NHỮNG THÁNG NĂM RỰC RỠ - Câu chuyện cảm động về cặp cha mẹ trẻ nhất và đứa con già nhất.

Có một nhà văn từng nói về ý nghĩa của cuộc sống: “Bạn cần sức mạnh, nghị lực nên cuộc sống đã đặt ra những khó khăn nghịch cảnh để bạn vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn.” Tình cờ tôi đọc “Những tháng năm rực rỡ” (두근 두근 내 인생) của nhà văn Ae-ran Kim cũng chứa đựng những thông điệp đó. Cuốn sách khắc họa hình ảnh một cậu thiếu niên phải sống trong nghịch cảnh nhưng vẫn luôn giữ trong mình niềm lạc quan và tin yêu cuộc sống. Cậu thiếu niên ấy trở nên rất đặc biệt trong lòng tôi, bởi nhờ cậu, tôi đã khiến bản thân mình dừng lại một chút khi đang ở trong guồng quay bận rộn của cuộc sống, để nhìn nhận lại ý nghĩa thực sự của cuộc đời, để suy ngẫm về những điều bản thân đang theo đuổi ở hiện tại.

“Nếu được sinh ra lần nữa thì con muốn trở thành gì?”

Tôi đã dõng dạc trả lời:

“Thưa bố, con muốn trở thành bố ạ.”

Bố tôi hỏi tiếp:

“Còn rất nhiều điều khác tốt hơn, tại sao con lại muốn là bố?”

Tôi thoáng bối rối nhưng vẫn nói rằng:

“Bởi vì con muốn biết tấm lòng của bố sau khi sinh con ra đời.”

Đó là cuộc nói chuyện rất đỗi giản dị của Ah Reum cùng với người bố của mình được tác giả ghi lại trong lời mở đầu của cuốn tiểu thuyết. Vốn dĩ cuộc nói chuyện này sẽ rất bình thường như cuộc nói chuyện của bao cặp bố con khác, nhưng với Ah Reum dường như lại chứa đựng những ý nghĩa khác biệt khác. Bởi cậu thiếu niên Ah Reum ấy mắc hội chứng lão hóa sớm, hội chứng này khiến cho cậu chỉ mới mười bảy tuổi nhưng lại mang dáng vẻ già nua của một ông lão tám mươi. Chính vì điều đó nên cái ước muốn trở thành bố của cậu mới trở nên khác biệt và chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu xa. Chúng ta chắc hẳn đã từng mường tượng về bản thân trong tương lai, về dáng vẻ của 20, 30 hay thậm chí 80 năm sau. Với người bình thường, việc chúng ta sinh ra và lớn lên, kết hôn rồi sinh con và trở thành bố/mẹ dường như là điều đương nhiên, dù có thể là sớm hay muộn. Thế nhưng đối với Ah Reum thì điều đó lại như một ngôi sao sáng trên bầu trời đêm mà cậu chỉ có thể ngắm nhìn từ xa chứ không thể chạm tay tới. Bởi vậy, ước muốn trở thành bố của cậu không chỉ đơn giản là muốn biết tấm lòng của người bố khi có con, mà dường như còn chất chứa hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn, ở tương lai đó cậu có thể được sống với tuổi thật của mình, được trải nghiệm cuộc sống như bao con người bình thường khác.

“Bố mẹ có tôi khi mới mười bảy tuổi.
Năm nay tôi vừa tròn mười bảy.
Cũng chẳng có cách nào để biết chắc tôi có thể lớn lên thành mười tám hay mười chín tuổi hay không.”

