toang, gió lùa vào lạnh ngắt, cơn buồn ngủ cũng theo đó trôi sạch. Tôi ngồi nhìn bầu trời đen kịt ngoài kia, lòng nghĩ ngợi vẩn vơ. Kể từ khi lên Đại học, bắt đầu cuộc sống tự lập, rời xa vòng tay bố mẹ, tôi mới cảm nhận rõ ràng tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của gia đình. Quả thật, thời khắc đó, tôi mới nhận ra tình yêu ấm áp và giản dị mà mình nhận được một cách đương nhiên cũng như môi trường phát triển tự do mà bố mẹ tạo ra ấy chính là một phép màu, và chẳng phải đứa trẻ nào cũng may mắn có được. Một ngày tháng Tư thật buồn nào đấy, cũng tại chiếc ban công lạnh lẽo như thế này, một cậu nam sinh trẻ tuổi đã bỏ lại thư tuyệt mệnh, bỏ lại đằng sau gia đình, người thân, bỏ lại cả một tương lai tươi sáng, từ giã cõi đời. Và rồi một loạt những vụ việc đau thương tương tự cứ diễn ra từng ngày; mà tôi, bạn, chúng ta chỉ có thể trơ mắt đứng nhìn; dù trong lòng xót xa và thương cảm, cũng bất lực, chẳng thể làm gì. Tôi bâng khuâng tự hỏi; phải chăng, các bậc cha mẹ đã và đang đặt quá nhiều kỳ vọng, hay cũng chính là áp lực, lên những đứa con bé nhỏ của mình? Và phải chăng, đã đến lúc phải cứu những đứa trẻ đáng thương ấy khỏi phương pháp giáo dục sai cách, giải thoát chúng khỏi xiềng xích vô hình mà cha mẹ đã đeo cho chúng từ khi mới sinh ra, để chúng - những mầm non tương lai của đất nước, của dân tộc ấy - được tự tin làm những điều mình muốn, được cảm nhận tình yêu thương đủ đầy, được sống, và được là chính mình? Những suy nghĩ ấy đã nhen nhóm trong tôi từ lâu, và nó càng bùng cháy dữ dội, có lẽ là từ khi vô tình đọc được cuốn sách “Seol, con có hạnh phúc không?” như một sự sắp đặt đầy ngụ ý của Vũ trụ.

