VIỆT NAM SỬ LƯỢC

VIỆT NAM SỬ LƯỢC

Tác giả: Trần Trọng Kim

Thể loại: Lịch sử Việt Nam

NXB: Hội Nhà Văn, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam

Ký hiệu xếp giá: 959.7 TRK

Kho tài liệu Tiếng Việt

Thư viện Trường Đại học Hà Nội

-----------------------------------------------

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu năm 1920 (lời tựa của tác giả đề tại Hà Nội, tháng 10.1919) là bộ thông sử đầu tiên của Việt Nam soạn theo phưong pháp mới và viết bằng chữ quốc ngữ, nhưng lại tương đối đầy đủ và có thể được coi là một bộ tín sử có phong cách trình bày ngắn gọn, súc tích, dê hiểu dễ nhớ, sinh động và hấp dẫn nhất từ trước đến nay.

Với khối lượng dày gần 600 trang, nội dung sách trình bày một cách sơ lược và có tính hệ thống, nhưng không bỏ sót những chi tiết chủ yếu, toàn bộ lịch sử nước Việt từ thời thượng cổ, kể từ họ Hồng Bàng huyền sử (2879-258 TCN), cho đến thời Pháp thuộc, dừng lại ở những năm đầu thế kỷ 20 (1902), với một đoạn ngắn chừng hơn một trang gần cuối sách được "tạm" viết thêm vào khi tác giả sửa chữa bổ sung cho ấn bản lần thứ 3 (1949)(1), trong đó chỉ nhắc lướt qua một số sự kiện lịch sử nổi bật liên quan các phong trào kháng Pháp của người Việt cho đến khi vua Bảo Đại thoái vị (1945) trao quyền lại cho chính phủ Việt Minh.

Thật ra, đây chỉ là một công trình có tính tập đại thành đã được Trần Trọng Kim gom góp, phát triển lên từ những công trình nhỏ hơn của chính ông trước đó, tức những bài Nam sử bậc tiểu học do ông phụ trách biên soạn cho mục "Học khoa" đăng trên Đông Dương tạp chí (từ số 43, tháng 3.1914), và quyển Sơ học An Nam sử lược xuất bản năm 1917.

Trước nữa, Việt Nam cũng đã từng có mấy bộ sử chép theo lối cũ biên niên bằng chữ Hán của các triều Lê, Nguyễn, cũng như vài sách tiếng Pháp của Trương Vĩnh Ký (Cours d'Histoire Annamite, Sài Gòn, 1875), của Schreiner (Abrégé de I'Histoire d'Annum, Sài Gòn, 1906)... mà Trần Trọng Kim có dẫn dụng tham khảo, nhung tất cả đều không còn thích dụng hợp thời, nên ngay từ khi ra đời, Việt Nam sử lược đã được đón nhận nhiệt liệt, tuy rằng lẽ tất nhiên nó chưa phải là một bộ sử hoàn hảo.

Cái mới không chỉ ở chỗ lần đầu tiên có bộ thông sử khá đầy đủ viết bằng tiếng Việt, mà điều quan trọng hơn nữa là lần đầu tiên tác giả đã tham khảo lối viết sử tiến bộ có tính khoa học hơn của phương Tây, thoát ly ra khỏi lối chép biên niên truyền thống của Trung Quốc vốn chỉ nêu lên từng sự kiện riêng lẻ, rời rạc, từ đó biết chia lịch sử Việt Nam ra làm 5 thời kỳ theo từng đặc điểm tương đối chung nhất của mỗi thời kỳ để trình bày các diễn biến lịch sử thành một câu chuyện liên tục và hấp dẫn, cho thấy được mối liên lạc nhân quả, biện chứng giữa các sự kiện xảy ra theo dòng thòi gian. Ngoài ra, khác với lối chép sử của các sử thần thời phong kiến, thường chỉ chú ý ghi chép hành vi, hoạt động của vua chúa, hoàng hậu và giới quan lại, gắn vói những hoạt động tranh bá đồ vương, coi sử của quốc gia đồng nghĩa với sử của tầng lớp vua chúa quý tộc, mà vắng bóng hẳn bộ mặt sinh hoạt của người dân, Việt Nam sử lược trái lại đã bắt đầu chú ý đưa vào thật nhiều những sự kiện liên quan đời sống thực tế người dân, như việc học hành thi cử, tiền tệ, đo lường, thuế má, luật pháp, xã hội, phong tục, tín ngưõng...

