Số Đỏ
Xuân Tóc Đỏ, cái thằng nắm sợi dây huyết mạch cho đứa con tinh thần, xuất hiện một cách hết sức dân dã, gần gũi, gần gũi đến mức trần trụi, vì nó đang bận chim chị hàng mía. Là vì nó cứ sấn sổ đưa tay ra toan cướp giật ái tình… “… … Cứ ỡm ờ mãi! Xin một tị! Một tị tỉ tì ti thôi! Khỉ lắm nữa! Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn…” Xuân Tóc đỏ mở màn một cách “đĩ thỏa” như thế đó!

Vũ Trọng Phụng qua đời ở tuổi 27, một nguồn tin ghi lại để viết “Số Đỏ”, ông đã đi thực tế và ngủ chung với mấy chục người trong một khu ổ chuột. Rồi trong một đêm cụ già bên cạnh Vũ Trọng Phụng ho sặc sụa và máu bắn vào cả mặt ông, cụ già đó bị bệnh lao. Vậy là để có một Số Đỏ thật đúng sáng về xã hội Việt Nam thời ấy, có một con người tài hoa đã phải hi sinh cả phần đời còn lại của mình.

“Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết thực sự là ở đời… Các ông muốn theo tiểu thuyết tuỳ thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì cũng đúng sự thực.” (Vũ Trọng Phụng, Báo Tương Lai, 25/03/1937).

Yêu con chữ và tôn trọng sự thật – đấy cũng là một trong những lý do khiến văn sĩ tả chân họ Vũ bị vết đen trong mắt người đời. Tác phẩm Số Đỏ, cũng như các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước năm 1975 cũng như tại Việt Nam Thống Nhất cho đến năm 1986. Phải mất gần sáu mươi năm, Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thiếu Sơn mới có thể làm sống lại tên tuổi và sự nghiệp văn chương của nhà văn hiện thực tài ba này.

Đứa con đáng tự hào nhất: “Số đỏ” -cùng nam chính me xừ Xuân

Đọc “Số Đỏ” – phải hiểu tình hình đất nước thời đó mới thấm được mặt trái xã hội Vũ Trọng Phụng truyền tải. Đối tượng nhà văn phê phán là tầng lớp tiểu tư sản Hà Thành đầu thế kỉ 20, nhưng cái hay là ông không đi vào đối tượng chính mà mượn ngay Xuân – cái thằng “lươn lẹo” lại có thói “trưởng giả học làm sang” – để dựa vào nó mà đào sâu vào phê phán sự rởm đời của giới thượng lưu thành thị, từ đó chuyển hướng nói về “tấn trò đời” của những diễn viên đại tài – họ diễn trong cuộc sống, diễn với những người thân, và diễn cả với chính bản thân mình.

Xuân Tóc Đỏ, cái thằng nắm sợi dây huyết mạch cho đứa con tinh thần, xuất hiện một cách hết sức dân dã, gần gũi, gần gũi đến mức trần trụi, vì nó đang bận chim chị hàng mía. Là vì nó cứ sấn sổ đưa tay ra toan cướp giật ái tình…
“…
… Cứ ỡm ờ mãi!
Xin một tị! Một tị tỉ tì ti thôi!
Khỉ lắm nữa!
Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn…”
Xuân Tóc đỏ mở màn một cách “đĩ thỏa” như thế đó!

Tầng lớp ăn trên ngồi trốc của xã hội đang tư sản hóa cuối mùa
Nhắc đến bậc thượng lưu tri thức của xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc trong vở kịch nghệ này, là nhắc đến bà Phó Đoan – dì của Văn Minh (Văn trong vợ và Minh trong chồng, đặt vợ ở trước cho nó nghe có vẻ nịnh đầm), và gia đình của Văn Minh (cụ tổ Hồng, cụ cố Hồng, vợ chồng Văn Minh, cậu Tú Tân, cô Hoàng Hôn, cô Tuyết, ông phán mọc sừng), tính cả cái đống dây mơ rễ má khá liên quan như nhà mỹ thuật TYPN, ông đốc tờ Trực Ngôn, ông Joseph Thiết, mấy thằng cảnh sát Min Đơ, Min Toa…

Ai cũng có phần, ai cũng đặc sắc như ai, ai cũng tự bôi son trát phấn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho xứng với cái danh thượng lưu của mình… Họ nói chuyện với nhau thật văn hoa “một cách liến thoắng, trôi chảy như nước suối, sốt sắng như những người không thành thực chút nào cả”, mà người nghe thì “tuy chẳng hiểu cái quái gì, nhưng cũng thấy êm tai, và nhất là sung sướng.”

