Nếu chỉ còn một ngày để sống

 Tên sách: Nếu chỉ còn một ngày để sống

● Thể loại: Tiểu thuyết

● Tác giả: Nicola Yoon

● Năm xuất bản: Năm 2017

● Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn học

● Kích thước: 14.5 x 20.5 cm

Cuộc đời mỗi người tựa như một bộ phim điện ảnh. Trong bộ phim ấy, chúng ta vừa là đạo diễn, vừa kiêm luôn diễn viên chính. Con người là những cá thể riêng biệt, không ai giống ai, và bởi sinh mệnh vốn không trùng lặp, nên trong mỗi bộ phim đều có những diễn biến hoàn toàn khác nhau. Có những người luôn cháy hết mình, tận hưởng món quà mà sự sống ban tặng, nhưng cũng có những người sống cuộc đời ngắn ngủi, vô vị. Đã bao giờ, vào những thời khắc sắp kết thúc của một ngày, khi nằm trên chiếc giường ấm áp quen thuộc, bạn suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong quá khứ và nghĩ đến ngày mai khi chúng ta thức giấc hay chưa? Tôi đã từng, từng đặt rất nhiều câu hỏi về tương lai của mình. Và cho đến khi đọc được cuốn sách: “ Nếu chỉ còn một ngày để sống” - Tác giả Nicola Yoon, tôi như thay đổi góc nhìn về cuộc sống, cũng như cách sống của chính mình.

“ Nếu chỉ còn một ngày để sống” - tự đề gốc “Everything, everything” là cuốn tiểu thuyết được chắp bút bởi nữ nhà văn người Mỹ Nicola Yoon. Kể từ khi ra mắt, tác phẩm này đã tạo được tiếng vang lớn và leo lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất được bình chọn bởi tờ báo New York Times và được chuyển thể thành phim vào mùa hè năm 2017.

Nội dung chính của tác phẩm xoay quanh câu chuyện của một cô gái trẻ tên Madeline (Maddy). Madeline mang trong mình một chứng bệnh hiếm gặp trên thế giới: Hội chứng SCID. Đó là một dạng thiếu hụt tổ hợp miễn dịch trầm trọng thường được biết đến với tên gọi: “Hội chứng em bé bong bóng”. Căn bệnh này khiến cơ thể của Madeline trở nên yếu ớt, cô dị ứng với mọi thứ trên thế giới, từ nước lau kính cho đến nước hoa, đồ vật nếu chạm phải. Để tồn tại, Madeline phải sống trong ngôi nhà được trang bị kín đáo với nhiều thiết bị máy móc khử trùng, với sự chăm sóc của cô y tá và người mẹ là bác sĩ. Trong suốt 17 năm cuộc đời, cô chưa từng bước chân ra khỏi nhà, cũng như không hề hay biết điều gì về thế giới ngoài kia. Cô tự nhận rằng, mình là người đọc cực kỳ nhiều sách, bởi cô có thời gian rảnh hơn bất cứ ai. Đối với Madeline, sách không những là người bạn tâm tình, mà còn là phương tiện duy nhất kết nối cô với thế giới, giúp cô phần nào hiểu được về cuộc sống bên ngoài cánh cửa sổ ngôi nhà luôn được đóng kín kia.

Những tưởng cuộc sống của Maddy sẽ chỉ lặp đi lặp lại như vòng tròn vô vị thì vào một buổi chiều, một gia đình 4 người chuyển đến sinh sống ở gần nhà cô. Quan sát gia đình họ, cô ấn tượng với cậu con trai cả của gia đình đó: "“ Rồi tôi thấy cậu ta. Cậu ta cao, gầy, đen sì từ đầu đến chân: áo phông đen, quần jeans đen, giày thể thao đen, đầu sùm sụp chiếc mũ lưỡi trai đen ôm trọn mái tóc. Da cậu trắng, hơi rám màu mật ong, khuôn mặt góc cạnh. Cậu ta nhảy phóc từ thùng xe xuống, chân lướt thoăn thoắt trên đường như thể trọng lực tác động lên cậu ta theo một cách hoàn toàn khác với những người còn lại” Cậu trai đó tên Olly. Bố của cậu là một người thất nghiệp, thường xuyên rượu chè. Cậu sống trong một gia đình không mấy yên ổn, thường xuyên có tiếng chửi bới, cãi vã.

