The Saint, the Surfer, and the CEO – Ba người thầy vĩ đại

  • Tên tác phẩm: The Saint, the Surfer, and the CEO – Ba người thầy vĩ đại
  • Tác giả: Robin Sharma
  • Công ty phát hành: Thái Hà
  • Dịch giả: Nguyễn Xuân Hồng
  • Xuất bản lần đầu: 1/10/2002
  • Thể loại: Hư cấu
  • Kích thước: 14,5 x 20,5 cm
  • Số trang: 330 

Trước khi đi vào chủ đề chính của bài viết này, tôi phải thú nhận một điều với tất cả mọi người rằng, tôi không chủ đích tiếp cận cuốn sách này ngay từ đầu, mà chỉ tìm hiểu và đọc về cuốn “Ba người thầy vĩ đại” thông qua lời giới thiệu của một người bạn. Nhưng trái với những suy nghĩ và những mặc định ban đầu của tôi về cuốn sách, chính những lời chia sẻ, tâm tình tự sự một cách sâu sắc và thiết tha, nhẹ nhàng mới là thứ đã “hấp dẫn” và thu hút tôi ngay từ những trang đầu tiên của cuốn sách “Ba người thầy vĩ đại” của Robin Sharma.

 

“Cho dù tôi có thu thập được bao nhiêu tài sản vật chất đi chăng nữa thì cái thằng người mà tôi nhìn thấy trong tấm gương phòng tắm mỗi buổi sáng vẫn y nguyên- tôi không thể hạnh phúc hơn và không hề cảm thấy tốt hơn tí nào. Suy ngẫm nhiều hơn về thực trạng cuộc sống của mình, tôi bắt đầu nhận thức được sự trống rỗng ngay trong tim mình. Tôi bắt đầu chú ý đến những tiếng thì thầm lặng lẽ của con tim, những điều chỉ dẫn tôi rời bỏ nghề nghiệp của mình đã chọn và bắt đầu quá trình tìm kiếm tâm hồn một cách nghiêm túc. Tôi bắt đầu suy nghĩ về lý do tại sao tôi lại ở đây, trên hành tinh này, và nhiệm vụ cụ thể của tôi là gì” - Ba người thầy vĩ đại. 

 

Những dòng trích dẫn bên trên chính là những dòng trong lời mở đầu cuốn sách của Robin Sharma, và đây cũng là những dòng tự sự, những lời bộc bạch về chính cuộc đời của tác giả. Nhiều năm trước, ông là một luật sư, và cũng như tất thảy con người trên thế giới này, ông luôn theo đuổi sự thành đạt và tất cả những cám dỗ vật chất. Tác giả đã quyết định thay đổi cuộc đời mình. Ông đã nếm trải nhiều thất bại trên đường đời. Tuy nhiên, mỗi chướng ngại cuối cùng đều lại chính là một bàn đạp giúp tác giả tới gần hơn với chân lý trong tâm khảm và cuộc đời tốt đẹp nhất của mình. Robin Sharma viết cuốn sách với mong muốn sẻ chia với chúng ta một cách sống, một lẽ sống để cuộc đời mỗi người tuyệt vời hơn!

 

Quyển sách này đã dạy cho tất cả những người đọc về một thứ nghệ thuật, gọi là nghệ thuật sống đẹp, triết lý sống vô cùng mạnh mẽ nhưng cũng rất chân thật của tác giả Robin Sharma, bằng việc song hành cùng với cuộc hành trình đi tìm lý tưởng sống của anh chàng trẻ Jack Valentine qua từng trang sách, cùng với những khám phá mới mẻ mà anh nhận được từ ba người thầy của mình, người đọc chúng ta cũng phải cùng suy nghĩ về mỗi câu hỏi được đặt ra trong mỗi cuộc gặp gỡ. Câu chuyện bắt đầu từ một vụ tai nạn khủng khiếp xảy đến với Jack, khiến anh thập tử nhất sinh trên giường bệnh. Và đó chính là nơi mà anh đã có cuộc gặp kỳ lạ như được vũ trụ sắp đặt để biến đổi cuộc đời anh, người đàn ông đó chính là người cha mà anh đã bị thất lạc bấy lâu, ông Cal Valentine, người mà thật trùng hợp lại nằm ở chiếc giường ngay bên cạnh.

