THƯ CẢM ƠN TẶNG SÁCH
Thư viện Trường Đại học Hà Nội xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các tác giả:
  • TS. LS Đoàn Văn Bình, Thành viên Hội đồng Trường Đại học Hà Nội
  • TS Nguyễn Thành Công, Phó trưởng khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Hà Nội
  • PGS.TS Đỗ Phú Hải, Trưởng bộ môn Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Hà Nội
  • PGS.TS Lê Công sự, Nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Hà Nội
  • TS Ngô Thị Huệ, Giảng viên khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Hà Nội
  • GS Đặng Ứng Vận.
Thay mặt các độc giả, Thư viện xin chân thành cảm ơn tấm lòng của các Thầy, Cô đã tặng sách cho Thư viện. Đây là những tài liệu vô cùng hữu ích cho bạn đọc, đặc biệt là với giảng viên, học viên, sinh viên của trường trong công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Thư viện rất mong sẽ nhận được ngày càng nhiều hơn nữa những đầu sách hay, tư liệu qu‎ý – tất cả vì sự nghiệp chung của Trường, lợi ích của người học.
Xin được gửi lời chúc tới các Thầy, Cô “Sức khỏe - Hạnh phúc - Thành công”.
TỪ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC ĐẾN VIỆC DẠY VÀ HỌC ĐẠI HỌC
Tác giả: Đặng Ứng Vận
NXB: Đà Nẵng
Năm xuất bản: 2024
—-----------------------
Cuốn sách này trình bày những nội dung cơ bản về triết lý, lý thuyết giáo dục, về việc học tập và giảng dạy đại học. Dựa trên những trải nghiệm kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo của Việt Nam, đánh giá phê phán các tài liệu cơ bản liên quan đến giảng dạy hiệu quả và luận cứ triết học cho việc lựa chọn triết lý dạy học, một khuôn khổ đổi mới giảng dạy đại học được đề xuất bao gồm bốn khuyến nghị:
i) sự cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận dạy đại học;
ii) định hướng về quá trình giảng dạy đại học với sự hiểu biết rõ ràng về vai trò của giảng viên và người học và
iii) suy ngẫm về triết lý dạy học của giảng viên làm nền tảng cho các hoạt động và đổi mới dạy học đại học và iv) phát triển năng lực giảng viên đáp ứng nhu cầu đổi mới.
Bàn về việc dạy và học đại học từ quan điểm triết lý giáo dục cuốn chuyên khảo này hy vọng giúp ích được cho các nhà quản lý giáo dục, các kiểm định viên chất lượng giáo dục đại học, các giảng viên và chừng mực nào đó, các sinh viên, học viên trong các trường đại học đang và sẽ tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục của đất nước.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
TỔNG QUAN VỀ CHÍNH SÁCH CÔNG
Tác giả: PGS.TS Đỗ Phú Hải
NXB: Chính trị Quốc Gia Sự thật
Năm xuất bản: 2017
—----------------------------------------
Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những kiến thức về chính sách công, từ hệ thống lý thuyết khoa học chính sách công, phân tích khái niệm, bản chất, mục đích, nguyên tắc của chính sách công tới quá trình ban hành và chủ thể của chính sách công; phân tích những vấn đề cụ thể về xây dựng, thực hiện, đánh giá chính sách công ở Việt Nam.
Cuốn sách gồm 2 phần:
Phần thứ nhất: Những vấn đè chung về chính sách công
Phần thứ hai: Một số phân tích chính sách chuyên ngành ở Việt Nam
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG CỔ - TRUNG ĐẠI
Tác giả: PGS.TS Lê Công Sự
NXB: Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2024
—------------------------
Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia điển hình về mọi phương diện cho Đông phương, cái nôi văn hóa loài người, nơi khởi nguồn tư duy huyền thoại - tiền thân của tư duy triết học. Ngay từ những buổi đầu, nhân dân hai xứ sở này đã hiểu được mối quan hệ liên thông, chặt chẽ giữa con người và tự nhiên, để từ đó hình thành ý thức bảo vệ hệ sinh thái.