Maddy đã bị thu hút bởi Olly ngay từ cái nhìn đầu tiên qua khung cửa sổ. Họ quen biết và trò chuyện với nhau qua email. Vốn là một người có ít bạn, việc quen biết với cậu bạn hàng xóm bằng tuổi khiến cuộc sống của Maddy dần trở nên thú vị hơn. Và rồi, Maddy có một quyết định đầy táo bạo - năn nỉ cô y tá cho mình được gặp Olly. Tất nhiên, yêu cầu của cô không được chấp thuận, bởi việc gặp người lạ quá nguy hiểm, bất trắc có thể xảy ra và căn bệnh của cô có thể tái phát. Nhưng trước sự khẩn thiết trong ánh mắt của Maddy, cuối cùng cũng thuyết phục được cô y tá. Đôi trẻ được gặp nhau và điều này hoàn toàn được giữ kín bí mật với mẹ. Lần gặp mặt trực tiếp ấy là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô. Họ trò chuyện, kể cho người kia cuộc sống của đối phương. Maddy nhận ra rằng, cô đã bỏ lỡ rất nhiều điều trong cuộc sống. Suốt 18 năm vừa qua cô dường như chỉ tồn tại, tồn tại trong chính ngôi nhà bong bóng, với những thiết bị khử trùng, với máy đo nhịp tim. Cô chưa từng được đến trường, chưa từng đi công viên giải trí, cũng không kết bạn, giao lưu với mọi người. Cảm giác tiếc nuối dần dâng trào, chưa bao giờ cô khát khao được bước ra ngoài cánh cửa đến như vậy. 

Giữa Maddy và Olly đã dần nảy nở tình yêu, họ trở nên thân thiết và gắn bó. Những thay đổi của Maddy khó có thể qua mắt mẹ cô. Bà nhận ra con gái mình và cậu trai hàng xóm có gì đó bất ổn. Một lần nữa lấy lý do sức khỏe của cô mà tỏ rõ thái độ muốn cô ngừng giao lưu với Olly. Nhưng khao khát được sống như những cô gái ngoài kia của Maddy lớn hơn thế. Maddy đã trốn mẹ để đi tới Hawaii cùng Olly. Cô đã thành công bước ra khỏi ngôi nhà sau 18 năm cuộc đời và có có một chuyến đi đáng nhớ. Cũng tại Hawaii, nơi cô phát hiện ra một bí mật được giấu kín liên quan đến căn bệnh của cô. Đó không phải là hội chứng SCID. Mọi câu chuyện liên quan đến căn bệnh đều là do một tay mẹ cô tạo ra. Cô bàng hoàng khi biết được sự thật này, cũng như lý do tại sao mẹ cô lại nói dối suốt bao nhiêu năm. Khi bức màn sự thật được vén lên, trong cô xen lẫn bao cảm xúc từ khó tin, đến buồn bã và niềm vui le lói sau khi biết được bản thân không hề mắc căn bệnh lạ. Kết thúc cuốn sách, Maddy quay trở lại làm một cô gái bình thường, tận hưởng cuộc sống và có một tình yêu đẹp bên Olly.

Có thể nói thành công của Nicola Yoon ở chỗ, bà đã xây dựng cảm xúc, chuỗi diễn biến tâm trạng của nhân vật chính Madeline một cách chân thực gần gũi. Lồng ghép trong đó là những quan điểm đầy tích cực về cuộc sống: "“Bạn hãy sống như ngày mai phải chết, yêu như ngày mai phải cách xa, thực hiện ước mơ của bạn như thể nó là cơ hội cuối cùng trong cuộc đời bạn. Và cuối cùng, sống thanh thản, tự do, tự tại. Cuộc đời có bao nhiêu đâu mà bon chen, ganh đua, nghi kỵ lẫn nhau. Hãy dành những thời khắc ấy cho tình yêu, cho những điều tốt đẹp” Quả là như vậy, sự sống là một món quà quý giá mà thượng đế ban cho loài người. Chúng ta được sinh ra, được dưỡng dục và trở thành một phần của xã hội. Cuộc sống vốn ngắn ngủi, chúng ta không thể đoán trước được ngày ta sẽ rời đi bởi tương lai vốn là một điều khó nói. Có thể ngày mai là ngày cuối cùng ta còn lại trên cõi đời. Vì vậy mà mà hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Hãy học tập chăm chỉ, lao động hết mình. Ở bên cạnh những người bạn yêu thương, gắn bó, cùng nhau lưu giữ thật nhiều kỉ niệm đẹp. Đừng chỉ vì những chuyện buồn bã, cãi vã hoặc tranh chấp mà để cảm xúc tiêu cực lấn át, làm chủ chính bạn. “Cuộc sống là một món quà. Đừng quên tận hưởng nó”. Cuộc sống mỗi người là do bản thân họ quyết định, vậy nên, tại sao chúng ta không thể vui vẻ mà đón nhận nó như một món quà? 

