BẮT TRẺ ĐỒNG XANH

BẮT TRẺ ĐỒNG XANH
_____
Tác giả: J. D. Salinger
NXB: Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn
Phát hành: Nhã Nam
Thể loại: Văn học Mỹ
_____
Jerome David "J.D." Salinger là nhà văn nổi tiếng người Mỹ chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông sinh ra và lớn lên tại New York, bối cảnh chính cho tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất của ông - “Bắt trẻ đồng xanh”. Ra đời năm 1951, “Bắt trẻ đồng xanh” là cuốn tiểu thuyết đầu tay cũng như là nổi tiếng nhất của ông.
“Bắt trẻ đồng xanh” được kể dưới góc nhìn của Holden Caulfield, một học sinh trung học cá biệt, nổi loạn và bất cần. Cậu bị đuổi học vì những hành động bất cần và thành tích học tập bết bát. Và thay vì trở về nhà, cậu dành ra những ngày cuối cùng của mình tại trường để quẩn quanh, lượn lờ khắp New York. Qua hành trình ngắn của mình, Holden đa vạch trần sự nông cạn, giả tạo của những con người giàu có đằng sau vẻ nhộn nhịp, hào nhoáng của phố phường . Đồng thời, người đọc cũng biết thêm về những lí do, nguyên nhân và đồng cảm cho sự bất cần, ngông nghênh và láo lếu, thù địch của Holden.
Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã gây ra tranh cãi dữ dội vì chủ đề nhạy cảm và cách thể hiện táo bạo, trần trụi đến mức nó từng bị yêu cầu loại bỏ khỏi trường học. Chạm đến những góc khuất, những mặt đen tối của tuổi trưởng thành trong xã hội thời bấy giờ qua một lăng kính bi quan, chán chường và đầy tiêu cực, nhưng những gì mà Salinger gửi gắm vào đó vẫn phản ánh không chỉ đúng những vấn đề diễn ra cách đây 80 năm mà còn cả thời đại hiện nay. Bản thân nhân vật Holden Caulfield trong tác phẩm cũng đã trở thành một hình tượng nổi loạn, được bao độc giả, đặc biệt là những người đọc đang tầm tuổi trưởng thành với những tính cách, lối suy nghĩ tương đồng. Holden chính là đại diện cho một tuổi trẻ khó khăn giông bão, đầy những trắc trở của quá trình trưởng thành nhưng cũng đầy đáng nhớ.
Ấn tượng đầu tiên của mình, dù mới chỉ đọc đến hết chương đầu tiên thôi, là phong cách thể hiện đầy táo bạo. Như Holden nói “ Tôi chỉ kể cho bạn cái chuyện điên khùng đã xảy đến với tôi vào khoảng cuối lễ Giáng sinh năm ngoái”. Như thể Holden chỉ ngồi xuống và tự sự toàn bộ những gì cậu nhớ ra vào khoảng thời gian đó, cứ thế mà viết ra, không lược bỏ, không cân nhắc, cứ thế tuôn ra cái gì mà cậu nhớ, cậu cảm thấy. Cũng vì thế mà ngôn từ của tác phẩm là không có giới hạn. Chửi thề, nói tục, những suy nghĩ bậy bạ, cứ thế xuất hiện và với mật độ không hề thuyên giảm. Chỉ với vài trang sách, ngay chương đầu tiên, đã cho người đọc biết về cách thể hiện của toàn bộ tác phẩm, không giấu diếm, không tô vẽ, trần trụi và cay độc từ những câu cú, từ ngữ.
Câu chuyện của tác phẩm rất đơn giản, mà cũng có thể coi là không có cũng được vì ta đơn giản chỉ là theo chân Holden đi khắp chỗ này chỗ kia, với không mục đích cụ thể, chỉ vì cậu thích thế. Nhưng người đọc không thể ngừng theo dõi vì họ cứ muốn biết thêm nhiều hơn về thế giới quan, về quan điểm của Holden về những điều cậu đã và sẽ trải qua, cùng với cách ăn nói, cách sử dụng câu từ đầy thô tục, “chợ búa” và cả sự mỉa mai của cậu. Sự hài hước của cuốn sách cũng có thể khiến ta không thể không cười thành tiếng, như khi Holden rủ rê cô bồ Sally đi trượt băng và làm “trò hề” cho những người xung quanh.
Đọc Bắt trẻ đồng xanh chẳng khác gì ngồi nghe Holden ngồi nói nhảm hàng giờ. Nhưng đối với bản thân mình, điều mà mình cảm thấy hạnh phúc và trân quý nhất ở bạn bè chính là những giây phút ngồi trò chuyện, hàn huyên đủ thứ trên đời. những cuộc nói chuyện không đầu đuôi, không mục đích đôi khi lại là thứ gắn kết tình bạn mạnh mẽ nhất. Qua những câu chuyện đó, ta có thể hiểu nhiều hơn về bạn của mình, biết nhiều hơn về cuộc sống của họ. Và qua lời kể của Holden, ta có thể thấy cậu tức giận, cô đơn, lạc lõng đến thế nào trong một xã hội trọng vật chất chỉ toàn những thứ phù phiếm, mục ruỗng, bị che lấp bởi sự bộ tịch, những phép tắc giả tạo.