Để khơi dậy ý thức tôn trọng truyền thống làm cơ sở và động lực cho phát triển bền vững trong xã hội hiện đại, tác giả sẽ phác thảo những nét cơ bản trong bức tranh toàn cảnh triết học hai quốc gia. "Triết học Đông phương cổ - trung đại" là sản phẩm nghiên cứu của PGS.TS. Lê Công Sự - Giảng viên cao cấp - Khoa giáo dục chính trị, Trường Đại học Hà Nội sau 40 năm giảng dạy môn Lịch sử triết học và Tư tưởng Đông phương ở một số trường đại học.
Cuốn sách gồm 2 chương: được trình bày cô đọng, khái quát theo từng chương, bài:
Chương 1 "Triết học Ấn Độ", gồm 3 bài. §1 trình bày "Khái quát về tự nhiên, xã hội và triết học Ấn Độ cổ đại", trong đó trọng tâm nói về Kinh Vedas - một hệ thống triết lý làm nền tảng cho mọi hệ thống triết học Ân sau này. § 2 trình bày về "Triết học dòng chính thống", gôm 6 trường phái: Mimansa, Vedanta, Samkhuya, Yoga, Nyaya, Vaishesika. Những trường phái này tuân thủ theo tinh thần Vedas, nên thuộc dòng chính thống. §3 trình bày về "Triết học dòng không chính thống", gồm 3 trường phái: Lokayata, Jainism; Buddhism, trong đó trọng tâm là triết học Buddhism (Phật giáo) - một tôn giáo giải thích thế giới trên tinh thần duy vật biện chứng, nhấn mạnh phương diện giải thoát tinh thần, đưa con người đến cảnh giới "dĩ bất biến, ứng vạn biến, dĩ chúng tâm vi kỷ tâm".
Chương 2 gồm 5 bài. §1 trình bày "Khái quát về đất nước và đặc điểm triết học Trung Quốc cổ - trung đại", nhấn mạnh quan niệm "Thiên, Địa vạn vật nhất thế", "Thiên - Địa - Nhân hợp nhất". § 2 giới thiệu những nội dung cá b nãy là hai hướng của thuyết Âm dương - ngũ hành, thuyết Bát quái. Đây là hai học thuyết tiêu biểu phản ánh mỗi quan hệ giữa con người và tự nhiên dựa trên nguyên tắc "người ta là hoa của đất", theo nghĩa con người là một bộ phận của tự nhiên.
§3 "Triết học Nho gia", đề cao vai trò định hướng giá trị sống của các quan hệ, tôn ti, trật tự trong xã hội truyền thống, ảnh hưởng các giá trị này đối với người hiện đại. § 4 "Đạo gia và Đạo giáo" bàn về thế giới quan và nhân sinh quan của Lão tử, Trang tử, sự chuyển biển tư tưởng triết học của họ thành một tôn giáo tuân thủ quy luật "Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên". §5 "Pháp gia, Mặc gia và Danh giá" trình bày nội dung cơ bản của ba trường phái, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Pháp gia và ảnh hưởng của học phái này đối với xây dựng nhà nước pháp quyền trong xã hội cận - hiện đại.
Trân trọng giới thiệu!
ĐỐI CHIẾU NGÔN NGỮ HÁN - VIỆT LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Tác giả: Ngô Thị Huệ
NXB: Khoa học Xã hội
Năm xuất bản: 2024
—---------------------------
Hơn mười năm trở lại đây, cùng với sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, số lượng người học tiếng Trung Quốc, du học Trung Quốc và lưu học sinh Trung Quốc tới Việt Nam học tiếng Việt ngày càng tăng lên. Nhu cầu học tập, nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Trung Quốc trong sự sọ sánh, đối chiếu với tiếng Việt cũng ngày càng lớn. Tuy nhiên cho đến nay, cả ở Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn rất hạn chế các chuyên khảo hay giáo trình về đối chiếu ngôn ngữ Hán - Việt. Đây là một khó khăn rất lớn đối với người Việt Nam học tập chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc và người Trung Quốc học tập chuyên ngành tiếng Việt.