Ngay từ những giây phút đầu tiên khi tiêu đề cuốn sách vang lên “Seol, con có hạnh phúc không?”, trái tim tôi đã rung động mạnh mẽ. Nó như một hồi chuông ngân vang, đọng lại trong tôi những câu hỏi, những băn khoăn, trăn trở về giá trị thực sự của một gia đình. Toàn bộ cuốn sách là câu chuyện về hành trình được nhận nuôi của Seol, một cô bé bị bỏ rơi trong thùng rác vào đúng buổi sáng đầu tiên của năm mới. Trong suốt cuộc hành trình - trải qua ba lần được nhận nuôi rồi bị từ chối - cô bé đáng thương ấy dần trở nên trưởng thành và gai góc hơn. Cuộc sống của cô sau mỗi lần được nhận nuôi thất bại đều trở nên hỗn loạn, cuối cùng khiến cô phải chuyển đến học ở một trường tư thục dành cho nhà giàu. Bởi xuất thân của mình, Seol bị các bậc phụ huynh làm khó dễ ngay trong ngày đầu nhập học và bị các bạn cùng lớp bắt nạt. Thậm chí, sau một sự cố ở trường học, cô lại được nhận nuôi bởi chính gia đình của cậu bạn đã bắt nạt mình - Shi Hyun. Hoàn cảnh và cuộc sống nhiều trắc trở khiến cô bé luôn mang trong mình những hoài nghi sâu sắc về bản chất của tình yêu thương, của gia đình cũng như cách con người đối xử với nhau trong xã hội. Nhân vật chính của câu chuyện - Seol - là một cô bé mới chỉ mười hai tuổi, nhưng lại có suy nghĩ hết sức trưởng thành và chững chạc. Khi mới lật giở những trang đầu tiên, có lẽ nhiều người sẽ có cái nhìn không tốt về Seol, bởi đôi lúc cô rất bướng bỉnh, thậm chí có những hành động hỗn xược với người lớn, đặc biệt là người dì đã chăm sóc cô từ nhỏ. Cùng với cậu bạn Shi Hyun - dù hai người có hoàn cảnh trái ngược nhau, đều lựa chọn gồng mình trở thành những “đứa trẻ hư hỏng” trong mắt người lớn, như một cách để chúng phản kháng, đấu tranh khỏi sự áp đặt của cha mẹ. “Chúng có suy nghĩ của riêng mình, có dũng khí bày tỏ chính kiến của bản thân, và nếu những điều đó không được chấp nhận thì chúng quyết không né tránh, thậm chí còn làm ầm cả lên.” Sự nổi loạn, chống đối của chúng thực chất chính là một lời cầu cứu tuyệt vọng, một tín hiệu cuối cùng báo hiệu rằng sắp chạm đến giới hạn rồi, rằng chúng sắp không chịu nổi sự bức bối bủa vây nữa rồi. Nhưng liệu người lớn có lắng nghe, hay họ lựa chọn phớt lờ và bỏ mặc chúng? Câu trả lời của bác sĩ Kwang Eun Tae, người mà Seol vô cùng ngưỡng mộ, như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào trái tim cô bé, cũng chính là tạt thẳng vào tâm hồn non nớt của con trai mình “Bác bảo những đứa trẻ đến khám hãy luôn cười, nhưng lại cương quyết xóa đi nụ cười trên môi con trai mình. …. Nếu bác khen ngợi những việc nó giỏi và đối xử với tốt với nó hơn, có lẽ Shi Hyun sẽ không trở thành thế này.” Những người cha, người mẹ như thế, liệu có ý thức được rằng chính sự độc đoán và ích kỷ của mình đã làm tổn thương đến các con, đẩy chúng rời xa vòng tay gia đình và lún ngày một sâu vào vũng bùn của sự tuyệt vọng? Đọc cuốn sách, tôi không thể ngăn bản thân cảm thấy phẫn nộ trước hình ảnh những ông bố, bà mẹ, những vị phụ huynh luôn ép buộc con cái trong những khuôn mẫu mình đặt ra: phải ngoan ngoãn, phải chăm chỉ học tập, phải có thứ hạng cao trên lớp, phải giỏi tất cả các môn học,... Thực chất, đó chỉ là những tham vọng ích kỷ của người lớn, được họ gán dưới cái mác bóng bẩy và giả tạo - tình thương, và họ ngụy biện rằng “tất cả cũng chỉ là vì thương con, vì muốn tốt cho con mà thôi". Đương nhiên, tôi không hoàn toàn phủ nhận tình yêu thương của cha mẹ; tuy vậy, mấu chốt của vấn đề chính là cách mà họ thể hiện tình yêu thương ấy. Họ mải mê dành dụm và rồi vội vàng dúi vào tay đứa trẻ những-điều-họ-cho-là-tốt, mà quên mất rằng cần phải hỏi xem chúng có thật sự cần những thứ ấy không, rằng những-điều-họ-cho-là-tốt ấy có khiến chúng cảm thấy hạnh phúc hay không. Người lớn không “đi đôi giày” của con trẻ - không sống cuộc đời của con, cũng chẳng mơ giấc mơ của chúng; vậy thì hà cớ gì họ lại bắt ép con cái nhận lấy những thứ họ tự cho là phù hợp? “Thế giới mà những đứa trẻ phải im lặng chịu đựng không hề đúng đắn chút nào. Giá như ngày càng có nhiều người lớn thật sự chấp nhận một cách nghiêm túc với tấm lòng rộng mở khi bọn trẻ nói ra chính kiến của mình thì tốt biết mấy.” (Sim Yun Kyung) Các bậc phụ huynh, xin hãy một lần, dù chỉ một lần thôi, chấp nhận và tôn trọng những mong muốn, ý kiến hay sở thích của trẻ, và hãy bao dung hơn với những đứa con của mình. Xin hãy cho chúng những không gian riêng để phát triển, để được thể hiện cái tôi của mình cũng như được làm những điều khiến chúng cảm thấy vui vẻ; và xin hãy một lần ôm những đứa trẻ trong vòng tay và hỏi chúng “con có đang hạnh phúc không?” ! “Reng reng reng …” Tiếng đồng hồ kêu réo rắt cắt đứt dòng suy nghĩ miên man trong tôi. Cảm ơn Sim Yun Kyung, cảm ơn “Seol, con con có hạnh phúc không?” đã thức tỉnh tôi về ý nghĩa thực sự của gia đình, để tôi biết trân trọng hơn nữa những may mắn mà mình nhận được. Và còn nhiều hơn thế, cuốn sách cho tôi những cái nhìn sâu sắc hơn về cách giáo dục đúng đắn giúp cha mẹ và con cái thấu hiểu nhau hơn, để “nhà” thật sự là nơi để về, là cái nôi để trẻ được tự do phát triển toàn diện; từ đó đặt nền móng vững chắc, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, của xã hội. “Trẻ con thì phải cười thật nhiều, chạy nhảy thật nhiều, nói chuyện thật nhiều với bạn bè. Như thế mới lớn lên được.” Này bạn tôi ơi, ngày mới lại đến, hãy cứ sống hết mình, cống hiến hết mình, tự do làm những điều mình thích, và đừng quên mỉm cười thật tươi nhé !

Người review: Vũ Thị Thùy - 7A20

Bài dự thi cuộc thi :"Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022"

Bình luận