Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ

“Lẽ sống đích thực cho mọi người là tìm ra chính mình. Có thể trên con đường đó ta sẽ trở thành nhà thơ hay gã tâm thần, một nhà tiên tri hay một tên tội phạm, nhưng những cái đó không liên quan đến việc ta phải làm. Việc của con người là phải tìm ra định mệnh dành riêng cho mình, không phải sao cũng được, rồi kiên định sống hết mình theo con đường riêng ấy. Những cách sống khác chỉ là sự tồn tại tạm bợ chờ thời, là sự trốn tránh số mệnh, là chạy theo những tiêu chuẩn của đám đông, là sự cúi đầu tuân phục và sợ hãi trước chính cái tôi bên trong”. (Demian – Tuổi trẻ băn khoăn | Hermann Hesse)

Đây không chỉ là câu văn mang đầy tính minh triết mà còn ẩn chứa sức cổ vũ rất lớn đối với những người đang vững tâm bước đi trên hành trình tìm kiếm chính mình, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tuổi trẻ, từ xưa cho đến nay, đều được ví như là mầm non tương lai của đất nước. Tuổi trẻ là nguồn động lực phát triển to lớn của xã hội, họ là thế hệ tương lai, những người kế thừa thành tựu từ thế hệ đi trước để xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Có thể nói rằng chính sức trẻ, nguồn năng lượng tích cực của thế hệ trẻ là nguồn tài nguyên sống vô giá cho sự bền vững, hưng thịnh của một đất nước.

Thông thường, khi nói về tuổi trẻ, ta nói về sức sống, về sự cống hiến, về những thứ tươi đẹp tuy nhiên khi xã hội ngày càng phát triển, một cộng đồng cởi mở về suy nghĩ được hình thành lại là lúc xảy ra mâu thuẫn với hầu hết thế hệ đi trước. Do đó, khi họ - thế hệ đi trước nói về người trẻ, phần lớn đó là những lời phàn nàn: “ích kỷ”, “lười”, “vô cảm”… Nhưng đã lâu lắm rồi, thậm chí có thể là chưa bao giờ, họ ngồi xuống và nghiêm túc lắng nghe người trẻ. Họ không biết gì về thế giới của người trẻ, về những vật lộn nội tâm, những niềm vui, những hy vọng, những nỗi đau của tuổi trẻ.

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” có thể coi là một công trình công phu và tử tế của Đặng Hoàng Giang. Tác phẩm không phải là câu chuyện của riêng tác giả, càng không phải câu chuyện của riêng một cá nhân nào đó. Mà đây là câu chuyện của rất nhiều bạn trẻ với độ tuổi trên dưới 20, kể ra rất nhiều chân dung của họ, những người trẻ đang trong hành trình bước vào thế giới người lớn với bao câu hỏi: “Tôi là ai?”, “Tôi muốn gì?”, “Điều gì làm tôi hạnh phúc?”…

Các bạn trẻ đã dẫn tác giả vào nơi mà tác giả nghĩ rằng nó không hề tồn tại. Một thế giới không thanh thuần đẹp đẽ mà vô cùng phức tạp, hết sức đớn đau và đầy dữ dội. Vì các bạn ấy phải sống trong môi trường tương đối khác biệt, họ bị phụ huynh hóa, họ bị bỏ rơi, họ bị cầm tù trong ngục tù yêu thương,…Tác giả đã dành hơn hai năm để tìm hiểu về các bạn, nói chuyện và nhắn tin với các bạn, đi qua hàng ngàn cập nhật Facebook và Instagram của các bạn, nghe nhạc mà các bạn nghe, đọc thơ mà các bạn đọc, xem tranh các bạn vẽ và khi có thể, đã gặp gỡ người thân của các bạn.   

Cuốn sách tựa như một bức tranh về quanh cảnh tâm lí của tuổi trẻ để cho độc giả có thể có được những trải nghiệm như tác giả đã từng có. Cuốn sách một phần nào giúp ích được cho tất cả những người đã và đang là người trẻ hoặc sống cùng người trẻ.

Tôi đọc được ở đâu đó rằng đôi lúc trên quãng đường đời, điều may mắn là có duyên gặp gỡ một người hay một vật đúng thời điểm. Hình như tôi chính là người may mắn đó. Tình cờ biết đến cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” trong những ngày tháng thanh xuân còn đang loay hoay để giải quyết vấn đề sâu thẳm bên trong mình, tôi nhận ra một điều rằng thì ra, sách không chỉ là tri kỉ của mình mà hơn cả thế, sách còn là một vị lương y tài ba.