Môn học Ngôn ngữ học đối chiếu xuất hiện hầu hết ở các trường đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc hệ đào tạo cử nhân hoặc sau đại học của Việt Nam. Nhu cầu giảng dạy, kiểm tra đánh giá, học tập, nghiên cứu, xây dựng chương trình, thiết kế môn học liên quan đến lĩnh vực đối chiếu Trung - Việt cũng ngày càng lớn. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giáo viên và học viên chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc trong cả nước, tác giả dựa trên những bài giảng trong chương trình giảng dạy môn Ngôn ngữ học đối chiếu của Trường Đại học Hà Nội với sự tích lũy của hơn 10 năm nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hán và tiếng Việt, đồng thời tra cứu các chuyên khảo về hai ngôn ngữ, các tài liệu về lĩnh vực nghiên cứu đối chiếu trong và ngoài nước, để tiến hành thực hiện nghiên cứu này. Cuốn sách đã xây dựng một mô hình hệ thống đối chiếu ngôn ngữ Hán - Việt, có chiều sâu của lý luận và ứng dụng thực tiễn cao, cung cấp những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học đối chiếu như: cơ sở lý luận, lịch sử hình thành và phát triển của ngôn ngữ học đối chiếu, phương pháp nghiên cứu, các thao tác khi thực hiện nghiên cứu đối chiếu. Đặc biệt, cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về đối chiều ngôn ngữ tiếng Hán và tiếng Việt ở các phương diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, đối chiếu ngôn ngữ Hán - Việt từ góc độ văn hóa, v.v... Trên cơ sở đó gợi mở cho bạn đọc những hướng nghiên cứu, đề tài mới phù hợp cho bản thân.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
DẪN LUẬN TRIẾT HỌC
Tác giả: PGS.TS Lê Công Sự
NXB: Tri Thức
Năm xuất bản: 2024
—------------------------
Cuốn sách được viết ra nhằm chia sẻ cùng bạn đọc những kiến thức cơ bản về triết học, trả lời những câu hỏi muôn thuở mà loài người đã đặt ra: Triết học ra đời như thế nào? Bản chất của triết học? Tiến trình vận động của lịch sử triết học? Triết học đóng vai trò gì trong đời sống chính trị - xã hội?
Trả lời đúng những câu hỏi trên giúp bạn có cơ sở lý luận để học tập và nghiên cứu một môn học mà đa số sinh viên đều "sợ", do vậy phát sinh tâm lý chung là "ngại ngần và ngao ngán" khi trả thi môn học này.
Thêm vào đó, đây là khoa học mà tư duy cần thao tác để giải quyết những vấn đề "ở tầm vĩ mô" cũng như vấn đề "đang có vấn đề" dựa trên thao tác những khái niệm trừu tượng, nên khó hiểu, khó học thuộc lòng như các môn học khác trong chương trình đại học.
Nhìn từ quan điểm trừu tượng hóa khoa học, có thể
thấy, triết học là một trong những hình thái ý thức xã hội, sản phẩm tinh thần của dân tộc và thời đại. Việc tìm hiểu nguồn gốc, bản chất, lịch sử phát triển của triết học giúp ta hiểu biết, ghi nhận, phân tích và luận giải về trình độ tư duy loài người trong từng giai đoạn lịch sử. Qua đó, tạo cơ sở khoa học nhận định về vị trí, vai trò và chức năng của triết học để có phương án thiết lập thái độ thích hợp trong học tập, nghiên cứu, định hướng phát triển môn học này trong tương lai - khi đời sống vật chất xã hội dồi dào, lẽ dĩ nhiên nhu cầu về hoạt động tinh thần sẽ gia tăng.
Với tư cách là một người nghiên cứu và giảng dạy triết học hơn 40 năm trên giảng đường đại học, tác giả cố gắng viết đơn giản, dễ hiểu nhất về nội dung mà những câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra để bạn đọc có một cái nhìn khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể, qua đó có thêm tình yêu đối với môn học.