Trước khi đi vào cụ thể từng thòi kỳ lịch sử, tác giả đã có một phần riêng ở đầu sách trình bày tổng quát về NƯỚC VIỆT NAM (Quốc hiệu, Vị trí và diện tích, Địa thế, Chủng loại, Gốc tích, Người Việt Nam, Sự mở mang bờ cõi, Lịch sử Việt Nam), tương đương với một bài dẫn nhập ngắn gọn, giúp người đọc nắm bắt nhanh những kiến thức căn bản để từ đó thông tỏ mối giềng lịch sử của dân tộc một cách dễ dàng hơn.

Trong quá trình mô tả lịch sử, ở những chỗ xét thấy cần thiết, tác giả còn chen vào cung cấp những kiến thức cần biết để giúp hiểu rõ mối liên lạc nhân quả giữa các sự kiện lịch sử đã diễn ra, như khi cần trình bày bối cảnh chính trị- văn hóa-xã hội như thế nào của nước Tàu, nước Chiêm Thành, nước Tiêm La, nước Cao Miên, nước Pháp... mà có quan hệ với nước ta.

Cuối mỗi triều đại vua chúa hay kết thúc một chương sách, tác giả hầu như luôn không quên đưa vào một đoạn văn tóm tắt ý chính, đồng thời xen vào những lời nhận xét đánh giá, bình luận riêng, để giải thích nguyên nhân gốc rễ các hiện tượng, trên cơ sở phân tích hợp tình lý những yếu tố ảnh hưởng thuộc về chính trị, nhân tâm, lực lượng của nhiều biến cố quan trọng, như cuộc đại thắng quân Nguyên của nhà Trần, cuộc thất bại của nhà Hồ, việc nhà Hậu Lê mất ngôi vua...

Về phương pháp ghi niên đại, có thể nói Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim là một mẫu mực đầu tiên ở nước ta trong việc thể hiện ngày, tháng, năm một cách khoa học, rõ ràng nhất, bằng cách ghi kết hợp cả ba yếu tố năm âm lịch-năm dương lịch với niên hiệu các vua. Việc chua thêm nguyên văn chữ Hán sau những từ Hán Việt về tên người, tên đất, tên chức quan... cũng cần thiết, vừa đảm bảo tính chính xác, vừa giúp các nhà khảo cứu dễ dàng kiểm chứng, so sánh mỗi khi cần sử dụng đến những tài liệu cũ chữ Hán.

Đầu quyển IV (Tự chủ thời đại), khi chuẩn bị mô tả thời kỳ Nam Bắc phân tranh (1533-1788) trong đó trên có vua Hậu Lê dưới có chúa Trịnh ngoài Bắc và chúa Nguyễn trong Nam, cục diện diễn ra đan xen nhau cực kỳ phức tạp, nếu tác giả không giúp bằng cách dành riêng cả chương I gọi là "Lịch triều lược kỷ" (ghi sơ lược qua các triều vua, chúa) dưới hình thức một bảng liệt kê so sánh rất rõ ràng mạch lạc mối tương quan giữa các vua và các chúa, thì người đọc thật không tài nào nắm bắt được diễn biến các sự kiện lịch sử. Các bảng Thế phổ chen vào rải rác theo từng triều đại vua chúa, 6 tờ bản đồ, cũng như bảng Niên biểu lập ở cuối sách, đều như những bài "toát yếu" giúp ngưòi sử dụng sách có thể thu tóm và ôn tập kiến thức để nhớ được một cách dễ dàng hon những sự kiện hoặc nhân vật lịch sử quan trọng... Cho nên có thể nói, về phương diện mô tả lịch sử một cách vừa khoa học vừa tài tình và hấp dẫn, cho đến nay vẫn chưa thấy có công trình mới nào tưong tự mà có thể so sánh được vói Việt Nam sử lược.

