LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT
 
LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT
_____
Tác giả: Sasaki Fumio
Thể loại: Nghệ thuật sống
NXB: NXB Lao Động
Đơn vị phát hành: Thaihabooks
_____
Chủ nghĩa tối giản xuất hiện lần đầu tiên ở phương Tây vào thập niên 50, 60 nhưng tinh thần của chủ nghĩa ấy lại có sự tương thích rất đối lớn với nền văn hóa phương Đông của chúng ta. Ở Châu Á, Nhật Bản được coi là đất nước nổi tiếng nhất theo đuổi lối sống tối giản. Và “Lối sống tối giản của người Nhật” đã trở thành một biểu tượng, một nguồn cảm hứng cho nhiều đất nước khác trên thế giới áp dụng theo.
Sasaki Fumio một biên tập viên, một nhà xuất bản người Nhật theo đuổi lối sống tối giản. Anh từng có quãng thời gian vật lộn trong căn nhà bừa bộn và chật chội với rất nhiều những đồ đạc không cần đến bị vứt lung tung ở khắp nơi. Sau khi thành công thay đổi lối sống của mình, tác giả đã cho ra đời cuốn sách này để chia sẻ những kiến thức và truyền cảm hứng về lối sống “ít đồ đạc” cho bạn đọc.
Thông qua “Lối sống tối giản của người Nhật” tác giả cho rằng: “Lối sống tối giản không chỉ là cách người Nhật loại bỏ đồ đạc và sắp xếp không gian sống phù hợp, mà còn là phương tiện sống giúp người Nhật tìm thấy ý nghĩa, hạnh phúc thật sự của cuộc sống trong thế giới hiện đại”. Có thể các bạn từng thấy hình ảnh căn phòng của người Nhật chỉ vỏn vẹn một chiếc tủ đồ âm tường, một chiếc bàn, một chiếc nệm ngủ futon chỉ lấy ra vào ban đêm và nghĩ rằng lối sống này thật khó để theo đuổi. Những sự thật không phải là như vậy.
Một người theo lối sống tối giản chỉ đơn giản là người thực sự hiểu rõ cái gì cần thiết với mình và biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thật sự quan trọng. Không có một chuẩn mực nào về cái gọi là “tối giản”. Cũng không ai so sánh tôi tối giản hơn bạn, hay tôi phải bằng bạn thì mới gọi là tối giản. Mỗi người sẽ có một tiêu chuẩn của riêng mình về những gì mình cần trong cuộc sống. Lối sống này chỉ hướng chúng ta đến một cuộc sống mà chỉ giữ lại những gì thật sự là cần thiết đối với bản thân mình để có thể thêm trân trọng nó. Bởi vì thật sự chúng ta không cần quá nhiều đồ đạc như chúng ta nghĩ.
Khi sinh ra ai trong cũng là người sống tối giản, bởi chúng ta vốn chẳng sở hữu thứ gì trong tay. Nhưng theo thời gian, số đồ đạc mà chúng ta có cứ bắt đầu tăng lên. Càng có nhiều đồ đạc ta càng dễ nhầm lẫn giữa niềm hạnh phúc thật sự với niềm vui nhất thời của sự sở hữu. Hơn nữa nỗi lo bị người khác đánh giá bởi những thứ ta sở hữu khiến chúng ta tốn thời gian để kiếm tiền mua đồ, rồi lại tốn thời gian để giữ gìn những món đồ đó. “Rốt cuộc, chúng ta trở thành nô lệ cho chính những món đồ mà mình sở hữu” (Tyler Durden)
Chính vì vậy, tại sao chúng ta không thử suy nghĩ đến việc “vứt” bớt đồ đạc đi và trở về sự tối giản vốn có từ ban đầu của mình? “Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản.”
Sống tối giản không phải là một mục tiêu để hướng đến. Đó chỉ đơn giản là một phương tiện để chúng ta hướng đến một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Có những người theo bản năng vẫn luôn sống tối giản. Khi bạn hiểu rõ những gì mình thật sự cần và giữ ít đồ đạc trong nhà thì không gian sống trở nên rộng rãi và thoáng mát hơn. Bạn có thêm thời gian tập trung cho bản thân thay vì bị áp lực bởi những đắn đo suy nghĩ về việc mua thêm nhiều đồ đạc hơn nữa. Quan trọng hơn hết, bạn học được cách trân trọng và biết ơn với những gì mình đang sở hữu, cũng như cảm thấy hạnh phúc trong từng khoảnh khắc và luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại
Đối với mình, không phải cuốn sách self-help nào cũng giúp mình rút ra được bài học cho bản thân. Tuy nhiên cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật” đã truyền cho mình rất nhiều cảm hứng để thay đổi. Trong thời gian giãn cách, phải ở trong nhà một khoảng thời gian dài khiến mình cảm thấy khá mệt mỏi, căn phòng thường xuyên bị bày bừa và công việc dọn dẹp lúc nào cũng bị trì hoãn. Cuốn sách chính là giải pháp cho những khó khăn đó của mình. Mình ấn tượng bởi hành trình trở thành một “minimalism” của tác giả, cũng nhưng những gì tác giả đã có được sau sự thay đổi đó. Điều tâm đắc nhất là mình hiểu ra lý do vì sao bản thân không nỡ và không thể vứt bỏ đồ đạc. Sau khi hiểu ra điều đó mình liền bắt tay vào thay đổi bằng cách thực hành ngay khi mình đọc được một phương pháp phù hợp trong 55 phương pháp vứt bỏ.
“Lối sống tối giản của người Nhật giới thiệu và hướng chúng ta đến một lối sống ngăn nắp, tích cực. Tác giả đem đến những góc nhìn chung cũng như những chia sẻ cá nhân vô cùng cụ thể để người đọc dễ hình dung và theo đuổi được lối sống này. Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng, không có một công thức và sự đo lường nào là chuẩn mực cho sự “tối giản” của một người. Mong rằng bạn có thể tự cảm nhận bản thân để tìm ra được cái tối giản của riêng mình và chúc bạn sống một cuộc sống mà khi đó “Đồ đạc không còn quan trọng với chúng ta nữa".
Người Review: Bảo Anh
From Hanu Book Club with ❤
--------------------------------------------
Thư viện Trường Đại học Hà Nội
Email: lib@hanu.edu.vn
Điện thoại: (84-24)38548121
Bình luận