Tôi còn nhớ, thời điểm đọc: “ Nếu chỉ còn một ngày để sống” là khi tôi đang trải qua một tình huống khá giống với Madeline. Khoảng thời gian ấy do đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, mọi người đều phải ở nhà, hạn chế đi ra ngoài và tránh tiếp xúc với nhau. Mọi hoạt động học tập đến công việc đều chuyển qua online. Cả một tháng tôi đều không bước chân ra khỏi cánh cửa nhà, bức bối và ngột ngạt. Nhiều khi những suy nghĩ không mấy lạc quan đến với tôi, tôi luôn thầm cầu mong dịch bệnh mau qua đi để trở lại như bình thường, được đến trường, được đi chơi và được gặp bạn bè. Có những lúc như thế, tôi mới thấy trân trọng cuộc sống trước đây khi chưa có dịch bệnh. Trong suốt thời gian nghiền ngẫm cuốn sách, tôi nhận thấy bản thân mình chưa đủ nhiệt huyết, có những việc tôi vốn dĩ nên làm hết mình nhưng lại hời hợt, chưa làm hết khả năng. Tôi quyết tâm phải đẩy cao tinh thần và hoàn thành hết những dự định đang tạm gác lại. Rất may,sau nhiều tháng nghỉ dịch, nhờ có vắc-xin, cũng như những chính sách của Đảng và nhà nước, người dân chuyển sang trạng thái “Bình Thường Mới”. Mọi người được ra ngoài, đi làm, sinh hoạt nhưng dưới sự chấp hành nghiêm ngặt các quy định về phòng dịch. Sau khi quay trở lại trường học vào tháng 4, tôi cũng nhanh chóng hòa nhập cũng như hoàn thành các công việc của chính mình. Tôi vừa học trên lớp, vừa tham gia tổ chức các sự kiện của CLB, gặp gỡ thêm những người bạn mới, đi giao lưu hội sách, đi quẩy hết mình trong những đêm nhạc hội. Một điều đáng nhớ nhất, vào tháng 5, khi Sea Games 31 do Việt Nam đăng cai làm nước chủ nhà, tôi rất vinh dự khi được trở thành một trong những bạn trẻ đại diện cho trường Đại Học Hà Nội tham gia công tác Tình Nguyện Viên. Trong suốt hơn hai tháng quay trở lại cuộc sống bình thường, tuy vất vả nhưng tôi không hề cảm thấy mỏi mệt hay chán nản, cuộc sống bận rộn đôi khi lại mang cho tôi niềm vui. Tôi biết rằng, mình đang trong những ngày tháng tuyệt vời nhất của tuổi trẻ, thay vì nằm nhà và lười biếng, tôi nên đi ra ngoài, trải đời và làm việc, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng sống. Thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại. Vì vậy, tại sao chúng ta lại không sống hết mình cho hiện tại để khi nhìn lại chúng ta không hề thấy hối hận về quãng thời gian đã qua?

Một tác phẩm hay là tác phẩm chứa đựng trong nó những giá trị đi cùng năm tháng. “Nếu chỉ còn một ngày để sống” mang một nguồn năng lượng tích cực đến các độc giả, nhất là người trẻ. Thầm cảm ơn Nicola Yoon đã mang đến một món quà tuyệt vời. Mong rằng đứa con đẻ đầu tay của bà sẽ đến với thật nhiều người yêu sách trên toàn thế giới, cũng như nhận được sự đón nhận nhiệt tình và thành công hơn nữa. 

Bài dự thi cuộc thi: "Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022"

Thí sinh: Điêu Thị Thanh Nga from HBC

 

Bình luận