Về quan điểm chép sử và bình sử, Trần Trọng Kim đã giữ được thái độ gần như hoàn toàn khách quan trung thực, như ông đã bày tỏ trong lời Tựa ở đầu sách. Ông không đứng hẳn về phe nào, thậm chí không phân biệt địch-ta, nhờ vậy luôn khen-chê đúng mực, nói lên được tiếng nói của lương tri nhà sử học, và có can đảm xét lại một số vấn đề "nhạy cảm" vào lúc tác phẩm ra đời (năm 1920), như khi xét lại để thừa nhận tính chính đáng/ chính thống của nhà Tây Sơn vốn xưa nay vẫn bị các sử gia triều Nguyễn coi là "ngụy Tây". Chỗ này, ông phải tìm cách khéo léo giảng rõ để biện bạch: "Thời đại nào nhân vật ấy và tư tưởng ấy, soạn giả cứ bình tĩnh cố theo cho đúng sự thực. Thỉnh thoảng có một đôi nơi soạn giả có đem ý kiến riêng của mình mà hàn với độc giả, thí dụ như chỗ bàn về danh hiệu nhà Tây Sơn thì thiết tưởng rằng sử là của chung cả quốc dân, chứ không phải riêng cho một nhà một họ nào, cho nên mới phải lấy công lý mà xét đoán mọi viêc và không vị tình riêng mà để phạm đến lẽ công bằng vậy" (trích lời Tựa).

Mỗi khi có dịp, ông còn nói rõ hơn: “Cái nghĩa vụ làm sử, tưởng nên kê cứu cho tường tận, rồi cứ sự thực mà nói, chứ không nên lấy lòng yêu ghét của mình mà xét đoán. Dẫu người mình ghét mà có làm điều phải, mình cũng phải khen; người mình yêu mà có lầm điều trái, mình cũng phải chê" (ấn bản lần 5, tr. 427).

Ở đoạn mở đầu sách, khi mô tả đặc điểm người Việt Nam, Trần Trọng Kim đã không ngần ngại nêu lên cả những tính tốt lẫn nết xấu. Đối với vài triều đại làm việc gian ác, thoán nghịch, nếu nhân vật có khía cạnh gì hay thì ông vẫn khen, như công nhận Trần Thủ Độ là người tài năng, Hồ Quý Ly không phải hạng người tầm thường; khen Mạc Ngọc Liễn đã trối lại một lời nói thật trung hậu; nhận định về tính cách bạc nhược của tập thể triều đình Lê Chiêu Thống; nêu cả mặt tốt lẫn mặt rất xấu của vua Minh Mệnh, bình phẩm thẳng thắn cách xử tội tàn ác của vua đối vói một đứa trẻ và hai người ngoại quốc; chê Tôn Thất Thuyết gian độc hèn nhát nhưng lại khen hai người con trai của ông Thuyết (Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm) “thật là bậc thiếu niên anh hùng, có thể che được cái xấu cho cha”...

Đối với vài ông vua có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử và có mệnh hệ đến tiền đồ dân tộc, tác giả luôn có thêm một tiểu mục mở đầu chương sách để xét về đức độ của họ (như các vua Trần Anh Tông, Quang Trung, Thánh Tổ [Minh Mệnh], Hiến Tổ [Thiệu Trị], Dực Tông [Tự Đức]), hẳn vì ông đã có sẵn một quan niệm hết sức rõ ràng dứt khoát: làm vua hay làm nguyên thủ quốc gia mà kém đức thì chỉ có hại dân hại nước!