Bấy nhiêu con người góp mặt trong một bức tranh hết sức chân thật về cuộc sống của lớp thị dân Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.

“Đỏ”
Nếu nói về nhân vật may mắn đến bất bình thường trong văn học, Trung Quốc có Vi Tiểu Bảo (Lộc Đỉnh Ký) thì Việt Nam phải nhắc đến Đốc Tờ Xuân. Đúng vậy, thực sự Xuân tóc đỏ số đỏ đến lạ kỳ.

Cả một thiên truyện dài 20 chương, rõ ràng là may mắn đã luôn bên cạnh Xuân, thế nhưng thú vị thay may mắn ở đây không tự nhiên mà có, may mắn của Xuân là một chuỗi sắp đặt ngẫu hứng dựa trên ham muốn lợi ích của các bậc thượng lưu.

Bắt đầu khi bà Phó Đoan đến chơi ở sân quần vợt nơi Xuân tóc đỏ làm việc. Vô tình Xuân tóc đỏ vì xem trộm một cô đầm thay đồ nên bị cảnh sát bắt giam và được bà Phó Đoan bảo lãnh. Sau đó, bà Phó Đoan giới thiệu Xuân đến làm việc ở tiệm may Âu Hóa, từ đó Xuân bắt đầu tham gia vào việc cải cách xã hội.(Wikipedia tóm tắt)

Có ai ngờ khi khép lại trang sách cuối cùng, nó đã nhiều bước lên mây, biến thành vĩ nhân cứu quốc? Có ai ngờ một thằng mồ côi cha mẹ, hạ lưu, ma cà bông, lớn lên bằng nghề bán phá sa, bán dầu trên xe điện, làm lính chạy cờ hiệu rạp hát, thổi loa cho những tiệm thuốc lậu, nhặt ban quần… rồi nhờ cái ơn của bà Phó Đoan mà Xuân có cơ duyên tiếp xúc với công cuộc “Âu hóa”, trà trộn vào giới thượng lưu? Rồi đời nó, từ đó mà đổi thay!

Tiếng cười đọng lại vị đắng trên môi
Theo lời Vũ Trọng Phụng: “Số Đỏ tập trung cao độ thể hiện sự dị dạng của con người trong một xã hội đang tư sản hóa cuối mùa.”

Bà Phó Đoan – mụ góa bụa thủ tiết hai đời chồng, với cái mong muốn nhất đời là tìm lại cảm giác được bị hiếp, mụ thèm bị hiếp và khát khao bị hiếp – một con người suy đồi đạo đức. Ấy vậy mà bà vẫn gật gù vì mình đã hư hỏng một cách khoa học.
Cô Hoàng Hôn xuất hiện một tí tị tì ti, cắm sừng cho chồng rồi đi khách sạn với bồ mà còn triết lý: “Có chồng thôi mà không có nhân tình? Thế là hèn, là xấu, là không có đức hạnh gì cả, không có thông minh nhan sắc gì cả, nên chẳng ma nào nó thèm chim!… Có ăn có chọi mới gọi là trâu chứ!”
Than ôi những người đàn bà đã trượt ra ngoài rìa nhân cách và đạo đức của phụ nữ truyền thống.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” – 1872 câu nói làm nên thương hiệu riêng của cụ cố Hồng – con trai cả của cụ tổ. Cái con người ấy đã tìm bác sĩ cho cha với tiêu chí “Ta chỉ cần một ông thầy thuốc làm bộ, hay cho đơn thuốc mạnh, hoặc là hay khệnh khạng, là đủ giết nổi cụ via nhà ta rồi”.
Con trai đã “báo hiếu” cha như vậy!

Nét biếm họa quá thần tình! Chấm phá nên một tâm hồn sa đọa, đạo lí suy đồi đến cùng cực.

