TIÊU SƠN TRÁNG SĨ

TIÊU SƠN TRÁNG SĨ

Tác giả: Khái Hưng

Thể loại: Tiểu thuyết Văn học Việt Nam

NXB: Hội Nhà Văn

Ký hiệu xếp giá: 895.9223 KHH

Kho tài liệu Tiếng Việt

Thư viện Trường Đại học Hà Nội

--------------------------------------------------------

Trên Phong Hóa số 129 ra ngày 21 tháng 12 năm 1934, Khái Hưng, bấy giờ vừa xấp xỉ tứ tuần, bắt đầu cho đăng Tiêu Sơn tráng sĩ, một tiểu thuyết dài kỳ bậc nhất trong sự nghiệp văn chương dằng dặc của ông, và phải đến hơn một năm sau, ngày 24 tháng 4 năm 1936, mới kết thúc, cũng trên tờ báo danh tiếng ấy, số 184. Khác với nhiều tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn lấy bối cảnh xã hội giao thời đầu thế kỷ XX làm chính, lấy những thanh niên trẻ trung, tích cực đả phá hủ tục lạc hậu làm nhân vật trung tâm, Tiêu Sơn tráng sĩ lại mang chất hồi cố, lùi về quá khứ hơn một trăm năm trước, thời Tây Sơn đánh bật nhà Lê, để bày biện một câu chuyện đậm màu sắc lịch sử. Tiêu Sơn tráng sĩ, vì thế, đã tỏ ra khác thường ngay từ lựa chọn chủ đề, và càng lúc, nó càng kéo theo những góc nhìn khác biệt của Khái Hưng về những thân danh đã nổi lên, cuốn theo cùng cơn gió bụi thời cuộc.

Nguyên mẫu nhân vật chính của Tiêu Sơn tráng sĩ là Phạm Thái (1777-1813). Dù quãng thời gian tại thế ngắn ngủi, dù vấp phải nhiều sóng gió có khi được hậu thế hình dung như những bỉ kịch, nhưng cuộc đời, hành trạng văn chương của Phạm Thái là một mẫu hình quá hấp dẫn và luôn gây ngạc nhiên cho đến hôm nay. Từ thuở đôi mươi, Phạm Thái đã nối chí cha chống lại Tây Sơn, kết giao với những người đồng chí hướng, khi bị truy nã thì cắt tóc, giả làm nhà sư vào tu ở chùa Tiêu Sơn (cổ tự nổi tiếng thuộc trấn Kinh Bắc xưa), đặt đạo hiệu là Phổ Chiếu thiền sư. Nay đây mai đó trong những khoảng cách địa lý xa xôi, khi lên Lạng Sơn, khi quay về Kinh Bắc, lúc xuống trấn Sơn Nam Hạ (Thái Bình), dấu chân chàng tuổi trẻ hiện hình những chông gai của lớp người mong muốn phục dựng nhà Lê, đồng thời, cũng thể hiện tư chất nghệ sĩ thích thú tiêu dao sơn thủy, muốn đo trời đất giang sơn bằng tráng chí bốn phương của mình. Chưa hết, Phạm Thái, dù khi đại nghiệp chưa thành, đã sinh lụy tình giai nhân Trương Quỳnh Như, để rồi trổ hết tài hoa trong tuyệt bút Sơ kính tân trang, hẳn cũng khiến thanh niên tân thời đang say mê những Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934), Đoạn tuyệt (1935) có phần đồng cảm. Rượu, thơ, người đẹp, bôn tẩu giang hồ và từ bỏ trần gian nơi đất khách quê người, chừng ấy chất liệu tiểu sử trên nền thời cuộc đảo điên sơn hà, một thời cuộc chỉ chớp mắt là biến thiên dâu bể, hẳn đủ để Phạm Thái khía vào ngòi bút Khái Hưng những tưởng tượng và cảm hứng lớn, vừa chân thực vừa thêu dệt, trong tinh thần nhìn lại không chỉ Phạm Thái mà còn cả thế hệ trí thức cuối Lê đầu Nguyễn.