 

Cuộc gặp này như một món quà đã đưa anh, và cả người đọc chúng ta, đến với một cuộc hành trình kỳ lạ, hành trình khám phá chính “con người và bản ngã”, khám phá cách mà thế giới thật sự vận hành, cùng với đó là công cuộc đi tìm kiếm câu trả lời cho ba câu hỏi cuối cùng quan trọng nhất đời người thông qua cuộc gặp gỡ với “Ba người thầy Vĩ đại” đó là Một tu sĩ, một bậc thầy lướt sóng và một Nữ CEO tại ba nơi khác nhau trên quả địa cầu này (Rome, Hawaii và New York). Và ba câu hỏi này cũng là nỗi trăn trở của chính chúng ta, trong dòng chảy vội vã và xô bồ của cuộc sống hiện tại, trong những bất lực và mệt mỏi của học tập, công việc và deadline, chúng ta đã bị cuốn theo tự lúc nào mà chính ta còn không hề hay biết. Rằng chúng ta đã sống một cách khôn ngoan chưa?, rằng chúng ta đã biết yêu thương chưa? và rằng chúng ta đã cống hiến thật nhiều chưa?

 

Người thầy đầu tiên giúp tôi có thể nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính khôn ngoan và thấu đáo hơn. “Thực tại hiện nay của con chẳng là gì khác hơn một sự phản chiếu hoàn toàn những bài học mà con cần học nhất”. Phải, cuộc sống là không hoàn hảo, và không bao giờ là hoàn hảo cả. Nếu không có những khiếm khuyết, không có sự hiện diện của những điểm yếu thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể phát triển bản thân mà vươn cao hơn nữa được. Chính sự không hoàn hảo đó đã đem lại ý nghĩa và sự riêng biệt cho cuộc sống mỗi con người. Hơn thế nữa, ta cần phải có sự nhìn nhận và chấp nhận với những thất bại và lấy chúng làm động lực để thúc đẩy bản thân vươn lên trong cuộc sống, và có một thực tế rằng cuộc sống sẽ không thể có màu hồng và suôn sẻ mãi được. Có một trích đoạn trong cuộc nói chuyện này làm tôi nhớ mãi, cho đến tận bây giờ, sau một khoảng thời gian dài kể từ khi đọc xong cuốn sách: 

 

“Khi cuộc sống vui vẻ và ổn thoả, tôi nhận ra rằng, chúng ta thường có xu hướng sống ở một cấp độ hời hợt. Khi cuộc sống trở nên khắc nghiệt, và trải qua một cuộc khủng hoảng, chúng ta luôn đi tới chỗ xem xét lại nội tâm mình. Và như vậy tôi nghĩ rằng những nhà thần bí và các hiền nhân của quá khứ đã đúng khi họ nhận xét rằng những khó khăn lớn nhất của cuộc đời trên thực tế lại là những phúc lành lớn nhất, vì chúng giúp ta thêm sâu sắc và đưa chúng ta đến với một trải nghiệm sống khác rộng hơn. Thất bại luôn dẫn tới sự đột phá”.

 

Người thầy lướt sóng thứ hai giúp tôi nhận ra rằng, sống trên cuộc sống này thì chúng ta cần trân trọng và yêu thương từng khoảnh khắc xung quanh ta. “Hãy nghe theo tiếng nói của con tim dẫn dắt ta đi đúng hướng đi của số phận”. Có lẽ tôi và chúng ta đã bị cuốn theo dòng chảy xô bồ của cuộc sống với đầy rẫy những cạm bẫy và những điều mệt mỏi, chúng ta đã quên mất việc dành thời gian lắng nghe con tim của chính mình. Ta cứ sống, ta cứ tồn tại, ta cứ làm việc để rồi đến cuối cùng, ta vẫn ngổn ngang với mớ câu hỏi đợi chờ lời giải đáp – “Ta là ai? Mục đích sống của ta là gì? Liệu ta đã có được sự hạnh phúc hay chưa?”. Và chính những bài học từ anh Moe - người thầy lướt sóng ở Hawaii đã như thắp sáng ngọn nến đang dần vụt tắt bên trong tâm hồn tôi, để tiếp tục tìm kiếm sự hạnh phúc trong cuộc sống.

