Quân khu Nam Đồng

● Tên tác phẩm: Quân khu Nam Đồng

● Tác giả: Bình Ca

● Công ty phát hành: NXB Trẻ

● Xuất bản lần đầu: 23/04/2015

● Thể loại: Văn chương Việt

● Kích thước: 13 x 20 cm

● Số trang: 440 

Tôi không phải là người Hà Thành. Cái cảm giác đọc “Quân khu Nam Đồng” dưới tư cách một dân tỉnh lẻ nó lạ lắm. Bình Ca khiến tôi gần như ảo tưởng mình đang được sinh ra một lần nữa, là người con của đất Thăng Long, mở mắt ra là chạm vào sự di tán và màu áo xanh thuê cờ đỏ sao vàng. Tôi thấy rồi, thấy Việt, thấy Hà Tư, thấy Khanh, ... thấy cả những cậu trai quân khu khác, mình áo bộ đội, chân đi dép đúc, đầu đội mũ cối … nhịp đếm 1,2, bụi mù từ bước chân thổi ngược về hiện tại. Tôi nhìn mấy cậu trai đó lớn lên, từ những tiết văn Khanh bịa bài vanh vách đến những trò bẻ chân gà ở quân khu, tôi nhìn từ những trận đánh có lưỡi lê, có máu chảy, đến những lá thư tình sướt mướt và vài nơi hò hẹn, tôi nhìn cả khi mấy cậu khi đứng trước gầm cửa của sự trưởng thành, mỗi người một ngả, nhưng luôn mang màu áo quân khu.

Tôi chưa từng đến “quân khu Nam Đồng” lại như vừa sống thật lâu rồi chuyển đi nơi khác. Đám trẻ con nhà lính liều lĩnh mà ngoan cố, nhưng tôi lại tìm thấy cả những oai hùng và chút ngượng nghịu. Chúng yêu nước và chọn cống hiến cho cách mạng lại càng quyết không cho ai vấy bẩn cái danh và 2 chữ “quân khu”. Nhiều người khi hoàn thành cuốn sách sẽ nhớ đến Việt, cậu chàng táo bạo và bất chấp, nhiều người khác có thể nhớ đến Khanh, cậu bạn mồm mép tép nhảy, hay nhiều độc giả sẽ lưu luyến Giang Cận, cậu trai được Bình Ca tả là sự “thụt lùi” từ anh cán bộ lớp xuống đầm mình vào lũ trai nghịch ngợm, tôi thì khác, tôi nhớ Quang Anh, ra tù muộn, khi anh em cùng khu đã mỗi người một ngả, tôi dường như thấy được lòng của thế hệ trẻ trong Quang Anh, cái sự mê mang, chán đời, nhận ra sự chậm trễ của bản thân với thời đại. Nghĩ lại cảnh Quang Anh phải lăn lộn nơi ngục, nơi tù, lòng tôi lại hơi nhói, có lẽ cậu ấy đã từng vào đường cùng, nhưng sau tất cả, tôi được dịp thở phào khi tác giả đồng ý biên cho cậu một cái kết mở. Một điều không thể nào quên được về cuốn sách – những mối tình. Sự đua đòi có bạn gái của những cậu trai mới lớn đến những phút vội vàng ngỏ lòng khi mai này ra nhập vào quân ngũ – đọc mà nao cả lòng. Hầu như không có cặp nào được nên duyên đến cùng đời, chỉ có lá thư bỏ ngỏ nhờ người chuyển hộ và những bặt vô âm tín. Tôi nhớ nhất là Anh Sơn và Lệ Dung, câu chuyện kéo dài đến tận thời bình nhưng trên đoạn đường đó không đếm nổi lần lỡ dở. Lá thư thất lạc, ai ngờ lại lạc cả một đoạn tình.

“Anh yêu em

Như măng yêu đá

Như lá yêu cây

Như Tây yêu Đầm

Anh yêu em

Chầm chậm … mênh mông…

Dải tình ta dài tới ba, bốn mét”

Gập sách rồi, Bình Ca, người là ai khi đang trốn trong đám trẻ ấy?

Bài dự thi cuộc thi: "Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022"
Thí sinh: Nguyễn Thị Ngọc Diệp 3Q-21

Bình luận