Phạm Thái trong mắt Khái Hưng là kiểu nhân vật ẩn chứa mâu thuẫn. Trong khi hết mình, dốc sức vì anh em đồng chí của đảng Tiêu Sơn để mưu cắu việc lớn thì Phạm Thái cũng tự nhận mình yêu mến chốn cửa Phật và sẵn tâm chân tu cho đúng dáng vẻ thiền sư. Trong khi không từ nan bất cứ việc gì để phò tá vương triều Lê đã hưu tàn, cũng không ngần ngại ra tay hành xử như giặc cỏ với kẻ bất trung thì Phạm Thái cũng muốn thả lỏng tâm tư trước cảnh trí thiên nhiên, trước rượu ngon và vui thú thi văn. Phạm Thái trong vai tráng sĩ thì “chỉ biết một việc là hành động, hành động cho tới giờ cuối cùng", khinh thường bậc ẩn sĩ ích kỷ, ham sống nhưng trong vai thi nhân tiếu ngạo giang hồ thì "không một ngọn núi đá nào ở hai bên vệ sông mà chàng không trèo, không một cái động nào mà chàng không vào xem. Khi hứng chí chàng đề thơ ngâm vinh, khi gặp tri kỷ chàng lưu ở lại chơi dăm ba ngày". Có lẽ, Khái Hưng không chủ đích tạo ra hay tìm cách giải thích cho sự mâu thuẫn đó mà ngược lại, ông muốn nhân vật Phạm Thái hấp dẫn trong hình ảnh của kẻ làm chủ, kẻ tham dự, tạo lập cuộc chơi, số phận đa chiều kích của mình. Phàm đã là cuộc chơi, kết cục đúng sai, thành bại không quyết định mà các cảm giác, trải nghiệm thấm thìa mới là đích đến quan trọng, vẻ lấp lánh, huyền ảo của con người cá nhân phiêu lưu nơi Phạm Thái, rõ ràng, phù hợp và thỏa mãn ít nhiều với tâm thế của độc giả văn chương hiện đại hơn là trùng khít với độ chân xác lịch sử. Do vậy, Khái Hưng muốn tái dựng Phạm Thái theo chiều hướng "đa ngã" để bày tỏ thiện cảm, lòng yêu mến những thân danh lãng mạn, tài hoa lạc thời thay vì quỏ trách, thất vọng trước người ôm mộng lớn mà chung cục bất thành. Rút cuộc thì Khái Hưng, cũng như độc giả bấy giờ, hoàn toàn thể tất cho một Phạm Thái bỉ quan, yếm thế trong quá khứ, và ủng hộ một Phạm Thái tiểu thuyết mạnh mẽ tuyên ngôn rằng "chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu; chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy hai con mắt mỹ nhân". Đúc kết tựa như chiêm nghiệm lịch sử này cho phép Khái Hưng chia sẻ với văn chương lãng mạn đương thời về mức độ bay bổng, về cái đẹp và giá trị của mỗi cuộc dấn thân, bất kể nó trọn vẹn, hoàn hảo hay dở dang, khiếm khuyết. Hơn nữa, đặt trong bối cảnh xã hội và thế hệ của Khái Hưng, sau cơn địa chấn khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành, Phạm Thái của Tiêu Sơn tráng sĩ hẳn có thể xem là bóng hình tráng chí "không thành công, thôi thì thành nhân" mà trai nước Nam bấy giờ chưa nguôi cảm phục, còn nhiệt huyết nhưng tổ chức lỏng lẻo của đảng Tiêu Sơn hẳn là một phóng chiếu đến những trí thức trẻ đỉ làm cách mạng, xem thường hiểm nguy, sẵn sàng tuẫn tiết vì tổ quốc mà thế hệ Khái Hưng, nhóm Tự Lực vãn đoàn từng tỏ lòng cảm kích. Tuy nhiên, để Phạm Thái dừng lại khi những đồng chí của mình còn nguyên quyết tâm bạo động, phải chăng Khái Hưng ngầm ý về con đường văn chương, báo chí mình (và Tự Lực văn đoàn) đang đi, tuy phi vũ trang, nhưng đúng người, đúng việc? Chỉ riêng ái tình, Khái Hưng nhấn mạnh, "ái tình sẽ chiếm lấy cả tâm hồn ta, không nhường cho việc lớn ta đang theo đuổi một chỗ cỏn con", rất đúng giọng tự răn yẫn chưa pha phôi trong gốc gác cử nhân Hán học Trần Khánh Giư!