Thái độ chép sử khách quan như trên đã thể hiện phần nào qua việc sử dụng ngôn từ lịch sự, nhã nhặn của Trần Trọng Kim, trong mọi tình huống, và dường như lúc nào ông cũng nói năng một cách ôn tồn, trầm tĩnh, thậm chí vô cảm như một kẻ hoàn toàn ngoài cuộc. Chẳng hạn, đối với các nhà vua, thì ông luôn gọi kính trọng bằng "ngài", cho dù vua đó là một kẻ hoang dâm vô độ như Lê Tưong Dực (tuy nhiên đối với kẻ quá bạo ngược như Lê Long Đĩnh/ Ngọa Triều thì ông đã cố tránh chữ "ngài" và chỉ gọi bằng tên Long Đĩnh). Tương tự như vậy, khi kể đến những trận giao chiến giữa lực lượng thực dân Pháp với quan quân kháng chiến người Việt, dường như ông cũng đứng ở vị trí bàng quan mà kể, gọi các sĩ quan Pháp bằng tên chức vụ (như đại tá X, trung tướng Y...), chứ không bao giờ dùng những từ ngữ nặng nề (như "tên" đại tá, "bọn" thực dân Pháp...). Có lẽ chính thái độ "trung dung" kiểu đúng kẽ giữa này là một trong những nguyên nhân gay ngộ nhận khiến có một số người đã lên án Trần Trọng Kim là một học giả tài giỏi nhưng bạc nhược và phản động, dẫn đến sách của ông có thòi gian bị cấm tuyệt lưu hành ở miền Bắc. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ Việt Nam sử lược vói một chút tinh tế, ai ai cũng sẽ nhận ra ông đã luôn biểu lộ tình cảm một cách kín đáo tế nhị, và đôi lúc nồng nhiệt, thiết tha, mỗi khi ngợi khen hoặc tỏ ý cảm khái, khâm phục đối vói một vị quan thanh liêm biết thương dân (như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản...), những con người trung dũng kháng Pháp (như Lê Trực, Phan Đình Phùng...), hay trước cái chết của một chiến sĩ hết lòng vì nước. Như đoạn tả Tôn Thất Thiệp hy sinh vì hết lòng bảo vệ vua Hàm Nghi đang chống Pháp, Tôn Thất Đạm thắt cổ tự tử vì không bảo vệ được vua, để cho vua bị bắt, thật hết sức cảm động.

Xét cho cùng, thái độ "trung dung", "trung lập" nhưng cận nhân tình kiểu Trần Trọng Kim cũng là một  thái độ khách quan trong việc mô tả lịch sử bằng ngôn ngữ khoa học trung tính, ở đó không có sự thiên lệch bên nào ngoài sự thật lịch sử khách quan, nên không cần dùng tới những lời lẽ mạt sát nặng nề hay tâng bốc quá đáng đối vói bất kỳ ai đã trở thành nhân vật của quá khứ, dù người đó thuộc phe nào chăng nữa.

Ở một mặt khác, người ta còn có thể thấy Trần Trọng Kim viết Việt Nam sử lược với một tâm ý và chủ đích không tầm thường, mà đã trút hết tâm huyết vào trong công trình biên khảo của mình. Điều này không chỉ đã được nêu rõ một phần khi mở đầu bài Tựa, mà còn được phát biểu rải rác trong suốt tác phẩm, bằng cách luôn tìm cách kích động lòng ái quốc và cổ vũ chí độc lập, tự cường của dân tộc, nhưng với tinh thần xây dựng hòa bình, chủ hòa nhiều hơn chủ chiến. Như trong mấy trang mở đầu, ở tiểu mục số 8 "Lịch sử Việt Nam": "Từ khi người Việt Nam lập thành nước đến giờ, kể hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai trị mấy lần, chịu khổ sở biết bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự chủ, và vẫn giữ được cái tính đặc biệt của giống mình, ấy là đủ tỏ ra rằng khí lực của người mình không đến nỗi kém hèn cho lắm. Tuy rằng mình chưa làm được việc gì cho vẻ vang bằng người, nhưng mình còn có thể hy vọng một ngày kia cũng nên được một nước cường thịnh.

"Vậy ghi chép những cơ hội gian truân, những sự biến cố của nước mình đã trải qua, và kể những công việc của người mình làm từ đời nọ qua đời kia, để cho mọi người trong nước đều biết..."