“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” gồm ba phần chính với những tiêu đề nói lên nhiều điều: “Thế giới vắng bóng người lớn”, “Những đứa trẻ nhầm vai” và “Trong ngục tù của tình yêu”. Tác giả chỉ đơn thuần kể lại một cách chân thật nhất câu chuyện mà chính bản thân tác giả đã được nghe, được cảm nhận từ chính các bạn trẻ ấy. Xen kẽ mỗi phần là những khúc chuyển giao bằng lời của tác giả qua các phân tích dưới góc độ chuyên môn ở khía cạnh tâm lý, khoa học; và khép lại trong khúc vĩ thanh trên “Hành trình chữa lành”.   

Câu chuyện thì nhiều nhưng có lẽ ở đây, tôi chỉ kể ra câu chuyện của một vài bạn trẻ mà ở đó, tôi thấy hình bóng chính mình trong câu chuyện của họ. Quả thật, tôi thấy quá đau đớn, quá tuyệt vọng trong câu chuyện của họ nhưng bằng điều gì đó, tôi cũng tìm được cho mình những bài học mà từ trước tới giờ chưa bao giờ được lĩnh hội.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của Đan - điển hình của trường hợp bị bố mẹ bảo bọc quá mức đến nỗi đánh mất cả bản thể của mình. “Cậu có một người mẹ gần gũi và tôn trọng, một người bố tuy đã từng rượu chè nhưng không áp đặt, cậu cùng mẹ hoạt động xã hội, cậu đọc nhiều, hiểu biết, không bị ép buộc học hành mà cũng chẳng có đam mê gì bị cấm đoán.” Nhưng cậu lại bỏ đại học, ở nhà, trở thành con người u ám và có phần cay đắng. Cậu ví bản thân mình với một hình ảnh không thể nào chuẩn xác hơn: “đứa trẻ được bón sẵn”.

Người khác nhìn vào cậu, bạn bè nhìn cậu và cảm thán rằng cậu có một người mẹ quá đỗi tuyệt vời vì mẹ cậu hiểu biết, tân tiến, luôn đồng hành cùng cậu, bạn bè bảo với cậu: “Ước gì tao được làm con mẹ mày”, nhưng đâu biết hoàn cảnh thực sự của cậu. “Trước khi tôi có một khái niệm mình là ai, mình muốn gì, mẹ đã tìm hiểu hết về việc học đại học, vẽ sẵn ra mọi thứ, một cách nhẹ nhàng, thân thiện. Bước đầu là chuyên ngành tiếng Anh này, rồi tới cái bằng Luật này. Khi bạn không biết mình nên đi con đường nào thì mọi con đường đều tốt, nhất là khi bạn có mẹ bên cạnh.”

 “Chưa bao giờ tôi tự ra một quyết định nào, và bỏ học là quyết định đầu tiên của riêng tôi. Giá trị của nó nằm ở chỗ đó. Nó là một cố gắng dứt ra khỏi sự phụ thuộc vào mẹ. Từ trước tới nay, mẹ là người quyết định mọi thứ. Như tôi đã nói, mẹ không ép, mẹ chỉ giải thích, mẹ thuyết phục. Tôi đâu có biết gì để mà phản đối? Mẹ nấu ăn, rồi mẹ bón.”

Với Đan, cố gắng đầu tiên trong cuộc đời cậu là bỏ học, “để lấy lại quyền sở hữu cuộc đời mình”. Mặc dù cậu mông lung với tương lai nhưng cậu lựa chọn từ bỏ vì đó là con đường mà người khác vạch ra chứ không phải con đường mà cậu muốn đi, mà đã là dự liệu của người khác thì tất nhiên, “chả có giá trị gì của mình ở trong đấy cả.”

“Câu này của cậu nói lên tất cả: “Ai cũng mưu cầu được là bản thân mình.” Trong giấc mơ mà bố mẹ cậu biến mất, dù cảm thấy tội lỗi nhưng cậu thừa nhận cái đọng lại là cảm giác nhẹ nhõm và thỏa mãn của người tự do. Nhưng nghỉ học không thay đổi được tình huống của cậu. Cậu vẫn chỉ quanh quẩn trong cái thế giới mà mẹ cậu đã tạo ra. Cả cái tôi của cậu cũng là sản phẩm của mẹ. “Để trưởng thành người ta phải tự lực xây dựng cái tôi, hình ảnh cá nhân của mình. Nhưng mẹ đã làm hộ tôi hết.” Có lẽ đó chính là nỗi bi kịch lớn đối với Đan nói riêng và đối với một phần thế hệ trẻ ngày nay nói chung.

Bởi thế, phải chăng mẹ Đan đã sai khi lo lắng cho con cái như vậy? Câu trả lời cho câu hỏi này theo tôi, vừa là đúng, cũng vừa là sai. “Có lẽ bị ám ảnh bởi một tuổi thơ khắc nghiệt và vất vả mà vô thức chị Duyên-mẹ Đan muốn đem lại cho con một tuổi thơ ở cực trái ngược. Vậy nên, trớ trêu thay, chị hay nói về tầm quan trọng của sự tự lập ở trẻ (giáo dục là niềm say mê của chị), nhưng lại luôn mở đường, thu xếp, dẫn dắt trước khi Đan có cơ hội hình thành sở thích hay mong muốn của mình.”