Nhưng vấn đề của Tiêu Sơn tráng sĩ không chỉ là Phạm Thái mà còn là Tây Sơn. Khi Khái Hưng tìm về Phạm Thái và cuộc bạo động của đảng phái Tiêu Sơn, trước hay sau, ông cũng phải thể hiện thái độ đối kháng của những tôi trung nhà Lê trước triều Tây Sơn vừa dựng. Xuyên suốt tác phẩm, Khái Hưng đã giữ nguyên giọng điệu, ngôn từ đầy phẫn hận của nhân vật khi nhắc đến Tây Sơn: "ngu độn, bạo ngược, chẳng hiểu lẽ mệnh trời"; "lũ thoán nghịch, bọn giặc dị chủng"; “chẳng nghĩ tới nghĩa vua tôi",... Cách chêm xen bình phẩm về Tây Sơn của Khái Hưng, xét cho cùng, như một nối dài những phán xét của nhà Nguyễn về "ngụy triều" và so với thực tế nhận thức đầu thế kỷ XX, chúng chưa bị coi là trái chiều. Không phải Khái Hưng hạ thấp, bài xích Tây Sơn mà bởi văn chương hoài Lê cất giấu nỗi niềm "nhớ nước đau lòng" khó bộc bạch hết. Không phải Khái Hưng xem thường những kẻ xu nịnh, cơ hội vuốt ve triều mói mà bởi Lịch sử đã từng ghi lại tình trạng ba phe bảy mối trong lúc giang sơn vừa đổi chủ. Như thế, vói tư cách tiểu thuyết gia, Khái Hưng nhận thấy tâm thế hoài Lê, mối thâm thù Tây Sơn đã làm thế hệ trí thức cuối XVIII đầu XIX phải loay hoay, lúng túng, thậm chí, rất đau đớn trong sự lựa chọn dứt khoát của mình. Bất tuân, chống lại Tây Sơn đồng nghĩa với hành động "cứu quốc" nên Phạm Thái, đảng Tiêu Sơn và rất nhiều trai tài gái giỏi đã nhất tề đứng dậy, bỏ bút nghiên theo việc đao cung. Nhưng họ, dưới góc nhìn của Khái Hưng, cũng không khác các anh hùng thời Tam Quốc mưu phục nhà Hán, chỉ có lòng nghĩa hiệp, ý chí mà thiếu thủ lĩnh, nhân tài, vật lực cần thiết. Tây Sơn đã là một thực tế, một phép thử quá khắc nghiệt với những tâm hồn giàu cảm xúc nuối tiếc vương triều cũ. "Vận mệnh nhà Lê ta đã hết", lời trăng trối mà Khái Hưng gán cho Lê Chiêu Thống, là đáp trả chua xót cho giấc mộng phục hưng. Dĩ nhiên, đặt trong điều kiện bất khả thay đổi ấy, Phạm Thái đã có một chiến thắng lớn của quan điểm sống mà Khái Hưng rất tích cực mô tả: sống tận cùng vói từng khoảnh khắc hiện tại, ở đây và ngay lúc này, còn cái chết hay được thua trên đòi đều vô nghĩa. Đó là cảm thức sống đặc trưng của con người hiểu thấu lẽ thịnh suy, biến dịch. Tây Sơn thuộc về lịch sử, Phạm Thái thuộc về văn chương. Và cả hai đều tồn tại trong thế soi chiếu vào nhau bất chấp định kiến và nhầm lẫn.

So với nhiều truyện ký danh nhân hoặc "nhân vật chí" trưóc đó và cùng thời thì Tiêu Sơn tráng sĩ là một bước tiến lớn trong nghệ thuật hư cấu hóa nhân vật lịch sử. Phạm Thái của Khái Hưng đã dần vượt thoát khuôn thức nệ sử, nệ thực từng chi phối văn đàn. Dày đặc đối thoại, nhấn nhá miêu tả thiên nhiên, bồi đắp khung cảnh sinh hoạt và phong tục đòi sống thường ngày, tất cả, làm cho câu chuyện thêm lớp lang, sinh động, ở đó, ý thức phô diễn kiến văn, đối thoại văn chưong của Khái Hưng với tiền nhân cũng được bộc lộ, điềm tĩnh mà chí lý. Một lối viết khéo nỗ lực hoàn thiện thể loại tiểu thuyết như vậy rất xứng đáng đọc lại để chúng ta nhận rõ hơn tính chất đa dạng, đa nguồn của văn chuông Việt Nam trước 1945.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bình luận