Ở tiểu mục số 9 "Lòng yêu nước của người Việt Nam" (thuộc quyển V, chương XV), tác giả lại ca ngợi lòng ái quốc, chí quật cường của dân tộc sau khi dẫn chứng một số cuộc khỏi nghĩa, vận động cách mạng trong nước. Đặc biệt, ở bài TỔNG KẾT cuối sách, tâm huyết và sự lo lắng của ông đối với tiền đồ dân tộc lại càng thêm rõ nét: "Vận mệnh nước Việt Nam hiện nay còn ở trong tay người Pháp, sự hay dở tương lai chưa biết ra thê nào. Song người bản quốc phải biết rằng phàm sự sinh tồn tiến hóa của một nước, là ở cái chí nguyện, sự nhẫn nại của người trong nước…”

Về mặt nhược điểm của Việt Nam sử lược thì trước nay một số nhà nghiên cứu - phê bình cũng đã vạch ra khá rõ rồi. Đại khái: cách phân kỳ lịch sử vài chỗ còn nhập nhằng chưa hợp lý (như triều Nguyễn xếp vào Cận kim thời đại, trong khi vẫn có thể xếp vào Tự chủ thời đại trước đó...). Tài liệu tham khảo để biên soạn chưa được dồi dào lắm, chủ yếu chỉ sử dụng khoảng trên 20 cuốn sách cũ viết bằng chữ Hán và chữ Pháp, mà thiếu sự khảo sát thực địa các di tích, hiện vật lịch sử, cũng như chưa có sự phối hợp liên ngành bằng cách chú ý đến những công trình nghiên cứu về khảo cổ học, cổ tiền học, cô sinh vật học... Viết về giai đoạn Hậu Lê-Trịnh Nguyễn phân tranh và Pháp thuộc, tác giả còn ít sử dụng loại tài liệu báo chí và chưa khai thác đến nhưng tập du ký, hồi ký, tài liệu ghi chép... vốn khá xác thực, sinh động của một số giáo sĩ thừa sai, doanh nhân, quân nhân… người Châu Âu đã từng có mặt ở Việt Nam vào những năm đầu và giữa thế kỷ thứ 17.

Về lập trường tư tưởng có người người cho rằng Trần Trọng Kim vẫn chưa thoát ra thành kiến triết lý, luân lý nho gia về mệnh trời cũng như những quan niệm cũ kỹ về sự phân biệt trung nghịch chánh ngụy, và qua ngôn từ diễn đạt, dường như ông có vẻ hơi vị nể triều Nguyễn và có chút khép nép đối với người Pháp... Tuy nhiên, mấy lỗi này đều có lý do chính đáng để thông cảm. Về mệnh trời, thật khó đưa ra sự phán đoán dứt khoát một quốc gia thịnh hay suy, còn hay mất... là có tùy thuộc mệnh trời thật hay không. Còn về thái độ vị nể, khép nép... chúng ta ai cũng biết Trần Trọng Kim vốn là công chức ngành giáo dục ăn lương của Pháp, viết Việt Nam sử lược trong lúc đất nước còn nô lệ với sự tồn tại của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, mà theo quan niệm xưa, cách nay gần trăm năm, dù quyền uy của triều đình Nguyễn đã sút giảm đi nhiều, ông cũng thuộc thân phận/ địa vị thần tử. Sang đến bản in lần thứ 5 (in xong tháng 3.1954), khi tình thế mới cho phép, Trần Trọng Kim đã cho sửa một chỗ "Đại Pháp" (tr. 17) thành "Pháp" (bỏ chữ "Đại"); còn những chỗ khác như "quan trung tướng", "quan tổng đốc toàn quyền"... thì bỏ hẳn chữ "quan", hoặc thay bằng chữ "viên"..., cho thấy cái sự khép nép trước đây cũng chỉ vì lý do khôn khéo cần thiết, như viết thì phải lách, "một bước tiến hai bước lùi", nếu không muốn nói vạn bất đắc dĩ!

Dù sao, một số mặt hạn chế này khác như chúng ta vừa nêu, cũng đã được tác giả khiêm tốn dự liệu và tự nhận trước trong lời Tựa: "Độc giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ sử lược chỉ cốt ghi chép những chuyện yếu trọng để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là đích đáng, kê cứu và phê bình rất tường tận, thì xin để dành cho những bậc tài danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử. Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể làm cho ta dỡ rét”.