Hy vọng cuốn sách sẽ mang lại cho bạn những kiến thức cơ bản về thế giới quan và phương pháp luận trong nhận thức và cải tạo thế giới, đồng thời tạo nguồn cảm hứng để bạn sống có ý nghĩa nhân văn và tăng cường trách xã hội, nâng tầm giá trị sống trong một thế giới phức tạp, bộn bề công việc và đang thay đổi khôn lường với tốc độ chóng mặt
Trân trọng giới thiệu!
CHÂN TRỜI NGÔN NGỮ
Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
NXB: Văn hóa Dân tộc
Năm xuất bản: 2024
—-----------------------------
Cuốn sách "Chân trời ngôn ngữ" của tác giả Nguyễn Hải Hoành ghi lại những nghiên cứu của tác giả về tìm hiểu ngôn ngữ Việt và Hán. Tác giả mong muốn đóng góp góc nhìn của mình vào cách nhìn chung của các nhà nghiên cứu tiền bối và đương thời. Cuốn sách là tổng hợp những bài viết về đề tài ngôn ngữ đã đăng trên các tạp chí, báo điện tử và mạng xã hội từ năm 2014 đến nay của tác giả, tác giả cho biết Các bài đó được viết trong những thời điểm khác nhau, nhằm mục đích khác nhau, bởi thế nhiều bài có những nội dung trùng lặp, nhắc lại một số điều bài khác đã viết. Nhược điểm này có thể làm nản lòng bạn đọc, nhưng vì thời gian không cho phép tôi sửa lại từng bài, ở đây chỉ có thể mong mọi người lượng thứ. . Trong cuốn sách tác giả đã tìm hiểu ngôn ngữ Việt và Hán nhằm giải đáp mấy vấn đề: (1) Vì sao dân tộc ta tránh được tai họa bị Trung Quốc đồng hóa sau hơn 1.000 năm bị Trung Quốc cai trị?; (2) Đặc trưng quan trọng nhất của tiếng Việt là gì? Vì sao tiếng Việt có thể phát triển, đáp ứng nhu cầu ngôn ngữ của một xã hội hiện đại hóa, toàn cầu hóa?; (3) Vì sao chữ Quốc ngữ là chữ viết gần như lý tưởng đối với dân tộc ta?; (4) Đặc trưng quan trọng nhất của tiếng Hán là gì? Vì sao chữ Hán là chữ viết duy nhất thích hợp với Hán ngữ?; (5) Vì sao không thể phiên âm hóa, Latinh hóa chữ Hán?
Trân trọng giới thiệu!
BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Tác giả: LS. TS Đoàn Văn Bình
NXB: Chính trị Quốc gia Sự thật
Năm xuất bản: 2024
—-----------------------
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, nhu cầu sở hữu tài sản ở nước ngoài tăng cao, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. Thể chế chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, kết cầu hạ tầng hiện đại đang được đầu tư mạnh mẽ và dân số trẻ năng động cùng với chính sách pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản theo hướng cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài là cơ sở để thu hút nguồn vốn ngoại hồi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực đầu tư bất động sản tại một thị trường mới, các nhà đầu tư nước ngoài cần nắm vững những kiến thức chuyên sâu, hiểu rõ các quy định pháp lý và nắm bắt cơ hội đầu tư tiềm năng tại Việt Nam.
cuốn sách Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài (Song ngữ Việt - Anh) do TS. LS. Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn CEO biên soạn nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn về các quy định, chính sách, thủ tục liên quan đến việc mua, thuê mua, đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Cuốn sách bao gồm các nội dung:
Thông tin chung đối với người nước ngoài khi mua, thuê, đầu tư bất động sản tại Việt Nam; Hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài mua, thuê, đầu tư bất động sản tại Việt Nam và các biểu mẫu văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại Việt Nam,..
Cuốn sách là một tài liệu hữu ích đối với những người nước ngoài đang có nhu cầu về đầu tư, kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, những doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu hợp tác với đối tác là người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài và bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.