Holden nổi loạn, ngang bướng vậy cốt cũng chỉ là vỏ bọc cho một tâm hồn dễ lay động, tổn thương của cậu. Với những đứa bạn học, những ông bác, ông chú, thầy giáo cậu luôn có một thái độ khinh khỉnh coi thường họ vì cậu nghĩ mình đã biết quá nhiều những thứ “ trời đánh”, xấu xa của họ. Những người đó luôn khoác lên những sự lịch thiệp, tỏ vẻ học vấn cao nhưng đằng sau lại là vẻ cao ngạo, khinh thường người khác. Nhưng với những người có số phận hẩm hiu, thấp kém hơn, Holden lại có sự đồng cảm, đáng thương dành cho họ. Như khi tay giữ thang máy cho cô gái bán hoa lên phòng cậu nhằm kiếm thêm tiền ngoài, cậu chỉ muốn trò chuyện với nàng, muốn biết thêm về nàng và cũng để có người bầu bạn để bớt cô đơn.
Sự nhạy cảm của cậu cũng được thể hiện rất xúc động, chân thật như khi cậu nói về cái cảm giác “ma quái” mà mình cảm thấy mỗi khi đi đến cuối ngã tư và xuống lề đường. Cậu có cảm giác như mình sắp biến mất. Cái cảm giác mà mình lạc lõng, vô hình trong một thế giới nhộn nhịp đầy những con người thiếu đi sự chân thật, thiếu đi tình người hiện hữu. Nhưng đồng thời nó có thể liên hệ tới những suy nghĩ mà Holden có, được cậu thường xuyên nhắc tới trong tác phẩm, đó là sự trốn chạy. Cậu tự ý rời bỏ khu kí túc xá, lang thang khắp New York rộng lớn, cậu cố trốn tránh cái cảm giác cô đơn, tìm đến những chốn xô bồ, đến những đứa bạn mà câu quen biết, nhưng không ai trong số họ đem lại hơi ấm, sự hiện hữu cho cậu. Đến chính Holden cũng nhiều lần đề cập rằng mình sẽ đến một nơi nào đó mà không một ai biết mình, hoàn toàn vô danh, sống một cuộc sống an nhàn, một cuộc đời không ai quan tâm biết tới. Thế rồi khi có cơ hội cậu cũng không dám mà chỉ có nói quẩn quanh. Và như khi bước chân xuống lề đường, cậu cảm thấy mình vô hình, thấy mình thật vô định. Cậu sợ mình sẽ không bao giờ bước được chân sang bên kia đường, sự vô định khiến Holden sợ hãi. Lúc đó cậu chỉ biết nương tựa vào Allie, bi kịch thay, là người em trai đã mất từ lâu, người mà cậu còn coi là “ thật” hơn những con người con đang ở bên cậu lúc này.
Một điều nữa về Holden đó chính là sự yêu thương của cậu đối với những điều nhỏ bé, ngây thơ. Cậu quan tâm tới gia đình mình, yêu mến cô em gái nhỏ Sally và luôn luôn tiếc thương cho đứa em đã mất. Cậu thích thú và nâng niu sự ngây thơ của Sally và những điều trong sáng, chân thành vì đó chính là thứ mà người lớn đang thiếu hay đã đánh mất. Có lẽ đó chính là lý do cậu nổi loạn, nổi loạn vì không muốn lớn, muốn cứ mãi được nô đùa, vui chơi, chạy nhảy trên những cánh đồng lúa bất tận, muốn được làm người bắt trẻ đồng xanh. Chúng ta Có thể nhận thấy sự tương đồng trong ước muốn của Holden với một nhân vật kinh điển khác trong nền văn học là Peter Pan và mảnh đất Neverland, nơi những đứa trẻ không bao giờ lớn.
Không chỉ cho người đọc thấy được sự khó khăn, trắc trở của tuổi trưởng thành của những cô cậu thanh niên, Bắt trẻ đồng xanh còn là sự nhắc nhở đến với những người lớn mang những định kiến, suy nghĩ và cách hành xử áp đặt, tiêu cực lên thế hệ trẻ. Họ có thể đã trở thành một chỗ dựa, là người dẫn dắt những sự non nớt, mặc cảm, sợ hãi trước những vô định, mù mịt của tương lại nhưng rồi lại để những người trẻ, cụ thể ở đây là Holden thất vọng, tìm đến những sự đáng yêu, hồn nhiên như cô em gái Sally để nương tựa.
Mặc cho những nỗ lực ngăn cấm, những ý kiến trái chiều, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng sâu rộng của “Bắt trẻ đồng xanh” đến với bao thế hệ độc giả từ khi ra mắt. Bởi khi đọc ai cũng có thể thấy được suy nghĩ, với nhiều người còn là cả những hành động của mình ở trong đó, như đọc lại những gì mình trải qua, thấy thú vị, thấy đồng cảm và cả những cái “ lắc đầu”cho một giai đoạn mà ai ai cũng trải qua. Đó chính là tuổi trẻ, định nghĩa bởi những niềm vui, sự vô lo bất cần, những mặc cảm sợ hãi, những nỗi niềm. Nó tươi đẹp, hỗn loạn, đáng quên mà cũng đầy đáng nhớ, là cột mốc cho sự trưởng thành trước tương lai sắp tới của đời người.
#review #reviewsach
Người Review: Khánh Phạm
From Hanu Book Club with [❤]
 

Bình luận