Và có lẽ cũng nên nói như nhà nghiên cứu văn học Phạm Thế Ngũ: "Song phải thành thật mà nhận rằng về phía chúng ta là người phê bình tác giả, cái áo lụa mà ông cầu chúc cho chúng ta ấy, cho đến bây giờ ta vẫn chưa có mà mặc”

Trong Phê bình và cảo luận (Nam Ký, Hà Nội, 1933), nhà phê bình văn học Thiếu Sơn đã nêu lên một số nhận xét xác đáng cho thấy khái quát cả mặt ưu điểm lẫn khuyết điểm của Việt Nam sử lược: "Sử học nước ta vốn còn khuyết điểm nhiều lắm; cái phương pháp khoa học dùng để tìm kiếm tài liệu đã chưa có, mà cả đến luật lệ nhất định cho sử gia, cùng cái triết học của lịch sử cũng thiếu nữa. Vậy có phê bình Việt Nam sử lược của ông Trần, ta cũng không nên quá nghiêm mà trách bị cầu toàn mói phải. Cái văn cổ kính điềm đạm, lời thuật sáng sủa dồi dào, cách xếp đặt có trật tự phân minh, ý cai quát được rõ ràng khúc chiết, ấy là những cái đặc sắc của bộ Việt Nam sử lược... Tôi quyết đoán rằng sau ông Trần, sẽ còn có nhiều sử gia hoàn toàn hơn ông. Song hiện nay tôi mói thấy bộ Việt Nam sử lược là hon hết. Chẳng những là một bộ sách giáo khoa về lịch sử có giá trị, mà còn là một bộ sử ký của khắp cả những ai muốn rõ lịch sử nước nhà" (tr. 34-35).

Trong Nhà văn hiện đại (Hà Nội, 1942), Vũ Ngọc Phan khi đánh giá Việt Nam sử lược cũng có những ý kiến tương tự như trên và cho rằng "tuy gọi là 'lược' nhưng cũng đủ được mọi việc trong thời kỳ đã qua của nước nhà và đáng coi là một bộ sách giá trị... Như vậy, bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim là một bộ sử ký đầu tiên của nước ta viết bằng quốc văn có thể tạm gọi la đầy đủ" (NXB Thăng Long, Sài Gòn, 1960, tr. 209-211).

* * *

Sách đạt được tin cậy của hầu hết học giả và quần chúng trong nước, được tái bản rất nhiều lần, nhưng số phận cũng có lúc long đong, vì sau Hiệp định Genève 1954, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17, do một số vấn đề khác biệt về quan điểm đánh giá, Việt Nam sử lược cùng tác giả của nó đã bị phê phán rất nặng, coi là sách phản động, đồng thời cấm lưu hành ở miền Bắc, và chỉ còn một vài người cất giấu được để đọc lén. Trong khi đó tại miền Nam giai đoạn 1954-1975, sách được lưu hành thoải mái và được dùng làm căn cứ chủ yếu để biên soạn sách giáo khoa lịch sử cho học sinh các cấp. Sau năm 1975, tuy dần dần được nhìn nhận lại một cách khách quan hơn nhưng mãi đến năm 1999, tức 24 năm sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam sử lược mới được tái bản, nhưng do hoặc là bất cập trong vấn đề văn bản hoặc trong việc trình bày chữ Hán, nên có nhiều ấn bản có sự sai lệch, thiếu hụt rất đáng tiếc.

Cuốn sách gồm 5 quyển nhỏ:

Quyển I: Thượng cổ thời đại (gồm 4 chương)

Quyển II: Bắc thuộc thời đại (gồm 6 chương)

Quyển III: Tự chủ thời đại (gồm 15 chương)

Quyển IV: Tự chủ thời đại (gồm 12 chương)

Quyển V: Cận kim thời đại( gồm 16 chương)

Tổng kết

Niên biểu

Phụ lục

Bảng từ vựng

Bảng tra tên người - tên đất - tên sách

Trân trọng giới thiệu!

Bình luận