 

Và qua câu chuyện cuối cùng của nhân vật chính với nữ CEO tại New York, tôi đã bất giác phải dừng việc đọc sách lại ít phút, và trong đầu tôi đã suy nghĩ rằng “Từ trước đến nay, ta đã sống cống hiến hết mình chưa?”. Chúng ta, để sống đúng được với những khát vọng của bản thân, cần phải gọi tên và bộc lộ những khát vọng đó ra với thế giới, và cần phải thực sự chịu trách nhiệm với những lựa chọn của bản thân trên chặng đường hướng đến sự thành công. Chính những chiêm nghiệm rút ra được từ cuộc nói chuyện của Jack và nữ CEO Tess Welch đã làm tôi nhận ra những giá trị của sự cống hiến, và rằng hãy cởi bỏ tâm thế tự vệ cũng như cảm giác an toàn của bản thân, hãy mở lòng và dành sự quan tâm một cách chân thành nhất hướng đến những người xung quanh ta, những con người mà ta hết mực yêu quý.

 

Đối với cá nhân tôi, những bài học xuyên suốt trong cuốn sách Ba người thầy vĩ đại đã không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi cuộc đời của anh chàng nhân vật chính Jack Valentine, mà còn có một sức ảnh hưởng tích cực đến lối suy nghĩ và lý tưởng sống của bản thân tôi và rất nhiều người đã, đang và sẽ cầm trên tay cuốn sách tuyệt phẩm này. Đọc tác phẩm khiến tôi như cảm thấy được hòa nhịp cùng nhân vật, tự đưa ra cho bản thân mình những suy nghĩ về cuộc sống, về hành trình đi tìm bản ngã nội tâm của chính mình. 

 

Giản dị, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sâu sắc, đó có lẽ là những tính từ phản ánh chính xác nhất những gì mà chúng ta cảm nhận được khi lật từng trang sách của cuốn Ba người thầy vĩ đại của Robin Sharma. Tác phẩm này đã mang tới cho người đọc, và kể cả bản thân tôi những phút giây tự vấn về bản thân, về lý tưởng sống cũng như những sự chiêm nghiệm, suy ngẫm về bản thể con người, về sống sao cho đúng, về vũ trụ rộng lớn ngoài kia. Rằng trong vòng xoáy bất tận của sự mệt mỏi và sự vội vã, liệu có khi nào chúng ta dừng lại và tự dành thời gian để suy nghĩ về chính bản thân, về cuộc sống và về những gì mà bản thân mình thực sự mong muốn và đạt được?

 

Câu 2: Anh/chị hãy viết một sáng kiến kinh nghiệm nhằm phát triển văn hoá đọc cho cộng đồng? (Nêu rõ được mục đích, tính sáng tạo mới mẻ, các kết quả, tác động (đã đạt được hoặc dự kiến đạt được) và khả năng ứng dụng, triển vọng nhân rộng sáng kiến trong cộng đồng).

 

Trong thời đại “công nghệ 4.0” hiện nay, với sự phát triển và nâng cấp như vũ bão của mạng lưới công nghệ hiện đại, cùng với các thiết bị điện tử tân tiến, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận với nền tri thức nhân loại một cách vô cùng thuận tiện, thậm chí chỉ cần một cú click chuột và vài thao tác chạm vuốt đơn giản. Nhưng, để nói về giá trị cũng như bản chất cốt lõi của “văn hoá đọc truyền thống”, chúng ta cần phải hiểu rằng, “văn hoá đọc” ở đây chính là sự tiếp nhận tri thức thuần tuý, từ những cuốn sách có giá trị, đúc kết được những gì đẹp đẽ nhất, những gì tinh hoa nhất trong suốt quá trình phát triển của nhân loại.

 

Để có thể xuất phát trên con đường “phát triển văn hoá đọc đến cộng đồng”, cá nhân tôi và tất cả mọi người, đều cần phải có một cái nhìn đúng đắn và chính xác về “sách”. Sách chính là kết tinh của trí tuệ con người, được tích lũy và cô đọng qua những kiến thức thực tiễn, nền văn hoá, cũng như các giai đoạn lịch sử của các dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam chúng ta. Sách cũng chính là minh chứng cho những thành tựu, những giá trị cốt lõi của loài người trong suốt quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh. Đồng thời, những trang sách ra đời cũng là để giúp cho những người đọc chúng có thể xây dựng một nhân cách, một con người lành mạnh, cùng với lối sống tích cực và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta có thể thấy được rằng, sách và việc nâng cao chất lượng văn hoá đọc cho cộng đồng là một mục tiêu cấp thiết, được rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang từng bước hướng đến và thực hiện, nhằm nâng cao nguồn nhân lực và tri thức của đất nước.