Ah Reum là kết quả của mối tình vụng dại đầy lãng mạn của cha mẹ cậu năm 17 tuổi, là sự bồng bột của tuổi trẻ. Cậu bé được sinh ra khỏe mạnh và bình thường như bao đứa trẻ khác. Cho đến năm cậu ba tuổi, nghịch cảnh của cuộc đời cũng bắt đầu khi cậu được chẩn đoán mắc căn bệnh lão hóa sớm quái ác kia. Kể từ đó, cuộc sống của cậu thay đổi hoàn toàn, quẩn quanh ở nhà rồi bệnh viện, không thể cắp sách đến trường cùng các bạn đồng trang lứa. Vậy nhưng, cậu thiếu niên ấy không hề bỏ cuộc. Ah Reum hằng ngày chăm chỉ đọc sách, bởi với cậu, sách như một người thầy kể cho cậu nghe những câu chuyện thú vị, những tri thức về thế giới, như một người bạn thân chia sẻ cùng cậu những muộn phiền. Dù không được đến trường nhưng Ah Reum vẫn tự tạo cho mình những niềm vui riêng. Dù không thể chạy theo mọi người nhưng trái tim cậu cũng học được cách đập nhanh hơn và không ngừng háo hức. Bản thân Ah Reum trở nên trưởng thành với những suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời, về cha mẹ, về mọi người xung quanh. Rồi đến khi cứ đọc mãi văn của người khác viết, tự lúc nào cậu cũng nuôi hi vọng có thể viết nên một cuốn tiểu thuyết của riêng mình. Niềm khao khát đó trở nên mạnh mẽ hơn hết khi Ah Reum trở về từ phòng cấp cứu, khi tưởng chừng như cậu chắc chắn sẽ rời xa thế giới này vào ngày hôm đó. Cậu biết rằng ông trời đã cho cậu thêm một cơ hội, cậu lại càng khao khát có thể tiếp tục sống thêm một lần nữa bằng chính cuộc đời mình, và đặc biệt phải hoàn thành cuốn tiểu thuyết cậu đã ấp ủ từ lâu để tặng cho cha mẹ.

Dù hình ảnh Ah Reum xuất hiện trên những trang sách “Những tháng năm rực rỡ” là một cậu thiếu niên kiên cường, lạc quan và có những suy nghĩ vô cùng sâu sắc, nhưng cũng không thể tránh khỏi những giây phút Ah Reum cảm thấy số phận mình thật đáng thương. Dù cố gắng tự an ủi bản thân như thế nào đi chăng nữa thì trong cậu dường như vẫn tồn tại một tảng đá lớn đè nặng, cũng đã từng có ý nghĩ bỏ cuộc, buông xuôi, bởi thực chất Ah Reum vẫn chỉ là một cậu thiếu niên với những tâm tư, suy nghĩ của tuổi 17. Nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc yếu lòng của một cậu thiếu niên trẻ tuổi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, bởi cho đến tận những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, Ah Reum vẫn không tiếc nuối và oán trách cuộc đời của mình, và khi được hỏi “Em đã bao giờ oán giận chúa Trời chưa?”, cậu đã trả lời rằng: “Liệu Chúa toàn năng có thể thấu hiểu được những con người bất toàn… Dường như đó là việc rất khó khăn.” Dù cho thời gian ngắn ngủi nhưng cậu luôn lạc quan và đắm chìm trong hạnh phúc, tận hưởng những năm tháng quý giá được sống trên đời.

Một điều đặc biệt khác được khắc họa vô cùng rõ nét xuyên suốt cuốn tiểu thuyết chính là tình cảm gia đình, đó có lẽ là điều tuyệt vời nhất, thắp sáng và sưởi ấm trái tim bất hạnh của Ah Reum. Tuy đôi khi cha mẹ cậu dường như vẫn bị mắc kẹt đâu đó trong hồi ức tuổi mười bảy đầy nhiệt huyết, nhưng hơn ai hết họ vẫn luôn thực sự quan tâm, yêu thương và dành hết mọi điều tốt đẹp nhất cho đứa con trai tội nghiệp. Cặp cha mẹ trẻ ấy cố gắng chịu trách nhiệm với sai lầm tuổi trẻ của mình, hạnh phúc đến rơi nước mắt khi đứa con bé bỏng chào đời. Tác giả đã khắc họa chi tiết để làm nổi bật diễn biến tâm lí, hành động của cha mẹ Ah Reum trong quá trình nuôi dạy cậu: lo lắng khi Ah Reum 1 tuổi vẫn chưa biết nói, hồi hộp khi đứa con trai bé bỏng bập bẹ những câu nói đầu tiên, thắc mắc không biết đứa bé ấy đang suy nghĩ, tò mò với giấc mơ của nó,… Dường như bố mẹ chỉ muốn lưu giữ hết những biến đổi cảm xúc đó. Dù cho sau này Ah Reum mắc căn bệnh quái ác đó, cha mẹ cậu chưa từng một lần oán trách, ngược lại, họ luôn cùng cậu chiến đấu và là chỗ dựa vững chắc của cậu. Dù cho trên đường đi họ bắt gặp không ít ánh nhìn tò mò và thương hại, nhưng cha mẹ cậu luôn dạy cậu tự tin bước về phía trước, họ sẽ không bỏ cuộc, sẽ điều trị theo lời bác sĩ đến cùng, và họ đang làm những việc hết sức vĩ đại mà không phải ai cũng có thể làm. “Với bố, con là niềm vui trong nỗi buồn của bố.” Và câu chuyện về cặp cha mẹ trẻ nhất và đứa con già nhất cứ thế ngập tràn ánh sáng rực rỡ của ngôn từ, của tình yêu thương. Chính tình yêu thương vô hạn đó của cha mẹ đã khiến cậu thiếu niên đó mới tha thiết ước muốn kiếp sau mình có thể "trở thành bố", để có thể được học tập và trải nghiệm "làm bố". Tình yêu thương đó đã giúp cậu có thêm nghị lực để vượt qua những đau đớn về thể chất, chiến thắng những dày vò khổ sở của sự mặc cảm và bi quan về tinh thần, giúp cậu có thể sống lạc quan và ý nghĩa hơn mỗi ngày. Tất cả những điều cậu làm được đó, có lẽ trước hết là tốt và vì bản thân mình, nhưng động lực ban đầu có lẽ xuất phát từ việc cậu không muốn bản thân trở thành gánh nặng của cha mẹ, cậu không muốn bố mẹ phải lo lắng nhiều hơn vì cậu.

