Sống mòn - Nam Cao

SỐNG MÒN

Tác giả: Nam Cao

Thể loại: Tiểu thuyết văn học Việt Nam

Ký hiệu xếp giá : 895.9223 NAC

Kho tài liệu Tiếng Việt - Thư viện Trường Đại học Hà Nội

Giống như tựa đề lời bài hát “Life goes on” của BTS, cuộc sống theo lẽ tự nhiên cứ thế chảy trôi mà không một lời báo trước. Mình biết rằng, ở cái độ tuổi còn chưa đi hết nửa của đời này, mình vẫn còn quá non nớt để suy nghĩ chín chắn về cuộc đời. Nhưng cuốn sách “Sống mòn” của Nam Cao đã cho mình có cái nhìn khác về điều đó.

Nguyễn Minh Châu đã từng nhận xét rằng: “Những trang truyện của Nam Cao, trang nào cũng có những nhân vật chính hoặc phụ đang đối diện với cái chỗ kiệt cùng với đời sống con người để rồi từ đó bắt buộc người ta phải bộc lộ mình ra, trước hết là tâm lý, nhân cách rồi tiếp đến sau cùng là cái nỗi đau khôn nguôi của con người.” Trong những trang sách của “Sống mòn” cũng thế. Tác phẩm được viết trong thời gian 1944, với cái tên “Chết mòn” – đến năm 1956, tác phẩm mới được xuất bản. Đây cũng là tiểu thuyết nổi bật, tiêu biểu nhất trong các tiểu thuyết do ông sáng tác. Nam Cao đã mang cái trần trụi của cuộc sống, thời đại đó vào tiểu thuyết cũng như khiến cho độc giả phải chiêm nghiệm rất nhiều điều.

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của một trí thức tên Thứ, đã rời bỏ làng quê để lên thủ đô làm thầy giáo cho một trường tư để giúp anh họ là Đích trông coi ngôi trường. Ban đầu của công việc đã mang về cho Thứ một chút khởi sắc – uy tín của anh ngày càng lớn nên có nhiều học sinh vào học. Tuy nhiên hy vọng của anh về cuộc sống không thỏa đáng được bao lâu thì các gánh nặng, khó khăn đè nặng thêm lên vai người thầy giáo quèn bởi những đồng lương mà anh nhận được quá rẻ mạt, còn bị cắt xén đủ đường trong khi anh lại không thể gửi về đồng nào cho gia đình với đứa con nhỏ vừa mới ra đời. Mang trong mình một tâm hồn cao cả, sự nhiệt huyết của nghề nhà giáo cùng với tình yêu gia đình, cuộc sống khắc nghiệt nơi Hà Thành đã bóp nghẹt con người anh cả về thể chất lẫn tinh thần. Cơm áo gạo tiền, chỗ ăn chỗ ở, tất cả đều phải tự anh gánh vác, cùng với San – bạn cùng quê của Thứ, phải chuyển sang chỗ ở mới tồi tàn hơn. Nhưng ở đây, anh gặp được nhiều người hơn: ông bà chủ trọ, vợ chồng 

thằng phu xe và bà Hà – mẹ vợ của thằng phu xe. Nhờ đó, y cũng nhìn nhận cuộc sống của họ lẫn bản thân mình. Rằng “Cái nghèo chẳng có ích cho ai, nó làm tiêu mòn sức lực, héo hắt tâm hồn. Nó khiến con người ta thành bủn xỉn, nhỏ nhen, ích kỷ, sát bờ đất, nó tạo nên thành nô lệ của đời người.”. Ngay trong tiềm thức của y, Thứ cảm thấy, anh đã không còn là anh của ngày xưa, hèn hạ, nhỏ mọn, ti tiện với những người xung quanh. Xa cách vợ con khiến nghi nghi vợ anh ngoại tình, nghi vợ mình đánh bạc. Khi nhận thư Đích sắp chết do bệnh lao, y lại cảm thấy vui mừng. Nay mai sẽ thật buồn, anh sẽ chẳng thể nào níu giữ nổi cái ước vọng làm một thầy giáo tốt, bỏ lại vợ con để vùng vẫy trong hoài bão học thức mà anh theo đuổi.