Tác giả gọi những cha mẹ như vậy bằng một cái tên:“cha mẹ xe ủi”. Thay vì dạy con khả năng đối mặt với những khó khăn rồi tìm hướng giải quyết chúng thì những cha mẹ này sẽ dọn sẵn, đứng ra chắn trước khó khăn ấy cho con cái. Họ nghĩ làm vậy là tốt cho con cái họ nhưng lại vô hình chung làm mất đi khả năng được làm chính mình ở con, mất đi quyền tự đi tìm chính mình ở con. Họ không và chưa nghĩ về những hậu quả của việc bảo bọc con cái quá mức.

Rằng là, “nếu không được luyện tập để đối mặt với khó khăn, đứa trẻ thiếu sự tự tin và lòng dũng cảm. Lớn lên, chúng có xu hướng tránh đối mặt với thách thức, từ chuyện bước vào một môi trường mới tới việc chấp nhận mình bị khước từ. Chúng cũng không có khả năng ra quyết định và chịu trách nhiệm về nó”... và còn vô vàn những hậu quả khôn lường khác nữa.

Tôi rất thích cách so sánh của tác giả ở đây, ông nói rằng: “Nó là một sự giam cầm ngọt ngào, một sự trói chặt đầy tinh tế. Đan giống con chim sống lâu trong lồng, thèm muốn tự do nhưng khi cửa lồng mở thì chỉ đứng ở cửa, không dám bay đi.”

Không được sống độc lập trong cuộc đời của mình, dẫn đến việc mơ hồ về chính bản thân mình, không biết mình là ai, mình muốn gì, mình cần gì - đó là những thực trạng đã và đang tồn tại ở lớp người trẻ trong một thời đại đổi mới. Càng mơ hồ bao nhiêu thì càng trống rỗng, lâu dần với thời gian, nó “trở thành một cuộc khủng hoảng căn tính khổng lồ, đầy đau đớn”.

Khá tương đồng với chia sẻ của Đan chính là câu chuyện của Long. Một chàng trai bị bạo lực gia đình do những kỳ vọng điểm số học tập của bố mẹ. “Tôi bị bố đánh nhiều tới mức cái đợt đi tập võ, mấy lão bảo thằng này chịu đòn tốt hơn người bình thường. Bố vừa say xỉn, vừa đánh, vừa gọi họ tên tôi, tới lúc tôi nằm rũ ra như sợi bún bị vắt kiệt. Đến giờ tôi vẫn giật mình sợ hãi mỗi khi nghe thấy ai gọi đầy đủ tên mình." Những trận đòn roi không chỉ đơn giản là gây đau đớn về mặt thể xác mà thậm chí còn gây tổn thương nặng nề về mặt tinh thần, trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi gợi về chỉ trong việc “ai đó gọi tên mình”.

Nặng nề hơn là những gì mà Ngân phải trải qua: bị dựa dẫm, nương tựa, bị ép phải trưởng thành sớm khi mà ngay chính Ngân còn chưa định hình được bản thân là ai. "Tôi mong có người dìu dắt nhưng lại phải dìu dắt bố mẹ tôi".

 Ngân đã bị rơi vào quá trình phụ huynh hóa, tức là Ngân và bố mẹ bị nhầm vai. Có thể hiểu, “quá  trình phụ  huynh hóa, hay nhầm vai, đảo vai, lẫn vai xảy ra khi đứa trẻ phải nhận những trách nhiệm đáng lẽ thuộc về bố mẹ chúng. Các nhà tâm lý học phân biệt giữa phụ huynh hóa về chức năng (instrumentalparentification) và phụ huynh hóa về cảm xúc (emotional parentification). Đứa trẻ ở dạng đầu nấu nướng, chợ búa, dạy em, chăm sóc bố mẹ ốm, kiếm tiền. Đứa trẻ ở dạng sau đóng vai người lớn trong khía cạnh tâm lý, tình cảm, trở thành người che chở, bảo vệ, an ủi, bảo ban, dẫn dắt, là bạn tâm giao, người tin cẩn, người giải quyết xung đột.[….] Trong hai dạng phụ huynh hóa, dạng phụ huynh hóa về cảm xúc có nguy cơ phá hủy đứa trẻ nhiều hơn.” Thật đáng buồn, Ngân chính là đứa trẻ ở dạng sau ấy.

“[…] Điểm chung là những đứa trẻ này bị đánh mất một phần tuổi thơ của mình, mất một phần cơ hội tìm tòi, thử nghiệm để xác định cái tôi, để phát triển thành một cá thể độc lập, riêng biệt một quá trình mà bất cứ người trẻ nào cũng cần trải qua.”