Văn Minh, con trai của cụ cố Hồng, đi Tây du học 6-7 năm chẳng có mảnh bằng nào, về nước mở hiệu may với tôn chỉ cổ vũ phòng trào “Âu hóa” nhằm “phô ra những bộ phận kín đáo của phái đẹp”. Nào là bộ Chiếm lòng, Ngây thơ, Dậy thì, Nữ quyền, Kiên trinh, Lưỡng lự… Nào là cái áo “Ỡm ờ”, cái quần “Hãy chờ một chút”, áo lót “Hạnh phúc” và cả cái coócsê “Ngừng tay”…
Người đọc như thấy một cái tát rõ mạnh vào phái yếu, tiết hạnh của người phụ nữ bị đưa ra làm trò cười cho cả thiên hạ. Thế mà đám đàn bà trong xã hội ấy vẫn gật đầu lia lịa, để xin được “Âu hóa theo văn minh, ăn vận theo tiến bộ”.

“Hạnh phúc của một tang gia” – chương XV tiểu thuyết Số Đỏ đã được Bộ Giáo Dục đưa vào chương trình Ngữ Văn lớp 11, Vũ Trọng Phụng đã miêu tả bằng tất cả những nét hoạt kê, tạo nên tiếng cười đầy đắng chát về cái rởm của đám thượng lưu thành thị bị tha hóa. Một đám tang mà như lễ hội. Bởi bọn con cháu của cụ tổ Hồng đã đợi lâu quá rồi, đợi để cái tờ di chúc ấy đi vào giai đoạn thực hành chứ không phải là lý thuyết viễn vông nữa.

Một đám ma gương mẫu!

Một dịp quá tuyệt vời để đám phụ nữ diện những bộ tân thời. Để cô Tuyết có thể bác bỏ cái lời đồn hư hỏng của thiên hạ bằng cách mặc bộ đồ Thơ ngây hở cả nách và nửa vú. Để ông Phán mọc sừng – chồng cô Hoàng Hôn có thể đóng kịch bi thảm bằng cách khóc oặt cả người, khóc “Hứt! Hứt! Hứt”… vì mừng, vì được cụ cố Hồng hứa chia thêm tiền, nào ngờ cái giá trị của đôi sừng trên đầu cũng không nhỏ. Để đám giai thanh gái lịch có thể vừa đi đưa tang vừa bình phẩm nhau, chim nhau, cười tình với nhau. Để quan khách của tang chủ có dịp khoe ngực đầy những huy chương.

Dân tình đổ ra đường để hóng chuyện và trầm trồ làm dòng người đưa tang cũng sung sướng lắm. Đằng sau sự phô trương, cố làm ra vẻ long trọng và danh giá ấy là sự rởm đời đến mức lố lăng, là thói háo danh đến trơ trẽn, hãnh tiến và bao trùm lên tất cả là thói đạo đức giả của bọn nhà giàu, của giới thượng lưu.

Một đám tang có tất cả, chỉ thiếu tình người!

Bậc thầy trong nền văn học hiện thực phê phán
Bằng ngòi bút trào phúng, lối viết ngấu nghiến, nhịp điệu dồn dập, giọng văn phảng phất thái độ khinh miệt, thể hiện bất đồng quan điểm với hệ thống nhân vật cũng như bối cảnh xã hội đương thời, Số Đỏ lên án gay gắt xã hội tư sản thành thị Việt Nam dưới thời Pháp thuộc đang chạy theo lối sống tân thời lố lăng đồi bại, bỏ quên lớp văn hoá Nho giáo trọng đạo truyền thống.

Chứng kiến những đổi thay của con người thời kì này, tác giả đả kích sâu cay các phong trào “Âu hóa”, “thể thao”, “giải phóng nữ quyền” đang phát triển rầm rộ khi ấy, nhân danh “văn minh”, “tiến bộ”, “cải cách xã hội” mà thực chất chỉ là ăn chơi trụy lạc, làm tiền, chà đạp trắng trợn lên mọi nề nếp đạo đức của ông cha …

Vũ Trọng Phụng không hổ danh là bậc thầy trong mảng văn học hiện thực phê phán. Từng con chữ đến câu từ dưới bàn tay ma thuật ấy thấm đẫm cá tính sáng tạo. Một thứ ngôn ngữ vừa gai góc, vừa sắc nhọn, vừa mỉa mai, lại vừa chua chát.

Số Đỏ là một tác phẩm nên đọc để được cười nhiều kiểu: cười hài hước, cười mỉa mai, cười thẳng, cười đắng chát… Sau tiếng cười là để hiểu được xã hội Việt Nam ta trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử nước nhà.
Bài review của bạn Bùi Mỹ Duyên

Bạn có thể tìm đọc cuốn sách tại kho Tiếng Việt - Thư viện trường Đại học Hà Nội - với ký hiệu xếp giá 895.922.3VUP

Bình luận