Bên cạnh tuyến nhân vật chính như cha mẹ Ah Reum, những nhân vật phụ như “người bạn thân” duy nhất - ông Jang hàng xóm và sau này có thêm sự xuất hiện đầy bất ngờ của “cô bạn” qua thư - Seo Ha đều có những ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ và tâm lí của Ah Reum. Nếu như ông Jang là người lắng nghe Ah Reum giãi bày những muộn phiền, cho cậu bé trải nghiệm cảm giác được nếm thử rượu của người lớn thì người bạn qua thư Seo Ha mang đến cho cậu những cung bậc cảm xúc đa dạng và mới mẻ của tuổi thanh xuân. Nhờ đó, lần đầu tiên Ah Reum biết cảm giác xốn xang, hồi hộp đến mức viết đi viết lại một tin nhắn trước khi gửi đi, cảm giác hồi hộp mỗi khi nhận được thư gửi đến. Mỗi câu chuyện, mỗi dòng tin nhắn của người bạn đó đều tiếp thêm hơi thở, tiếp thêm động lực giúp Ah Reum vượt qua mỗi ngày. Quan trọng hơn, đối với Ah Reum hai người bạn này có thể cùng cậu trò chuyện chia sẻ, nhờ đó, cậu nhận ra mình không cô đơn trên thế giới này, mọi việc cậu làm đều có ý nghĩa, mỗi ngày trôi qua đều đáng trân trọng hơn bao giờ hết.

“Những tháng năm rực rỡ” chứa đựng cả một câu chuyện khiến người đọc không ngừng thổn thức về tuổi thanh xuân, về chân lý cuộc đời, và không ngừng tự hỏi phải chăng mình đã trân trọng và tận hưởng hết mình những tháng năm rực rỡ ấy. Gấp lại cuốn sách, trong tôi tràn ngập một cảm xúc - BIẾT ƠN! Tôi cảm ơn tác giả và dịch giả đã mang tới cho tôi một cuốn sách hay và ý nghĩa. Cảm ơn Ah Reum đã cho tôi một bài học cuộc sống, một tấm gương sống sáng ngời và cảm động. Tôi cảm ơn cuộc đời vì xung quanh chúng ta còn biết bao những tấm lòng ấm áp và có biết bao những điều tốt đẹp khác. Tôi biết ơn cha mẹ vì đã cho tôi một hình hài và trí tuệ, cảm xúc của một con người bình thường, để tôi có thể sống và hưởng hạnh phúc của một con người bình thường trên thế gian này... Đôi khi chúng ta nên tự hỏi: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, chúng ta sẽ làm gì?” để xem bản thân mình thực sự mong muốn điều gì. Hãy tìm đọc cuốn "Những tháng năm rực rỡ" để cùng cảm nhận và suy ngẫm nhé. Hãy luôn nhớ: "Cuộc sống dẫu ngắn, dẫu dài, vẫn là những tháng năm rực rỡ”, cuộc sống dù vất vả, khổ cực, vẫn luôn là vô giá - bởi chúng ta chỉ sống cuộc đời này có một lần!
_____
Người viết: Phạm Thị Thu Hương.
Ảnh: Thư viện ĐHHN

_____
Tác giả: Ae-ran Kim
Dịch giả: Nghiêm Thị Thu Hương – Giảng viên khoa Hàn Quốc – Trường ĐH Hà Nội
Thể loại: Tiểu thuyết
NXB: NXB Hội Nhà Văn
_____
Bạn đọc có thể tìm đọc sách tại Thư viện ĐHHN - Kho tài liệu Tiếng Việt – kí hiệu xếp giá: 895.73 AER

Bình luận