Còn rất nhiều những thực trạng tồi tệ hơn được tự sự trong cuốn sách nhưng cũng cũng còn vô số cả ngoài đời sống xã hội. Vì không thể kể hết, không thể có duyên đồng cảm cùng với những trường hợp còn lại nên Đặng Hoàng Giang đã viết nên “Hành trình chữa lành”. Tôi nghĩ đây chính là phần cần thiết và hay nhất, ý nghĩa nhất, có giá trị nhân sinh cao nhất trong tác phẩm. Bởi vì rõ ràng, “hậu tuổi thơ” là giai đoạn quan trọng để người trẻ trưởng thành về cảm xúc, phát triển khả năng suy ngẫm và định hình căn tính riêng. Trong quá trình này, họ phải chọn lựa, khám phá, thử-sai, họ cần sự thấu hiểu, hướng dẫn, đồng hành của người lớn, nhưng hóa ra có rất nhiều người trẻ phải tự loay hoay lớn lên với đầy những gánh nặng và tổn thương; những người trẻ hiện nay cần nhiều hơn sự dìu dắt về tinh thần mà họ chưa bao giờ nhận được.

Vậy nên, xã hội hãy bao dung hơn với thế hệ trẻ, hãy cảm thông và thấu hiểu với sự nổi loạn bên trong những bản thể chưa trưởng thành ấy. Với các bạn trẻ, hãy cấu thành nên lòng trắc ẩn với chính mình, hay nói cách khác, hãy yêu thương chính mình. Nhưng cần phải phân biệt yêu thương chính mình không đồng nghĩa với việc tự nuông chiều, mà là có động lực để vượt qua khó khăn thử thách, hướng tới những điều tốt đẹp.

Nếu thế giới bên ngoài quá đỗi khắc nghiệt, gia đình không phải nơi mà có thể an ủi các bạn, vậy thì hãy học cách dịu dàng với chính bản thân mình, hãy chấp nhận bản thân với tất cả những khiếm khuyết, những vụng về, những tổn thương và yêu cả những điều không hoàn hảo ở mình. Hãy luôn lạc quan, tự động viên, an ủi mình. Hãy luôn nhắc nhở bản thân về quyền được là chính mình, về quyền được mưu cầu hạnh phúc. Mình chính là người có được những quyền hạn ấy, đừng so sánh bản thân mình với bất kì ai. Đừng chạy theo nghĩa vụ sống hộ người khác, cho dù là bố mẹ đi chăng nữa. Như tác giả có nói “sự nhân từ với chính mình khiến ta quỳ xuống để đỡ bản thân lên”.

Vì trên trái đất này, mình là một bản thể duy nhất - một bản thể có giới hạn. Tôi muốn nói với các bạn không chỉ trong cuốn sách mà muốn nói với thế hệ trẻ ngày nay, cũng là đôi lời muốn động viên chính mình: Hãy luôn ngẩng cao đầu tiến về phía trước, dù bão tố đang chờ, dù mưa giông còn đang đợi cũng hãy dũng cảm bước tiếp vì tuổi trẻ chỉ có một lần trong đời. Hãy làm sao cho tuổi trẻ là những tháng năm rực rỡ, tươi đẹp nhất, ý nghĩa nhất. Và đặc biệt quan trọng, hãy tự tin sống là chính mình.

Thực sự, một điều tưởng chừng như là vốn có ở cuốn sách này nhưng lại có sức thu hút tôi vô cùng mãnh liệt, đó là tính chân thật. Đọc sách, tôi thương cảm, nhưng nhiều hơn là sự đồng cảm sâu sắc và tôi cũng hiểu bản thân mình hơn nhờ những chia sẻ và dẫn chứng khoa học của tác giả. Cuốn sách tựa như một tách trà đắng có, chát có, nhưng khi uống vào, hậu trà lại có chút vị ngọt thanh cùng hương thơm dễ chịu đến lạ.

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” là cuốn sách hay, ý nghĩa, có tính văn chương bên cạnh tính nhân văn sâu sắc. Một cuốn sách không mang giáo điều mà đóng vai trò như một vị lương y cao tay, chầm chậm đi sâu vào nội tâm của những người tưởng rằng đã lớn mà hóa ra vẫn mang trong mình một đứa trẻ bị tổn thương. Từ đó, giúp độc giả, đặc biệt là giới trẻ hiểu thêm về mình; và giúp xã hội có cái nhìn khách quan hơn về một thế hệ đóng vai trò tiếp sức cho nhiều sự thay đổi của đất nước trong tương lai.

Bài dự thi cuộc thi: "Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022

Thí sinh: Ngô Thị Hồng Lĩnh , lớp 6NB21

Bình luận