Đến kết truyện, ta mới thấy rõ cái khắc nghiệt của nghèo đói gặm nhấm cuộc đời người ta như thế nào khi chiến tranh xảy đến. Thế chiến thứ hai nổ ra, Thứ lại quay trở về quê ăn bám vợ con, trong khi họ đã chịu đựng quá nhiều đói khổ rồi. Trường học đóng cửa – kế sinh nhai của Thứ cùng những nhà giáo khác đều mất, mỗi người đều có những bộn bề riêng, hai vợ chồng nhà phu xe cũng đang vật lộn với kế sinh nhai khi thêm một miệng ăn nữa ra đời, bà Hà tai nạn xe bị người con cũng chẳng màng đến mà vứt bỏ, Oanh cùng Đích đang dần kiệt quệ vì công sức xây dựng ngôi trường đổ sông đổ bể vì chiến tranh khốc liệt. Câu hỏi cuối cùng y hỏi “Y đã làm gì chưa” như để chất vấn bản thân rằng có phải y đang dần mục rỗng trong cái xó quê này không, Cuộc đời y có phải thật sự vô nghĩa không, sẽ mòn đi rồi y sẽ chết mà chưa làm được gì không.

Đọc “Sống mòn”, mình cũng đã cảm thấy thật bí bách trong cái khung cảnh mà Thứ phải chịu, áp lực của đồng tiền đè nặng lên đôi vai của người đàn ông, từng ngỡ rằng Oanh là người khiến tất cả mọi thứ trở nên tồi tệ. Nhưng cuối cùng Oanh cũng như bao người, là người cũng đang vật lộn với cái nghèo của xã hội đương thời này, cũng chỉ vì bản thân mình mà cô phải làm thế. “Người nọ người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái lối sống lầm than nó đã bắt buộc người ích kỷ, nó đã tạo ra những người tàn nhẫn và tham lam”

Trong con người Thứ, có một tư tưởng và lỗi suy nghĩ đi trước thời đại mà không phải ai cũng có, anh hiểu được những uẩn khúc sâu xa của thời đại, anh thấm thía cuộc sống khổ cực, không chỉ vậy là người có học, anh có một lý tưởng cao cả hơn. Tuy thế, chính cái bản tính nhút nhát, hiền lành của y cùng với cái xã hội đói khổ này lại khiến cho y thật hèn hạ, vô vị.

Tuy vậy, trong cái kết mà Nam Cao vẽ ra lại gợi mở cho người đọc một tia sáng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đích cho đến giây phút sắp tận cùng của cuộc đời vẫn cố níu lại cái hơi tàn của ngôi trường -  những cố gắng anh đã gây dựng nên, với Thứ - nhận thức cái thảm cảnh chiến tranh khốc liệt nhưng y vẫn còn mong mỏi một cái gì đó đổi khác “công bình hơn, đẹp đẽ hơn”.

Với “Sống mòn”, Nam Cao không hề đưa bất kì một cú “twist” nào vào trong tác phẩm, cốt truyện đơn giản, nhiều chi tiết lẻ tẻ, điều đó sẽ khiến nhiều độc giả không cảm thấy cuốn hút. Dù như thế, tiểu thuyết là một áng văn thể hiện tính chân thực của 

xã hội cùng con người của thời đại. Không có gì trần trụi hơn sự thật nghiệt ngã. Một xã hội mà cái nghèo khiến con người tha hóa, ngăn cản người ta sống đẹp, bỏ quên gia đình. Bởi vậy mới thấy, để đi đến xã hội như bây giờ, đất nước ta đã phải trải qua bao biến cố thăng trầm cùng bao nhiêu xương máu công sức của những thế hệ trước xây dựng nên .Qua “Sống mòn”, nó như nhắc nhở ta rằng, trong xã hội hiện đại và văn minh như bây giờ, khi mà mọi người có quyền tự do lựa chọn, được tạo nhiều cơ hội để phát triển, hãy suy nghĩ tích cực, hãy sống hết mình, đừng sợ hãi dù bất kỳ hoàn cảnh nào.

Sau khi đọc và ngẫm nghĩ trang truyện của Nam Cao, cái tính hiện thực của câu chuyện quá khốc liệt phải công nhận rằng thực tế cuộc sống không hề đơn giản như trong tưởng tượng của bản thân của một người trưởng thành thật phức tạp và khốc liệt. Đặc biệt hơn, tài năng của tác giả trong việc đưa dòng tâm lí nhân vật Thứ vào xuyên suốt tác phẩm. Qua đó, mình nhận ra đó như là một tiếng lòng tha thiết kêu gọi mọi người cần dũng cảm nhìn vào thực tế tàn khốc, chấp nhận và thay đổi đi. Đồng thời cũng làm mình dấy lên suy nghĩ rằng, bản thân cần sống thật ý nghĩa, theo cách của riêng mình, hơn nữa là một công dân của đất nước, mình cũng cần góp sức để tạo nên một xã hội phát triển và tốt đẹp hơn, làm cho đất nước mình thêm phồn thịnh, phát triển – để khi nhìn lại ta mới thấy được giá trị cuộc sống, mới biết trân trọng nâng niu nó.

Bài dự thi cuộc thi: " Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022" 

Thí sinh dự thi: Thái Thanh Trà lớp 9A-21

Bình luận