Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

Tác giả: Haruki Murakami

Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn

Công ty phát hành: Nhã Nam

Ngày xuất bản: 2018-01-03

Số trang: 231 trang Khổ cỡ: 13 x 20.5 cm

 1 vòng. 2 vòng. 2 vòng rưỡi. Tôi dần dần chạy chậm lại và cúi gập người xuống thở hổn hển. Khắp người tôi râm ran và mồ hôi thì túa ra như tắm. Khó khăn lắm mới lết được đến gần vòi nước, vốc từng vốc nước lên mặt, lên tóc, với lấy chai nước bên cạnh và tu ừng ực từng ngụm. Những bạn sinh viên khác chạy gần đó, hổn hà hổn hển, mắt lim dim, vai sụp xuống như thể đây là điều họ bị bắt phải làm. Một vài người khác thì trông cứ như tuần trước mới được bác sĩ chẩn đoán bệnh béo phì và khuyên họ nên bắt đầu chạy. Tầm mắt tôi hướng lên cao, để mặc cho tâm trí rong ruổi trên những tia nắng đang nhảy nhót trên tán cây, trong đầu tôi chợt nảy ra một suy nghĩ kỳ quặc, biết đâu cách nơi tôi đứng nửa vòng Trái Đất, cũng có một con người – một tác giả, một người chạy không chuyên, cũng đang trải qua những cảm giác khi vừa hoàn thành xong vòng chạy giống như tôi thì sao.

“Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” – trong tiệm sách nhỏ nằm nép mình trên con phố Đinh Lễ, khi lần đầu nhìn thấy tiêu đề cuốn sách này, tôi đã buột miệng thốt ra một câu: “Ủa, sao cái tên nghe quen quen”. Sau này tôi mới biết, tiêu đề này được tác giả lấy cảm hứng từ tập truyện ngắn nổi tiếng “What we talk about when we talk about love” - “Chúng ta nói gì khi nói về chuyện tình” của nhà văn Raymond Carver. Tác giả của cuốn sách là Haruki Murakami - tiểu thuyết gia, hiện tượng văn học Nhật Bản, người vẫn còn bị nợ một giải Nobel Văn học- chúng ta có thể gọi ông bằng bất cứ một danh xưng gì cũng được. Nếu bạn đã quen mặt với Murakami qua những áng văn ngột ngạt bức bối trong “Rừng Na Uy”, qua cái âm hưởng ma mị trong “Người tình Sputnik”,…. thì có lẽ bạn sẽ hơi ngỡ ngàng với một giọng văn tươi mới, giản dị khi bắt gặp cuốn hồi ký viết về chạy bộ này. Cuốn sách không có những câu chuyện hồi hộp, không có những nhân vật với tâm lý phức tạp, vậy mà ngòi bút của tác giả giống như một cái nắm tay, lôi tôi vào một đường chạy maraton và cứ thế tôi bị cuốn theo đường chạy ấy. Tôi như cảm nhận hết được luồng gió mát mơn man da thịt ở Hawaii, hít hà cái khí lạnh sảng khoái trên những cung đường chạy dọc sông Charles, hay tiếng sóng biển ì oạp vỗ bên tai ở Hokkaido. Tôi thích cái cách Marakami chia sẻ về những thành quả mà ông gặt hái được trong quá trình chạy bộ. Không phải vì những thành tích hay huy chương, cũng chẳng phải vì để so đo hơn thua với người khác, với Murakami, chạy bộ, từ ngày này qua ngày khác, tích cóp từng chút từng chút một là để nâng cao tầm mức của mình lên. Điều tuyệt vời nhất khi chạy bộ đó là liệu chúng ta có vượt qua giới hạn của bản thân, liệu bản thân có thể hoàn thiện hơn hôm qua hay không. Trong chạy cự ly dài thì đối thủ duy nhất mà ta cần đánh bại là chính ta. Thứ đáng quý nhất mà Murakami tìm ra trong khi chạy chính là những khoảnh khắc tĩnh tại và đơn độc, hay nói cách khác, chúng ta chạy là để đạt được sự rỗng không. Trong khi chạy, tâm trí ta khó có thể hoàn toàn trống rỗng. Tuy nhiên, đó chỉ là những suy nghĩ vụt thoáng qua, lẻn vào cái rỗng không ấy rồi nhanh chóng tan đi. Có lẽ vì lí do này, tôi luôn nhìn thấy trong văn chương của Murakami sự đơn độc rõ nét “ở đó mỗi người đều là một cá thể độc lập, có ý thức riêng biệt, và có thể thấu suốt được tận cùng tâm hồn của mình”. Những ý tưởng trong tiểu thuyết của ông có lẽ cũng từ đây mà ra đời. Trong lúc chạy, ta thường để mặc cho tâm trí trôi lơ lửng nhưng những đám mây như những vị khách trên bầu trời đi qua rồi biến mất. Và ta chỉ đơn giản đón nhận cái khoảng mênh mang ấy và say sưa thưởng ngoạn nó, chỉ vậy thôi. Với sự rỗng không này, việc chạy bộ gần như đã tiệm cận với sự thiền định, chỉ đơn giản là tập trung vào hơi thở, và vào từng bước chân chánh niệm. Những trang viết về chạy bộ đồng thời cũng là trang viết về cuộc đời làm nhà văn của Haruki Murakami. Là một người có xuất phát điểm muộn hơn so với nhiều cái tên khác trên văn đàn, nhưng điều mà Murakami quan tâm nhất khi viết đó là sự kiên trì và tập trung. Ông tin rằng đối với một tiểu thuyết gia, sự tập trung hiệu quả có thể bù lại cho tài năng thất thường hay thậm chí là sự thiếu vắng tài năng. Bởi ngay cả một tiểu thuyết gia đại tài và đầu óc đầy ắp những ý tưởng mới mẻ cũng có lúc khó mà đặt bút viết thêm một thứ gì nếu như họ không hoàn toàn tập trung. Và thật may mắn, kiên trì, hay sự tập trung là thứ mà ta có thẻ có được mà mài giũa qua rèn luyện. Đây chính là một kiểu rèn sức mạnh ý chí trong âm thầm mà người khác khó có thể thấy được nếu chỉ nhìn thực tế bề mặt của viết lách. Bởi lẽ có vô số nhà văn ngay từ khi còn rất trẻ đã được nhận xét là ngôi sao sáng trên bầu trời văn chương, nhưng đến một độ tuổi nhất định thì sự cạn kiệt bỗng nhiên ập đến. “Cạn nguồn văn chương” là cái cách mà Murakami nói về những nhà văn mà năng lực sáng tạo của họ đã cạn dần theo thời gian này. Quan niệm về văn chương của ông là một cái gì đó tự nhiên hơn, cố kết hơn, sức sống hơn và tích cực hơn. Viết lách là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì, và quan trọng nhất – vẫn là sự đều đặn. Tôi đang ở cái độ ngoài 20, cái tuổi mà khi được nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến nhiệt huyết và khát vọng. “…hướng tới lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước”, khi đọc những dòng này, người ta thường thích hướng tầm nhìn ra xa với thái độ ngạo nghễ, con mắt vĩ mô nhưng lại quên những vấn đề thiết thân và gần gũi ngay bên cạnh, mà tôi chỉ dám gói gọn trong câu nói đi mượn của các cụ ngày xưa: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Murakami bắt đầu chạy bộ ở tuổi 30, “ở cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fitzgerald bắt đầu xuống dốc. Cái tuổi ấy có thể là một kiểu giao lộ trong đời. Đó là cái tuổi khi tôi bắt đầu cuộc đời người chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia”. Chỉ với điểm xuất phát của mình, ông đã đánh một đòn tâm lý nặng nề vào những người trẻ - kể cả tôi – luôn đầy hoài bão nhưng luôn chần chừ và đầy lo âu. Tôi nhận ra không bao giờ là quá muộn để nâng cấp bản thân, không bao giờ là muộn để bắt đầu hành trình “tu thân” của mình. Tôi đã dành 3 ngày cuối tuần để thong thả đọc cuốn sách này, một cách chậm rãi, và hightlight lại những đoạn mình yêu thích. Cuốn sách đến với tôi vào cái ngày mà ai cũng chực chờ để gắt gỏng bởi cái hơi nóng hầm hập của miền Bắc, những trận lụt sau mưa ở đường phố Hà Nôi, cái ngày mà chỉ cần về đến nhà, cơ thể chỉ muốn thả tự do xuống giường, thỉnh thoảng có những cơn khó thở nhẹ do hội chứng hậu Covid để lại. Tôi nhận ra rằng, trước khi nghĩ đến bất cứ chuyện lớn lao nào khác, tôi cần tôi phải làm cho bản thân mạnh mẽ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Cuốn sách mỏng hơn 200 trang chỉ đơn giản là đã đánh thức niềm cảm hứng chạy bộ trong tôi. Không quan tâm thành thích hay hơn thiệt, tôi chỉ đơn giản là chạy, và cố gắng duy trì sự đều đặn. Sau mỗi lần thả lỏng bản thân với cái đầu trống không trên đường chạy, tôi dường như được chậm lại để nhìn vào tận sâu bên trong, hiểu ra sự quan trọng của việc có mục đích sống. Đừng mong ngày mai thức dậy ta sẽ làm được gì đó thật lớn lao, chỉ cần thấy mình còn sống trong đời, mãnh liệt và trọn vẹn là đủ. Và để kết lại bài viết này, tôi xin trích ra đoạn văn mà tôi tâm đắc nhất của cuốn sách, và đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong hành trình tự phát triển bản thân của mình: “Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống qua những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn thay vì bối rối hoang mang, và tôi tin rằng chạy bộ giúp ta làm được điều đó. Cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ, và là một ẩn dụ cho cuộc sống-cho tôi”. 

 

Bài dự thi cuộc thi: "Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022"  - Đạt giải bài dự thi có tranh vẽ khuyến đọc ấn tượng nhất vòng sơ khảo Hanu và Giải C vòng chung khảo Vụ thư viện.

Người review: Hoàng Thị Thanh Hà , Lớp 4T-20

 

Bình luận