[REVIEW] CẢM ƠN NGƯỜI LỚN
----------------
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Thể loại: Truyện dài
NXB: Trẻ
Địa chỉ mượn sách tại thư viện: 895.9223 NGA
Phòng tài liệu Tiếng Việt
----------------
“Cuộc sống này thật mệt mỏi!” Đã khi nào, bạn phải thốt lên như vậy chưa? Cuộc đời của mỗi người đều là những thước phim, tất nhiên chúng không giống nhau, nhưng có lẽ đều có chung một cái kết, một cái kết vô thanh và có lẽ đó cũng là một cái kết mở. Mỗi ngày, khi bình minh kia ló dạng, người ta sẽ lại giống như một con robot được lập trình sẵn: thức giấc, làm việc và nghỉ ngơi để rồi quay lại làm việc trong những ngày kế tiếp. Ở mỗi một độ tuổi khác nhau, người ta lại có những nỗi vướng bận riêng. Người trẻ tuổi vừa đi làm vừa đi học, người trung niên đăm chiêu nghĩ suy chuyện sớm tối, người cao tuổi lại lo chuyện hậu sự, còn những đứa nhỏ chắc hẳn chỉ bận tâm xem ngày mai chơi gì … Không ai đoán được thế giới nhỏ xinh được tô vẽ lên trong trí tưởng tượng của những đứa trẻ có gì, nhưng có một điều mà ai cũng từng ước ao : họ muốn được một lần nữa làm trẻ con. Dường như thấu hiểu hết những tâm tư của bao thế hệ người đọc, Nguyễn Nhật Ánh đã viết cuốn sách “Cảm ơn người lớn” như một lời tâm tình thủ thỉ gửi tới những đứa trẻ khoác cái mác người lớn.
Câu chuyện xoay quanh cuộc sống thường ngày và những cuộc vui chơi của đám trẻ nhỏ: cu Mùi, cái Tủn, cái Tí Sún, nhóc Hải Cò,... Lũ trẻ ấy bày ra đủ trò, nào là lắp cánh để bay đến mặt trăng, nào là nhảy trên đầu tường sân thượng cho đến những trò sắm vai thành những ông vua, hoàng hậu. Từ những trò chơi tuổi thơ của nhiều đứa trẻ khác vẫn thường làm tới những trò tai quái mà ngay cả người lớn cũng phải dè chừng, chắc hẳn chẳng có thứ gì có thể làm khó được những cái đầu nhỏ ranh mãnh kia. “Trẻ con không sợ chết”, cu Mùi hay chính tác giả đã ngấm ngầm khẳng định như vậy đấy. Tại sao ư? Con người thường sợ những gì ngay trước mắt, họ sợ những thứ mà bản thân có liên quan. Còn trẻ em, những đôi mắt hồn nhiên và những đôi tay nhỏ bé ấy chưa từng thấy, cũng chưa từng cầm nắm nỗi đau. Những đứa trẻ rồi sẽ thành người lớn và người lớn cũng từng là trẻ con, vậy mà giữa người lớn và trẻ con vẫn có bao điều khác biệt. Trẻ con lắm lúc dám nghĩ dám làm, người lớn có khi lại e dè, ngập ngừng. Trẻ con vô lo vô nghĩ, người lớn nặng trĩu tâm tư. Bởi vậy, trong khi con người ta cứ đắn đo hoài về cuộc đời sau này, về bóng tối sâu thẳm từ cái chết, những đứa trẻ là những sinh mệnh kỳ lạ, chỉ để tâm tới những niềm vui trong thế giới diệu kỳ của riêng chúng chứ chẳng thèm đoái hoài đến thứ khái niệm xa vời, hư ảo kia.
“Cuộc đời của những đứa trẻ” hay thường được người ta gọi với hai chữ “tuổi thơ” có lẽ chính là quãng thời gian đẹp đẽ và thảnh thơi nhất của đời người. Tác phẩm đã đưa các độc giả quay lại khoảng thời gian đáng nhớ ấy, trải nghiệm những trò chơi thú vị, những tình huống dở khóc dở cười hay chiêm nghiệm điều quý giá từ những suy nghĩ non nớt của trẻ nhỏ. Chúng ta là những người ngoài cuộc đang xem những thước phim thời ấu thơ qua ống kính của những kẻ trưởng thành, hay chính chúng ta đã trở thành những nhân vật nhỏ kia và đang nhập vai theo lời dẫn dắt của một ông đạo diễn vô danh? Bên cạnh việc khai thác những nét đẹp thơ ngây, tác giả cũng phác họa chân thực những khía cạnh khác ở những đứa trẻ. Trẻ con là chúa tò mò, mà đã được gọi là “chúa” thì cái lòng hiếu kỳ của chúng phải lớn lắm. Từ việc tò mò về những con vật, cây cối, sự chuyển động của mọi vật xung quanh, chúng chuyển sang tò mò về tình yêu. Tình yêu là gì? Hàng ngàn hàng vạn câu hỏi cứ thế tuôn ra để thỏa mãn những tâm trí nho nhỏ để rồi buộc những ai là người lớn phải giải đáp đống thắc mắc vô ngần ấy. Khi chán hoặc đã thỏa mãn, chúng lại chuyển sang bắt chước người lớn. Trẻ con khi ấy muốn làm người lớn. Chúng đâu biết làm người lớn là một công việc cực nhọc và biết đâu khi trưởng thành rồi, chúng lại mong được trở về những năm tháng xưa kia?
Cũng như bao tác phẩm khác, “Cảm ơn người lớn” của Nguyễn Nhật Ánh được tạo lên bởi những câu văn dịu dàng, cuốn hút đến lạ kỳ tới độ biết bao người đã đồn rằng: ông gieo vào đó cái hồn văn chương đích thực, cái chất thơ nhẹ nhàng mà ngây ngất khiến bao tâm hồn chót liêu xiêu … Cho đến tận khi đóng cuốn sách lại, người đọc vẫn mải mê chìm đắm trong thế giới tuổi thơ, như những thủy thủ vô tình bị cuốn vào giọng ca của Siren mà chẳng thể thoát ra.
Trong cuộc sống, có những lúc ta phải chịu uất ức, khó khăn và cũng có nhiều khi áp lực vô hình đã giấu đi những giọt nước mắt và lặng lẽ đục thêm trong lòng ta bao vết thương lớn nhỏ. Có những lúc người ta lại ngẩn ngơ nghĩ về những điều không tồn tại. Họ ước mình có được lọ thuốc thần kỳ nọ, để có thể trở nên nhỏ bé và được dạo bước vào nơi Xứ sở thần tiên như nàng Alice xinh đẹp, hay có khi chỉ cần nghe được tiếng gõ nơi cửa sổ, nhìn ra ngoài kia, ta thấy chàng Peter Pan và những nàng tiên? Có lẽ họ sẽ đưa ta tới hòn đảo Neverland xa xôi, nơi vắng bóng những ưu sầu, bề bộn? Và cái khoảnh khắc ta cầm trên tay cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh đặc biệt gửi tới “những đứa trẻ chưa chịu lớn”, có lẽ phần nào trong ta đã cảm thấy yên bình rồi …
“Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em
Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”
_ Trích “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh
Người viết: Hortensia
From Hanu Book with [💖]