Dòng Nội dung
1
Những quan điểm khác nhau trong việc xác định từ và hình vị tiếng Việt / Nguyễn Thiện Giáp // Tạp chí Khoa học ngoại ngữ số 50 (Tháng 3/2017)

tr.3-17

Bài báo trình bày ba quan điểm khác nhau trong việc xác định từ và hình vị tiếng Việt. Quan điểm thứ nhất là của Nguyễn Tài Cẩn, học giả này coi hình vị là đơn vị cơ bản của tiếng Việt. Nguyễn Tài Cẩn cho rằng hình vị tiếng Việt trùng với âm tiết, chính vì thế ông mới gọi là “tiếng” hoặc hình tiết. Ông cũng không đồng nhất tiếng với từ mà nhận định chỉ những tiếng độc lập mới được coi là từ. Cũng giống như ngôn ngữ học cấu trúc Mĩ, các đơn vị do tiếng kết hợp với tiếng mà thành được Nguyễn Tài Cẩn gọi chung là kết cấu. Kết cấu lại được chia thành kết cấu cố định và kết cấu tự do. “Tiếng” là đơn vị gốc của ngữ pháp tiếng Việt; “Từ ghép” là thuộc các kết cấu cố định; “Đoản ngữ” thuộc các kết cấu tự do. Quan điểm thứ hai là của Cao Xuân Hạo, coi “tiếng” là đơn vị cơ bản của tiếng Việt. Theo nhà nghiên cứu này, cái đơn vị có chất liệu là âm tiết trong tiếng Việt có thể hoạt động với tư cách vừa là từ, vừa là hình vị, vừa là âm vị. Chính vì thế mà người ta nói đến hiện tượng “một thể ba ngôi” trong tiếng Việt. Quan điểm thứ ba là quan điểm chung của hầu hết các các nhà Việt ngữ học, coi từ là đơn vị cơ bản của tiếng Việt. Tuy nhiên, việc nhận diện từ và hình vị tiếng Việt của đa số các nhà Việt ngữ học theo quan điểm nói trên chưa nhất quán, chưa hợp lí, và chưa phù hợp với thực tế. Tác giả bài viết cũng theo quan điểm coi từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, nhưng trong các công trình của mình chúng tôi đã xác định từ và hình vị tiếng Việt một cách nhất quán, phù hợp với lí luận và thực tiễn tiếng Việt.