Yêu thương xa, yêu thương gần

“Yêu thương xa, yêu thương gần”

  • Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Kim Đồng
  • Ngày xuất bản: 12-2016
  • Loại bìa: Bìa mềm
  • Kích thước: 13 x 20.5 cm
  • Công ty phát hành: Nhà Xuất Bản Kim Đồng
  • Số trang: 136
  • Tác giả: Lưu Quang Minh - Trần Duy Thành

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hải Dương, trưởng thành và dần hòa mình với nhịp sống bộn bề, hối hả của Hà Nội, có những phút giây tôi chợt trầm lặng nhớ đến một đoạn trích trong cuốn “Yêu thương xa, yêu thương gần”:

“Khi tôi 18 tuổi, trở thành tân sinh viên một trường đại học danh giá ở thủ đô, với tất cả niềm háo hức về giảng đường mới, về phố xá tấp nập rất khác quê nhà, về chân trời tự do vẫy gọi, tôi đã giữ nụ cười phấn chấn trên suốt chặng hành trình đến Hà Nội.

Cho đến khi, vất vả từ những công việc đầu tiên như tìm nhà trọ, ổn định sinh hoạt hàng ngày, tôi nhận ra mình đã hoàn toàn không chuẩn bị tâm lí trước,…”

(Trích “Hà Nội, dù ở lại hay không”- Trần Duy Thành)

Một cuốn sách viết về Sài Gòn, về về tình yêu, tình người, và cả về những ngày tháng tuổi trẻ đong đầy kỉ niệm, ấy vậy mà nó lại khiến cho tôi thấy bồi hồi, xao xuyến đến lạ. Được đồng sáng tác bởi hai tác giả trẻ Lưu Quang Minh- người con của mảnh đất Sài Gòn và cây viết lớn lên tại Hà Nội- Trần Duy Thành, cuốn sách như những dòng tâm sự của lớp thanh niên trẻ ngày nay trước sự đổi thay của thành phố, của con người, hay đơn giản hơn là những cảm xúc, suy tư về những sự việc diễn ra thường nhật của cuộc sống.

Khi đọc những “mẩu chuyện” về “anh” và “em” trong trang viết của Lưu Quang Minh, người đọc sẽ dễ dàng chìm đắm vào những khoảnh khắc gần gũi, bình dị, thân thương. Đó là những đêm “bụng bảo dạ ‘biểu tình’ vì buổi chiều trót lỡ ăn hơi ít, ghé vào quán hủ tiếu lề đường gần nhà”, về những gương mặt bận rộn vì mưu sinh, hay đó là những lần xem phim ma về muộn, về quán ốc vỉa hè ven đường,… Cứ vậy, Sài Gòn ghi dấu vào tản văn của Lưu Quang Minh bằng những điều gần gũi, bé xinh, bằng những điều khắc khoải mãi còn thương sâu, trọn vẹn những năm tháng thanh xuân nhiệt thành, giàu tin yêu và hi vọng, nhưng cũng không ít những ngày “nổi gió”. Đọc những lời văn của Lưu Quang Minh, tôi bất giác nhớ lại xóm nhỏ nơi tôi qua lại và trưởng thành lên từng ngày. Nơi đó không ồn ào tấp nập, sầm uất như nơi phố thị nhưng cũng dung dị, phát triển từng ngày theo năm tháng. Sẽ không còn những gánh xe kẹo kéo ban trưa, không còn rong ruổi thả diều ngoài đê xóm, nhưng những con người tất bật vì mưu sinh vẫn luôn ở đó, những quán ăn tuổi thơ vẫn “mọc lên” tại nơi này.

Khác với cách đi vào câu chuyện một cách trực tiếp của Lưu Quang Minh, giọng văn của Trần Duy Thành lại đi sâu về cảm xúc, về những tình cảm sâu lắng, về nỗi nhớ và cả sự hoài niệm khi xưa. Trong tôi vẫn in đậm những câu văn thấm đượm chút vấn vương: “Có những điều quá mong manh để có thể nắm níu trong cuộc đời. Có những chuyện thật buồn để kể lại. Có những điều từng khiến người ấy buồn suốt mùa mưa lướt thướt, sang cả mùa nắng hanh.” Có lẽ ấn tượng nhất với tôi là chương “Tết là khi ta về với thương yêu”. Câu chuyện có thể xảy ra với bất cứ ai trong lớp trẻ ngày nay: quen với sự tấp nập xô bồ, hào nhoáng của phố thị, chìm mình vào trong các cuộc vui khiến chúng ta không còn thời gian để quan tâm đến gia đình, quan tâm đến những cuộc gọi hỏi thăm ân cần của cha mẹ. Để rồi sau đó, “một trận sốt nặng, người mỏi mệt, đầu óc đau đờ đẫn. Không có ai bên cạnh. Bạn bè đang bận rộn hoặc nghỉ ngơi. Cảm giác chán chường và tủi thân dâng trào khóe mắt. Một mình tôi thu lu trong phòng trọ, lắng nghe nước mắt mình chảy. Trong lúc cô đơn và ốm bệnh, không có ai bên tôi cả. Không một tin nhắn hỏi thăm hay động viên từ bạn bè. Chỉ duy nhất một cuộc gọi nhỡ từ ba mẹ ở dưới quê…” Đọc những dòng văn ấy, bất giác tôi ngẩn người, có chút gì đó nghèn nghẹn nơi cuống họng. Phải chăng trong vô thức, ta đã làm tổn thương những người luôn quan tâm, lo lắng cho mình? Trước nhịp sống hối hả ấy, quay đầu ngước nhìn lại vẫn luôn có người âm thầm dõi theo, sẵn sàng mở rộng vòng tay chở che khi ta mỏi mệt. Sống chậm lại một chút, hướng ánh mắt về vẻ đẹp khơi xa nhưng cũng đừng quên sắc màu nơi bờ bến.

Những câu văn, mẩu chuyện viết về Sài Gòn hoa lệ, về miền đất mà tôi chưa từng được đặt chân tới, ấy vậy mà vẫn khiến tôi rung cảm đến lạ. Có thể một ngày nào đó không xa, tôi sẽ “vi vu” tới miền đất mới lạ ấy, cảm nhận “hơi nắng vàng ruộm” nơi đây, tới thăm biểu tượng của thành phố- Nhà thờ Đức Bà, chờ đêm đến, ta lại hòa mình vào dòng người, trải nghiệm những món ăn nơi đây,… Nhưng dù sao, đó cũng là chuyện của sau này. Với tôi mà nói, “Yêu thương xa, yêu thương gần” giống như lời tâm tình thủ thỉ, nó khiến tôi thêm yêu cuộc sống, yêu con người của hiện tại, trân trọng những điều xung quanh, đặc biệt là ngắm nhìn phố phường nơi mình đang sống.

Bài dự thi cuộc thi: "Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022" 

Thí sinh : Nguyễn Thị Luyến 2B-21

Bình luận