 

Bản thân tôi, là một sinh viên đại học, nhận thấy tầm quan trọng to lớn của việc đọc cũng như việc tiếp nhận tri thức thông qua những cuốn sách, tôi đã đúc kết và hình thành được một số những ý tưởng và sáng kiến kinh nghiệm sau đây, nhằm thúc đẩy và phát triển văn hoá đọc và tiếp nhận tri thức trong cộng đồng của chúng ta.

 

Đầu tiên, chúng ta cần tạo ra được một môi trường đọc thật “thân thiện và sạch sẽ”. Sở dĩ tôi dùng từ “sạch sẽ” ở đây, là vì hiện tại, với sự hỗ trợ và hậu thuẫn từ công nghệ thông tin và những kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok, cùng với những nội dung lành mạnh và chính quy, cũng tồn tại không ít những nội dung và những văn hoá phẩm độc hại và thiếu tính giáo dục. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có sự đầu tư, tạo ra một môi trường đọc sách “thân thiện” từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho đến nội dung được tiếp nhận, điều này chắc chắn sẽ giúp mọi người tăng được sự hứng thú khi tiếp nhận kiến thức thông qua sách, cũng như giúp quá trình tiếp nhận được hiệu quả hơn. Đa số mọi người trong chúng ta, họ đều nghĩ về sách và việc đọc sách là một thứ gì đó nhàm chán, tẻ nhạt và khô khan, vì vậy, một sự thay đổi mang tính tích cực về mặt “môi trường tiếp nhận” sẽ giúp cho tất cả mọi người có thể tiếp nhận thông tin cũng như tri thức một cách triệt để và hiệu quả hơn.

 

Thứ hai, chúng ta cần thực hiện những hoạt động nhằm “phủ sóng” văn hoá đọc trên phạm vi toàn đất nước. Chính quyền các Thành phố, các Quận - huyện cần có các hoạt động định kỳ liên quan, nhằm tuyên truyền, mở rộng văn hoá đọc. Đồng thời, cần có sự quan tâm cũng như hỗ trợ hướng đến việc xây dựng thư viện và môi trường khuyến đọc cấp xã, cấp phường, kể cả cấp độ tư nhân để có thể thúc đẩy cũng như giúp cho việc đọc của nhân dân toàn quốc trở nên thuận lợi hơn, đặc biệt ở những vùng quê, vùng ngoại thành cũng có những cơ hội được tìm hiểu, được tiếp cận tri thức, và được đọc. Từ đó hình thành một bước tiến chắc chắn và hiệu quả cho thế hệ đọc tương lai, cũng như tạo ra được phong trào đọc sách hữu ích, hiệu quả hơn, toàn diện hơn trên phạm vi cả nước.

 

Thứ ba, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng và tận dụng sự phát triển của “thời đại công nghệ 4.0” cũng như các thiết bị điện tử để thực hiện công tác tuyên truyền văn hoá đọc. Những chuyên mục giới thiệu, review sách cũng như khuyến đọc có thể được xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, trên mạng xã hội, những thứ mà chúng ta hay truy cập và sử dụng mỗi ngày. Từ đó, kích thích và phát triển thói quen đọc sách của mọi người, đồng thời cũng nâng cao nhận thức và tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của việc đọc sách, cũng như thu hút được đa dạng độc giả quan tâm và tìm hiểu, qua đó đóng góp phần quan trọng vào công cuộc mở rộng và phổ cập văn hoá đọc đến cộng đồng, tận dụng sự nắm bắt nhanh nhạy về công nghệ và thế giới mạng của giới trẻ.

 

Nói tóm lại, việc hình thành và phát triển văn hoá đọc là một chặng đường mang tính dài hơi, cần có sự thống nhất, liên kết chặt chẽ giữa thư viện và người đọc sách, chính là chúng ta. Và để có những bước phát triển văn hoá đọc thật vững chắc và hiệu quả, bản thân chúng ta, những người đọc sách, những con người tiếp thu tri thức, cần phải có một cái nhìn và nhận thức đúng đắn về sách và về văn hoá đọc trong việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Chính vì lẽ đó, tất cả chúng ta hãy cùng chủ động, phối hợp để cùng nhau nâng cao ý thức, chất lượng của việc đọc sách, cũng như xây chắc những viên gạch nối trên con đường trở thành một công dân lành mạnh, tốt đẹp và góp phần xây dựng một Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Bài dự thi cuộc thi: "Đại sứ văn hóa đọc HANU năm 2022"

Thí sinh: Vũ Thành Long lớp 3I-19

Bình luận